Bản in
Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não - Bước đột phá về KH&CN
Thành công của ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam là sự đột phá về khoa học và công nghệ (KH&CN) trong Y học và là thành tích đặc biệt xuất sắc không chỉ của các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mà còn của cả ngành y tế Việt Nam. Điều đó cũng đã bổ sung thêm minh chứng để đánh dấu nền y học Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết như trên tại “Hội nghị Sơ kết đánh giá thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108” và “Lễ tôn vinh bệnh nhân và gia đình bệnh nhân hiến tạng” diễn ra ngày 28/3 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Ca ghép tạng đặc biệt 

Ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là kết quả của đề tài KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não” và Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu ghép mô, bộ phận cơ thể người được đầu tư bằng nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN. 

Theo Trung tướng, GS.TS. Mai Hồng Bàng, ca ghép phổi được thực hiện trên bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, sinh 1964, quê tại Nam Định, được chẩn đoán trước ghép là “Suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối”, người hiến tạng phổi là một bệnh nhân nam 45 tuổi, chết não hiến tạng. Đây đồng thời là trường hợp lấy - ghép đa tạng, điều phối vận chuyển, ghép đa tạng xuyên Việt lịch sử cho 6 bệnh nhân tại 3 Bệnh viện ở 2 miền Nam - Bắc. Các kíp kỹ thuật Bệnh viện đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ lấy - ghép phổi và các tạng khác. 

Sau gần 8 giờ, dưới dự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp (một phẫu thuật viên, một bác sĩ gây mê), một chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép đặc biệt - ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. Sau ghép, bệnh nhân hồi phục tốt, rút nội khí quản sau 20 giờ, chức năng hô hấp sau ghép tốt. 

Cùng thời điểm thực hiện ca ghép phổi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành lấy đa tạng ghép và phối hợp ghép cho 5 bệnh nhân khác: Ghép một thận, một giác mạc tại bệnh viện; chuyển một giác mạc còn lại ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện mắt Trung ương. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, bảo quản, vận chuyển tim và một thận ghép cho hai bệnh nhân khác nữa tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh).

Trung tướng, GS.TS. Mai Hồng Bàng cho biết, tính đến chiều 28/3, sức khỏe của bệnh nhân được ghép phổi tiến triển tốt. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tự vận động, xét nghiệm và khí máu ổn định, chức năng phổi ghép ổn định. 5 bệnh nhân được ghép tạng còn lại hiện sức khoẻ cũng đã dần ổn định. Điều này thể hiện trình độ chuyên môn y học cao, sự cố gắng nỗ lực của các thầy thuốc, vai trò quan trọng của sự hợp tác trong nước và quốc tế, công tác tổ chức - điều phối chặt chẽ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, là minh chứng sinh động về kết quả hợp tác và đoàn kết quân - dân y”. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, thành công của ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thể hiện sự trưởng thành của Y học nước nhà và nỗ lực vượt bậc của các thầy thuốc. Ca ghép phổi cho thấy kỹ thuật, kỹ năng làm việc nhóm, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo phòng thí nghiệm, kỹ thuật chống thải ghép… rất tốt và sự phối hợp quân - dân y  nhuần nhuyễn. 

Hiệu quả từ đầu tư cho KH&CN

Báo cáo tại Hội nghị, Trung tướng, GS.TS. Mai Hồng Bàng cho biết, năm 2015, Bộ KH&CN giao cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não” do GS.TS. Mai Hồng Bàng làm Chủ nhiệm. Năm 2016, Bệnh viện được Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao thực hiện Đề án KH&CN tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người. 

 

 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tặng quà và chúc mừng bệnh nhân được ghép tạng

Sau khi nhận nhiệm vụ, Bệnh viện đã tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, cử hơn 30 bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng sang học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện, trung tâm hàng đầu thế giới về ghép tạng. Cùng với đó, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bệnh viện hàng đầu trong nước về ghép tạng, tổ chức ghép thực nghiệm, từng bước triển khai các kỹ thuật ghép tạng. 

Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người: Ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan ở người cho sống, lấy đa tạng từ người cho chết não. Đặc biệt là việc thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh chúc mừng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đặc biệt là GS.TS. Mai Hồng Bàng cùng toàn thể các nhà khoa học, các giáo sư, bác sỹ, kỹ thuật viên kíp mổ đã thực hiện thành công ca ghép. Đồng thời bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng và gia đình người hiến tạng bởi các tạng của người hiến đã cứu sống được tính mạng của 4 người bệnh và mang lại ánh sáng cho 2 người khác. Nghĩa cử cao đẹp này đã khơi dậy tình thương yêu nhân loại, khích lệ và làm lan tỏa phong trào hiến tạng trong mỗi chúng ta.

Ghép tạng là một trong những thành tựu KH&CN đặc biệt xuất sắc của ngành y tế, góp phần cứu sống tính mạng cho những người không may mắc phải các bệnh hiểm nghèo, không có khả năng điều trị bằng các biện pháp thông thường. Trải qua gần 30 năm nghiên cứu và phát triển, từ những bước đi chập chững đầu tiên là nghiên cứu ghép thận trên động vật, rồi ca ghép thận đầu tiên trên người thực hiện vào năm 1992, cho đến nay chuyên ngành ghép tạng ở nước ta đã tiếp cận được với trình độ quốc tế. Chúng ta đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật ghép tạng Thế giới đã và đang làm. Đặc biệt là ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. 

“Ghép phổi từ người cho chết não là một kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng, không những đòi hỏi các chuyên gia phải thành thạo kỹ thuật chuyên môn mà còn phải có sự tổ chức, chỉ huy, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các chuyên ngành, giữa các cơ quan, tổ chức. Đây là sự đột phá về KH&CN trong Y học và là thành tích đặc biệt xuất sắc không chỉ của các thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mà còn của cả ngành y tế Việt Nam. Điều đó cũng đã bổ sung thêm minh chứng để đánh dấu nền y học Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, thành công của ca ghép phổi thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, làm việc khẩn trương, vượt qua nhiều khó khăn của hơn 60 thầy thuốc, các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cùng một số Bệnh viện khác và dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện đồng thời là chủ nhiệm Đề tài.  

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, thời gian tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai ghép một số mô, tạng khác như ghép tử cung, ghép ruột v.v... Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để có thể tiếp tục tạo được những bước đột phá mới trong lĩnh vực ghép tạng. Đồng thời Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ tiếp tục có nhiều thành công mới trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn để không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân; luôn là một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về Y học hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Bài: Hạnh Nguyên

Ảnh: Minh Hưng