Bản in
Cần cơ chế đặc thù phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
Phát triển thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo, nâng cao năng lực các nhóm chủ thể; liên kết hệ sinh thái trong nước và quốc tế; …rất cần những cơ chế chính sách, tài chính đặc thù để đẩy mạnh để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam trong thời gian tới

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Phiên họp lần thứ nhất năm 2018 Ban điều hành Đề án “ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Trưởng Ban điều hành chủ trì Phiên họp. Các thành viên tham dự gồm đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, Quỹ đầu tư, doanh nghiệp….

Phiên họp được tổ chức họp định kỳ hằng năm để thông qua kế hoạch, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án; thông qua báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện trong năm của Đề án và kế hoạch tổng thể triển khai các hoạt động trong năm kế tiếp của Đề án.

Tại phiên họp, Cục trưởng Cục phát triển thị trường doanh nghiệp và KH&CN, Phạm Hồng Quất  đã báo cáo tình hình và kết quả triển khai hoat động hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST và đề xuất những giải pháp thúc đẩy phát triển hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ông Phạm Hồng Quất cho biết, hiện nay, hoạt động tài chính cho khởi nghiệp ĐMST đã có sự tăng trưởng cao và hoạt động bài bản hơn trước, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư cá nhân có sự tăng cao. Đã huy động được nguồn tài chính từ các tập đoàn, ngân hàng lớn cho hoat động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm 2017 đã có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam. Các tập đoàn lớn, ngân hàng lớn cũng tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp ĐMST. Đặc biệt số lượng và chất lượng thương vụ đầu tư đều có xu hướng tăng mạnh, cụ thể, năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gấp đôi về mặt số lượng thương vụ và gần 50 % về mặt tổng số vốn đầu tư so với năm 2016.

Hiện có khoảng 30 cơ sở ươm tạo và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tăng thêm 10 vườn ươm và 3 tổ chức thúc đẩy kinh doanh so với năm 2017.  Về mặt nhân lực hỗ trợ khởi nghiệp, đã hình thành , hoạt động và có sự liên kết của các huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp chuyên nghiệp; các khu làm việc chung dành cho khởi nghiệp tăng khoảng 30% so với năm 2016.

Đặc biệt, nhiều cơ chế chính sách về khởi nghiệp đã được thông qua tạo điều kiện hỗ trợ cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Hiện Bộ KH&CN cũng đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến việ đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Ông Phạm Hồng Quất: nhiều cơ chế chính sách về khởi nghiệp đã được thông qua tạo điều kiện hỗ trợ cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Về triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025, Bộ KH&CN đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng, triển khai Đề án phù hợp với tình hình địa phương. Ngoài ra Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, Quỹ đầu tư, doanh nghiệp để phổ biến, hướng dẫn, xây dụng và triển khai Đề án tại các đơn vị cở sở, hỗ trợ nhiều sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cả nước.

Tại phiên họp, đại diện các thành viên Ban điều hành Đề án đều khẳng định, Đề án 844 đã tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp thành công, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đã tăng cao và đang hoạt động hiệu quả trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được thì trên thực thế hệ sinh thái khởi nghiệp còn hạn chế chưa thực sự phát huy tiềm năng và chưa đạt được những mong muốn như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân đó là chính sách thuế, tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa thật sự có cơ chế  đặc thù nào cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Các thành viên của Ban điều hành cũng đã đi sâu phân tích các khía cạnh lý thuyết cũng như thực tiễn về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế chính sách tài chính, kế toán, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời phân tích làm rõ những thành công và hạn chế trong việc sử dụng cơ chế, chính sách tài chính nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của các nước từ đó đúc kết bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đề xuất nhằm đổi mới cơ chế chính sách tài chính để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã đánh giá cao các thành viên Ban điều hành đã có những ý kiến trao đổi và thảo luận rất cụ thể liên quan đến việc đánh giá kết quả năm 2017 và định hướng năm 2018. Tuy nhiên, để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Thứ trưởng đề nghị, liên quan đến vấn đề cơ chế chính sách, đơn vị chủ trì Đề án cần tập hợp lại thành vấn đề cụ thể để tập trung giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình triển khai Đề án.

Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các thành viên của Ban điều hành Đề án sau này sẽ là những người giúp cho hoạt động ĐMST của đất nước phát triển. Bên cạnh đó, mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoạt động khởi nghiệp ĐMST đi đúng hướng. Đặc biệt, hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam sẽ đi cùng với các nước đã và đang làm trên thế giới.

Liên quan đến tổ chức Techfest 2018 với quy mô quốc tế tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11 này, Thứ trưởng cho biết cần huy động nguồn lực từ các cơ quan quản lý, các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia.

“Để tổ chức thành công, sự kiện techfest quốc tế không chỉ là công việc của riêng Bộ KH&CN mà cần có sự chung tay, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội ”.

Theo thống kế của tạp chí Echelon, Singapore, một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, hiện có khoảng 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, tăng gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1800 doanh nghiệp). Đồng thời, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cũng ngày càng tăng cao, thể hiện ở số lượng các thương vụ đầu tư, số lượng vườm ươm, khu làm việc chung phát triển mạnh mẽ trong năm 2017.

Một số cái tên nổi bật có thể kể đến như : KyberNetwwork-nền tảng giao dịch phân cấp đáng tin cậy dựa trên công nghệ chuỗi khối, Foody-Mạng xã hội kết nối chia sẻ ẩm thực, wisepass- cung cấp dịch vụ trải nghiệm đồ uống cho doanh nhân…

Tin, ảnh: PV