Bản in
Nhìn lại 20 năm phát triển internet tại Việt Nam
Tháng 11/1997 internet bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Trong hành trình 20 năm phát triển, có thể nói internet đã góp phần thay đổi tất cả mọi thứ, từ cách con người sống, giao tiếp, kết nối với cộng đồng xung quanh. Việt Nam từ một quốc gia chưa bao giờ biết đến mạng, công nghệ mạng trở thành một trong những quốc gia sử dụng internet nhiều nhất trên thế giới.

Sở hữu hạ tầng CNTT hiện đại

Từ hàng ngàn năm trước loài người sống trong không gian vật lý, nhưng từ hơn 20 năm nay khi có thêm internet loài người được bổ sung thêm không gian sống mới đó là không gian số, không gian mạng. Hàng ngày chúng ta vừa sống online, vừa sống offline, hàng tỷ người kết nối ở bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ vị trí nào, nó là một ngôi nhà chung cho toàn nhân loại và là một ngôi nhà rất đẹp.

Cách đây 20 năm vào ngày 19/11/1997 đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành thông tin truyền thông nước ta khi đây là thời điểm Việt Nam mở cửa đón Internet. Từ con số 0 vào những năm đầu thập niên 90, hiện nay Việt Nam đang sở hữu nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin hiện đại, phủ rộng khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả miền núi, hải đảo, hàng trăm dịch vụ công trực tuyến được triển khai ở mức độ 3, 4 ở nhiều địa phương, bộ, ngành mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. 

Là người đặt viên gạch nền móng, người mở đường cho internet tại Việt Nam, ông Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết, việc Việt Nam tham gia mạng internet toàn cầu vào năm 1997 làm cho các nhà đầu tư, các đối tác thương mại, cũng như các tổ chức quốc tế rất tin cậy. Việt Nam cam kết thực sự thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, tuy số lượng người sử dụng internet thời kỳ đầu còn ít, đến năm 2000 chúng ta có khoảng hai trăm nghìn người sử dụng internet. Những năm tiếp theo, nhờ những công nghệ mới xuất hiện làm cho mật độ sử dụng internet của Việt Nam rất lớn. Hiện nay đã có khoảng 50 triệu người sử dụng internet. Internet không những tạo điều kiện cho người sử dụng mà internet tạo nên một ngành công nghiệp, tạo nên GDP cho đất nước. 

“Nếu không có internet chúng ta không có nền công nghiệp phần mềm, không có những sản phẩm mà chúng ta đưa ra thế giới. 10 năm trước chúng tôi cũng không thể hình dung được một chiếc điện thoại thông minh (smartphone) thay đổi hàng loạt những dụng cụ lỉnh kỉnh mà con người sử dụng hàng ngày như: thay đồng hồ báo thức, thay đồng hồ đeo tay, thay cho giấy, thay cho bút, thay cho ghi âm, thay máy ảnh, thay ti vi, thậm chí thay cho ví tiền của chúng ta. Thật sự đó là sự phát triển rất nhanh của Việt Nam về internet”, ông Mai Liêm Trực chia sẻ. 

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội internet Việt Nam cho biết, đến nay Việt Nam có trên dưới 50 triệu người dùng internet. Người dân chưa được tiếp cận internet còn lớn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi cho rằng, trong những năm tới nhà nước cũng như doanh nghiệp sẽ tập trung vào giải quyết đó là đưa hàng chục triệu người đó tiếp cận với internet. Cùng với đó là đầu tư để đưa internet vào sâu hơn nữa đối với những ngành liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh như y tế, giáo dục, dịch vụ công mà chính phủ cung cấp cho người dân.

Như vậy, có thể nói rằng internet đã mang đến cho con người rất nhiều ích lợi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của internet là kèm theo mặt trái như virus, mã độc trong internet, hay những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội gây ra phản ứng trái chiều và gây ra cả những hậu quả về mặt kinh tế. Vậy làm thế nào để kiểm soát cũng như hạn chế mặt trái của internet?.

Ông Mai Liêm Trực cho hay, bản thân internet không có tiêu cực, không phải chỉ người tốt vào mà cả người xấu vào. Làm sao để hạn chế những hành vi xấu đó, hành vi tiêu cực ấy thì chúng ta phải dùng nhiều giải pháp khác nhau. Trước hết, chúng ta cần phải có giải pháp kỹ thuật (giải pháp tường lửa hay phần mềm ngăn chặn). Thứ hai là giải pháp về hành chính và luật pháp. Thứ ba tôi cho là quan trọng nhất đó là giải pháp về nâng cao dân trí, giáo dục, hướng dẫn, tuyên truyền quảng bá, đây mới là phương pháp lâu dài.

Bắt kịp xu hướng công nghệ mới

Có thể nói, Việt Nam là một trong số những quốc gia rất nhanh trên thế giới bắt kịp những diễn biến mới, xu hướng mới nhất của công nghệ thông tin. Một minh chứng rõ ràng đó là công nghệ 4G và trong tương lai gần sẽ là 5G. Trong năm 2017, chúng ta chứng kiến nhiều thành tựu KH&CN cũng đã được ghi nhận, dựa trên nền tảng là chúng ta đã sử dụng internet.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho con người

Tháng 4/2017 đánh dấu một bước phát triển mới cho dịch vụ thông tin di động khi Việt Nam chính thức triển khai mạng 4G. Với việc tốc độ kết nối truy cập dữ liệu tăng, các dịch vụ internet truyền thống sẽ nhanh chóng dịch chuyển, đáp ứng nhu cầu người sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó hàng loạt các dịch vụ, ứng dụng khác sẽ phát triển như dịch vụ trên nền tảng IoT, các ứng dụng cho thành phố thông minh. Việc đa dạng hóa các dịch vụ trên nền tảng 4G không chỉ đem lại doanh thu, lợi nhuận cho các doanh nghiệp viễn thông mà còn kéo theo hệ sinh thái các dịch vụ ứng dụng phát triển trên đó. 

Tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền internet đang phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều công nghệ còn rất mới trên thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, mã QR cũng đã được các doanh nghiệp trong nước phát triển thành các sản phẩm hoàn thiện, có khả năng thương mại hóa cao. Đồng hành với sự phát triển của internet, nhiều giải thưởng, cuộc thi lớn đã được tổ chức để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tìm kiếm các tài năng công nghệ thông tin. Trong tương lai, internet và sự phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin sẽ tiếp tục tạo ra những bước tiến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội như giáo dục, y tế, giao thông trong những năm tới với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Mai Liêm Trực cho rằng, 4G không chỉ đem đến cho người sử dụng dịch vụ của 4G mà đem đến cho cả ngành công nghiệp là vì 4G tạo nên một hệ sinh thái để cho nhiều sản phẩm, các dịch vụ trên nền tảng của 4G được phát triển. Đặc biệt là việc ứng dụng cho IoT - một nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

Nói về dự đoán cho sự phát triển của internet, đặc biệt là ở Việt Nam trong năm 2018 này, ông Vũ Thế Bình cho biết, internet Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Độ tuổi người dùng internet Việt Nam vừa tăng lên và vừa giảm đi, tức là trẻ con sẽ dùng nhiều hơn, những người cao tuổi cũng dùng nhiều hơn, giới trẻ sẽ dùng các công nghệ mới hơn. Chúng ta thấy rằng trên điện thoại di động, trên máy tính, trên thế giới có gì là Việt Nam ngay lập tức hội nhập ngay, thích ứng nhanh. Internet ở Việt Nam sẽ len lỏi vào những ứng dụng sát sườn với cuộc sống của người dân.

Trong thời gian tới Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững. Việt Nam với nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực thông tin truyền thông như hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được những kỳ vọng này, internet sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa.

Bảo Chi