Bản in
91% hàng hóa quản lý đã được chuyển sang cơ chế hậu kiểm
Sáng 15/3 tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của Hoa Kỳ về tăng cường hoạt động kiểm tra và giám sát hàng hóa lưu thông trên thị trường”.

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Cục trưởng Tổng cục TĐC Trần Văn Vinh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19 năm 2016, Bộ KH&CN đã đẩy mạnh việc chuyển đổi phương thức quản lý sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tạo ra môi trường thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp. Sau gần 02 năm triển khai, đến nay Bộ KH&CN đã giảm được 91% sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra. Cụ thể là 22/24 nhóm sản phẩm do Bộ KH&CN quản lý đã được chuyển sang cơ chế hậu kiểm.

Việc chuyển đổi phương thức quản lý sản phẩm hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã tạo ra những điều kiện thuận lợi tuy nhiên vẫn có nhiều người còn đặt câu hỏi có hay không chuyện buông lỏng công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Việc đẩy mạnh chuyển đổi phương thức quản lý sản phẩm hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm là một trong những chỉ đạo của Chính phủ nhằm đơn giản hóa thủ tục, hướng tới cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong bối cảnh đó, vai trò của công tác giám sát, kiểm tra sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường là hết sức quan trọng. Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, Hội thảo là cơ hội để Việt Nam học hỏi, nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Bà Arlene Flechachia sẻ tại Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Arlene Flecha, Quản lý Chương trình Quốc tế của CPSC đã có những chia sẻ, đánh giá liên quan đến sản phẩm tiêu dùng tại Hoa Kỳ, các yêu cầu về thủ tục và kỹ thuật đối với sản phẩm, vai trò của tiêu chuẩn và quy trình giám sát hàng hóa nhập khẩu, trên thị trường…

"Tại Hoa Kỳ, chúng tôi kiểm tra, theo dõi việc tuân thủ tiêu chuẩn sản phẩm tự nguyện và theo quy định, điều tra sự cố của người tiêu dùng, khiếu nại thương mại,… Đặc biệt, có thể kiểm tra vào thời điểm thích hợp bất cứ cơ sở nào có liên quan đến quá trình sản xuất, nhập khẩu, phân phối hay bán sản phẩm tiêu dùng", đại diện của CPSC chia sẻ.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự có dịp tìm hiểu về hoạt động đánh giá và quản lý rủi ro sản phẩm hàng hóa tại Hoa Kỳ. Từ đó, đánh giá thực trạng công tác giám sát, kiểm tra hàng hóa của Việt Nam cũng như đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp