Bản in
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp – hướng đi tất yếu
Trong năm 2017 từ khóa của lĩnh vực nông nghiệp đó là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục đích là để người dân không phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết mà có thể chủ động trong việc sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong năm 2017, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí khậu được coi là vấn đề “nóng” đối với nền nông nghiệp nước ta. Để giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai, nhiều địa phương ở nước ta đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cấu trúc nền kinh tế, áp dụng mô hình “cánh đồng lớn” kết hợp nuôi trồng xen canh. Các Trung tâm nghiên cứu đưa ra nhiều mô hình tương thích với đặc điểm khí hậu, thời tiết khu vực. Trong đó triển khai gieo trồng lúa loại chịu mặn đang là giải pháp khả thi giúp nhà nông ổn định canh tác trong điều kiện xâm nhập mặn. Biến đổi khí hậu đòi hỏi những người làm nông nghiệp phải thay đổi nhận thức, tư duy, tăng khả năng thích ứng với những thảm hoa thiên tai trong tương lai. 

Trước những biến đổi của khí hậu, việc phát triển nông nghiệp cần phải có định hướng cụ thể, đó không còn là câu chuyện của tương lai. Theo đó, các biện pháp đưa ra là cần chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi cũng như áp dụng các kỹ thuật tiên tiến của công nghệ đưa vào để đối phó với biến đổi khí hậu. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược để Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có những giả pháp ứng dụng KH&CN như công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám để làm sao nâng cao khả năng dự tính, dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. Cùng với đó là việc đầu tư cho nghiên cứu, chọn tạo ra những giống lúa có tính chịu mặn tốt bằng các công nghệ di truyền phân tử, hi vọng trong tương lai có thể ứng phó được với khả năng thiếu nước và xâm nhập mặn.

Điểm sáng công nghệ áp dụng vào nông nghiệp cụ thể là trồng trọt, chăn nuôi trong năm 2016-2017 trở lại đây đó là diện tích ở tất cả các địa phương, các doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới, nhà vòm, nhà che phủ màng ni lông đã tăng rất nhanh so với 3, 4 năm trước đây. Đây là tiền đề để chúng ta ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Với kiểu canh tác này giúp người dân kiểm soát được, các điều kiện tác động ngoại cảnh thì những mô hình này mang lại giá trị thu hoạch cao. 

“Thông thường 1ha bà con làm có thể thu hoạch trung bình từ 80-100 triệu đồng thì những mô hình ứng dụng công nghệ cao này có thể thu hoạch 1-2 tỷ đồng/1ha, thậm chí cao hơn như thế rất nhiều. Rõ ràng với việc canh tác thông minh như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được, chi phối không bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu”, ông Trần Xuân Định nhấn mạnh.

Doanh nghiệp chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ cao

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một hướng đi tất yếu. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường giúp người dân giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và chủ động trong sản xuất. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu đầu tư, chú trọng vào phát triển trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Một trong số đó là đề tài nghiên cứu khoa học được chuyển giao thành công cho doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư, chú trọng vào phát triển trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (Trong ảnh: Trang trại Hachi thi công tại Trại Mát – Đà Lạt)

Việt Nam là một quốc gia được nhận định có sản lượng trái dừa nhiều nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế. Giữa bối cảnh đó chúng ta thấy Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã đầu tư công nghệ và sản xuất ra những sản phẩm từ dừa với chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường. Đó là chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt. Đây là lần đầu tiên ở nước ta có một công trình nghiên cứu khoa học có hệ thống về công nghệ chiết tách dầu dừa nguyên chất từ dừa tươi theo phương pháp ly tâm, không sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng hóa chất, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

TS. Nguyễn Phương – Giám đốc Trung tâm Sinh học Thực nghiệm, Viện Ứng dụng Công nghệ, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, trước những bức thiết của người dân trong sản xuất dầu dừa, từ những cơ sở khoa học, được sự chấp thuận từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia - Bộ KH&CN, với mục tiêu đổi mới công nghệ nâng cao giá trị gia tăng giao cho Viện Ứng dụng Công nghệ thực hiện đề tài “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt”. Mục tiêu đề tài hướng tới là xây dựng được dây chuyền sản xuất và quy trình công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt quy mô công nghiệp.

Kết quả có được từ đề tài nhằm tạo thương hiệu dừa Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh sằng phẳng với các nước trong Hiệp hội dừa, xuất khẩu thu ngoại tệ, sản phẩm dầu dừa nguyên sinh (VCO) hoàn toàn có khả năng chiếm lĩnh thị trường Mỹ và EU hai thị trường vốn rất khắt khe về chất lượng sản phẩm thực phẩm. Đây là cơ sở khoa học để tiến tới xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho VCO giúp các doanh nghiệp hoà nhập, giao thương VCO. Đồng thời, cung cấp sản phẩm mới cho ngành thực phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Nhờ đó nâng cao giá trị gia tăng của quả dừa, giúp đỡ công nghệ, khoa học cho doanh nghiệp chế biến dừa  tỉnh Bến Tre tạo sức lan tỏa ra các vùng trồng dừa. Không chỉ vậy, thông qua kết quả của đề tài góp phần thúc đẩy việc trồng dừa tại các địa phương có điều kiện phát triển về cây dừa, góp phần ổn định sinh thái bền vững nông thôn  và bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu ở Việt nam đang được thế giới quan tâm.

Chia sẻ về động lực để đổi mới công nghệ, ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới cho biết, ở Việt Nam nói chung, riêng ở Bến Tre – xứ sở dừa thì câu chuyện cây dừa trồng rồi chặt là do cơ bản công nghiệp chế biến còn lạc hậu, sức cạnh tranh sản phẩm còn yếu. Từ đó dẫn tới việc tiêu thụ nông sản của nông dân cũng bị hạn chế lây. Được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, cùng với các nhà khoa học đã giới thiệu và hợp tác với Công ty sản xuất dầu dừa không gia nhiệt công nghệ cao. Sự thành công đó đem lại nguồn lực cốt lõi để tăng sức cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm của người dân Bến Tre nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ông Cù Văn Thành cho hay, theo công nghệ truyền thống, từ quả dừa lấy phần cơm trắng xay nhuyễn rồi lấy cốt đem đi thắng. Trong quá trình thắng nếu gia nhiệt ở nhiệt độ cao sẽ bị cháy, làm cho khoáng vi lượng bị mất đi, màu bị vàng không đạt về chất lượng. 

“Tôi nghĩ rằng thiên nhiên ban tặng cho chúng ta quả dừa trắng thì làm sao dầu dừa phải trắng. Ở đây công nghệ cao là một giải pháp không sử dụng nhiệt, tận thu những gì thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Đó là điều mà các nhà khoa học, người tiêu dùng đang đòi hỏi”, ông Thành cho hay.

Nhờ đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất trên đã giúp nâng cao 25% giá trị cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết khi xuất khẩu. Đó chỉ là một trong rất nhiều những dự án cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã và đang đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản và bền vững. 

Ông Trần Xuân Định cho rằng, cơ chế chính sách của nhà nước có vai trò quan trọng. Nếu như không có cơ chế, không có chính sách thúc đẩy thì việc ứng dụng, đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị trong cả một chuỗi sản phẩm gặp khó khăn. Chính vì thế, Chính phủ, Nhà nước sớm định vị rằng cần phải có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước về các chính sách vốn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng thì người dân không còn phải quá lo lắng về những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu mà nông dân sẽ thực sự là những người làm chủ thửa ruộng của mình. Đây thực sự là tín hiệu vui trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất nông nghiệp cần phải tận dụng các thành quả của làn sóng công nghệ để có sự chuyển đổi thích hợp. Đây sẽ là hướng đi đột phá của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. 

Bảo Hà