Bản in
Ấn tượng khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2017
Năm 2017, những sự kiện, thành tựu và hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) nổi bật đã ngày càng khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của KH&CN trong phục vụ phát triển đời sống, kinh tế xã hội, đóng góp lớn trong các lĩnh vực và thực sự là động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Năm 2017 cũng là năm KH&CN Việt Nam từng bước hội nhập, giao lưu với nền KH&CN của thế giới, tạo thuận lợi cho Việt Nam học tập kinh nghiệm, tiếp thu những thành tựu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khung hành lang pháp lý, việc hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách đã bảo đảm KH&CN được triển khai sâu rộng vào cuộc sống. 

Những điểm nhấn KH&CN năm 2017 trong Chương trình “Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2017” do Bộ KH&CN phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thực hiện đã được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam mới đây. Chúng ta cùng nhìn lại những sự kiện, hoạt động và thành tựu nổi bật của ngành KH&CN trong năm 2017:

 1. Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Ngày 19/6/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với 458/459 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành chiếm 93,28% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật gồm 6 chương, 60 điều, quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN) tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động CGCN; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng CGCN; biện pháp khuyến khích CGCN, phát triển thị trường KH&CN; quản lý nhà nước về CGCN. Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN. Luật CGCN (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2018. 

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

2. Việt Nam tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 

Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index, GII) năm 2017 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Đại học Cornell và Viện nghiên cứu INSTEAD công bố ngày 15/6/2017, tại Geneva, Thụy Sĩ. Theo đó, Việt Nam xếp hạng 47/127, vượt 12 bậc so với năm 2016, và là thứ hạng cao nhất từng đạt được. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí thứ ba năm 2016). Trong khu vực Đông Nam Á-Đông Á-châu Đại dương, Việt Nam xếp thứ 9. Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên đứng trên Thái Lan. Việt Nam được đánh giá có thế mạnh trong các trụ cột về Sản phẩm kiến thức và công nghệ (xếp hạng 28/127); Trình độ phát triển của thị trường (xếp hạng 34/127); Sản phẩm sáng tạo (xếp hạng 52/127). 

Đó là kết quả chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong suốt thời gian qua nhằm cải thiện thế chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo trong nước. Lần đầu tiên chỉ số GII với những mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đã được Chính phủ đưa vào trong Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, khẳng định vai trò quan trọng của ĐMST trong thay đổi mô hình tăng trưởng – từ chiều rộng sang chiều sâu. 

Tổ chức WIPO đánh giá rất cao những nỗ lực nêu trên của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là của Bộ KH&CN. Trong Báo cáo GII 2017 có đoạn “Chính phủ Việt Nam đã phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả GII và Bộ Khoa học và Công nghệ được giao làm đầu mối phối hợp các nỗ lực này. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Tổ chức WIPO tổ chức hội nghị tại Hà nội vào tháng 3/2017 nhằm giải quyết vấn đề dữ liệu còn thiếu và chưa cập nhật cũng như giúp Việt Nam phát huy các điểm mạnh và khắc phục các điểm yếu về đổi mới sáng tạo”. 

Hội thảo về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được tổ chức tại Bộ KH&CN

 

3. Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” 

Ngày 04/01/2017, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ KH&CN cùng các Bộ, ngành cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Mục đích của Hội nghị nhằm nhìn nhận lại những kết quả, hạn chế của KH&CN trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo để đưa KH&CN đóng vai trò quan trọng, trọng yếu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đầu cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, đầu cầu địa phương tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị ngày 4/1 (Ảnh: VNE)

Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển KH&CN thành công, phải có 6 yếu tố gồm thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KH&CN. Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương. Bảo đảm năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nếu không chúng ta khó có thể phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực. Thủ tướng lưu ý và đề nghị Bộ KH&CN và các đơn vị trong hệ thống KH&CN bám sát thực tiễn, bám sát doanh nghiệp, lắng nghe "hơi thở cuộc sống", xem cuộc sống cần gì với tinh thần phối hợp tốt “3 nhà” (nhà khoa học, nhà nước, nhà sản xuất).

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị ngày 4/1 (Ảnh: VNE)

4. Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V

Ngày 15/1/2017, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V dành cho các nhà khoa học ưu tú, tiêu biểu của cả nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và trao giải cho các tập thể cá nhân của 16 công trình, cụm công trình đạt Giải thưởng. 

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt V

9 công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 7 công trình đạt Giải thưởng Nhà nước đều có giá trị cao về KH&CN, hiệu quả kinh tế xã hội lớn, đã và đang được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực mũi nhọn: y tế; nông nghiệp; công nghiệp, giao thông, xây dựng, thủy lợi; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn.   

Trao Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V

5. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi từ người sống

Ngày 21/2/2017, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi cho bệnh nhi 7 tuổi là Ly Chương Bình, 7 tuổi, dân tộc Dao, ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. 2 người cho 1 phần phổi là bố và bác ruột của bệnh nhi. Cháu được cắt bỏ toàn bộ 2 lá phổi, sau đó lấy 1 thùy phổi từ bố và 1 thùy từ bác ruột để ghép cho cháu. Đây là kết quả của đề tài "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não" thuộc chương trình KC.10/16-20 do Bộ KH&CN giao Học viện Quân y thực hiện. 

Các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi cho bệnh nhi 7 tuổi Ly Chương Bình

6. Xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp 

Trong năm 2017 từ khóa của lĩnh vực nông nghiệp đó là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục đích đó là để chúng ta không phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết mà có thể chủ động trong việc sản xuất nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí khậu vì thế được coi là vấn đề “nóng” đối với nền nông nghiệp nước ta trong năm 2017 vừa qua. Để giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai, nhiều địa phương ở nước ta đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cấu trúc nền kinh tế, áp dụng mô hình cánh đồng lớn kết hợp nuôi trồng xen canh. Các trung tâm nghiên cứu đưa ra nhiều mô hình tương thích với đặc điểm khí hậu, thời tiết khu vực. Trong đó triển khai gieo trồng lúa loại chịu mặn đang là giải pháp khả thi giúp nhà nông ổn định canh tác trong điều kiện xâm nhập mặn. Biến đổi khí hậu đòi hỏi những người làm nông nghiệp phải thay đổi nhận thức, tư duy, tăng khả năng thích ứng với những thảm họa thiên tai trong tương lai. 

Nhờ đổi mới công nghệ Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới đã thành công trong chiết tách dầu dừa nguyên chất bằng công nghệ không gia nhiệt

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là một hướng đi tất yếu, giúp tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường giúp người dân giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và chủ động trong sản xuất. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu đầu tư, chú trọng vào phát triển trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đặc biệt là những đề tài nghiên cứu khoa học được chuyển giao thành công cho doanh nghiệp. Một trong số đó là nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt. Lần đầu tiên ở nước ta có một công trình nghiên cứu khoa học có hệ thống về công nghệ chiết tách dầu dừa nguyên chất từ dừa tươi theo phương pháp ly tâm, không sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng hóa chất, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất này đã giúp nâng cao 25% giá trị cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết khi xuất khẩu. Đó chỉ là một trong rất nhiều những dự án cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã và đang đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản và bền vững. 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất nông nghiệp cần phải tận dụng các thành quả của làn sóng công nghệ để có sự chuyển đổi thích hợp. Đây sẽ là hướng đi đột phá của nông nghiệp Việt Nam trong thời đại mới. 

7. Trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”

Tại văn bản số 855/TTg-KTN ngày 25/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Dự án "Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội". Sau gần 5 năm tổ chức thực hiện (2012-2017), Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm KHXH VN) đã hoàn thành Dự án.

Theo đó, nội dung trưng bày của Dự án: Tầng hầm 1: Trưng bày giới thiệu về di tích, di vật thời kỳ Thăng Long (từ thời Lý, Trần đến thời Lê, thế kỷ 15-18), trong đó điểm nhấn quan trọng là giới thiệu về thời nhà Lý. Tầng hầm 2: Trưng bày giới thiệu về di tích, di vật thời kỳ Tiền Thăng Long, bao gồm thời Đại La (thế kỷ 7-9) và thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ 10), trong đó giới thiệu cơ tầng văn hóa tạo dựng nên nền Văn hóa Đại Việt. 

Nét mới và mang tính đột phá của Dự án là đưa ra giải pháp công nghệ trình chiếu hệ thống đèn cột chiếu sáng minh hoạ hình ảnh 42 cột gỗ của công trình kiến trúc cung điện thời Lý cùng hệ thống tủ trưng bày di vật trong lòng di tích và media trình chiếu ngay trong các không gian của di tích; nghiên cứu xây dựng nội dung, kịch bản trình chiếu Mapping về hình thái tường bao của kiến trúc thời Lý rất sống động bằng công nghệ 3D; phỏng dựng mô hình tháp Phật giáo và trưng bày hiện vật liên quan đến tôn giáo trong tủ kính, bên trên chiếu Media giới thiệu vua Trần Nhân Tông qua bức tranh "Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ" tạo sống động và ấn tượng cho không gian trưng bày; Dự án đã đầu tư rất nhiều công sức trong việc nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu để có cơ sở phục dựng lại hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý bằng công nghệ 3D; Dự án còn đã xây dựng thành công 7 phim (Media) trình chiếu tại các không gian trưng bày tại 2 Tầng hầm.

Đến nay Trưng bày đã đón tiếp 13.780 khách tham quan với 315 đoàn khách trong nước và quốc tế

8. 20 năm Việt Nam chính thức kết nối mạng Internet toàn cầu

Cách đây 20 năm vào ngày 19/11/1997 đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành thông tin truyền thông nước ta khi đây là thời điểm Việt Nam mở cửa đón Internet. Từ con số 0 vào những năm đầu thập niên 90, hiện nay Việt Nam đang sở hữu nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin hiện đại, phủ rộng khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả miền núi, hải đảo, hàng trăm dịch vụ công trực tuyến được triển khai ở mức độ 3, 4 ở nhiều địa phương, bộ, ngành mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững. Việt Nam với nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực thông tin truyền thông như hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được những kỳ vọng này.

4G – mạng viễn thông thế hệ mới

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cơ bản dựa trên kết nối viễn thông: kết nối băng rộng, kết nối vạn vật. Nếu như mạng 1G là cố định, 2G là Di động (Thoại), 3G: Lưỡng tính giữa thoại và data (Khuyết tật: lúc có lúc không; ở chỗ có thì cũng lúc tốt, lúc không) thì 4G là Data, sử dụng công nghệ 4 thu, 4 phát (Tại Mỹ, công nghệ cũ: 2 thu, 2 phát). Theo Erricsson, đây là mạng lớn nhất trên thế giới, được đầu tư nhanh nhất trên thế giới. Như vậy, mặc dù Việt Nam là nước đứng thứ 160 về kinh tế trên thế giới nhưng lại đầu tư một mạng lưới viễn thông lớn nhất thế giới. 

Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Phan Tâm Thứ trưởng Bộ TT&TT và Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng thực hiện nghi lễ khai trương mạng 4G (ảnh: Dân Trí)

Viettel triển khai 4G như 2G: Viettel là doanh nghiệp viễn thông lớn nhất, có tiềm lực mạnh nhất, đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong. Viettel triển khai 4G một cách phủ rộng và sâu ngay từ đầu nhưng với tốc độ nhanh hơn gấp nhiều lần. Xây dựng mạng 2G (~ 25k trạm BTS, phủ 95% dân số): Mất 10 năm; Làm mạng 3G (~ 30k trạm, phủ 95% dân số): Mất 8 năm; Làm mạng 4G (~ 35k trạm, phủ 95% dân số): Mất 6 tháng. Hiện tại Viettel đã và đang kinh doanh dịch vụ 4G tại 7 quốc gia bao gồm Campuchia, Lào, Burundi, Peru, Haiti, Việt Nam, Đông Timor. 

9. Hoạt động KH&CN trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017

Bộ KH&CN là cơ quan đầu mối quốc gia về hợp tác khoa học và công nghệ trong Cơ chế hợp tác Đối tác Chính sách Khoa học và Công nghệ, Đổi mới (PPSTI). Trong năm APEC Việt Nam 2017, đến nay, đã tổ chức thành công Cuộc họp thường niên của Cơ chế PPSTI-9 và PPSTI-10. Tích cực phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Ban Thư ký APEC quốc tế và các đơn vị liên quan chuẩn bị các nội dung liên quan cho Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017.

Các nội dung KH&CN triển khai trong Năm APEC Việt Nam 2017, chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Nghiên cứu khoa học ứng phó với thiên tai, chính sách hỗ trợ các hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) trong khu vực APEC; Thúc đẩy tinh thần thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN, tăng cường sự kết nối giữa STI với cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực STI trong khu vực APEC; Tăng cường hoạt động hợp tác STI APEC và thúc đẩy sự tham gia của thanh niên và phụ nữ trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Nhóm PPSTI thống nhất sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác nhằm tăng cường vai trò của PPSTI trong APEC thông qua một số hoạt động cụ thể như: tổ chức Hội thảo APEC chia sẻ chính sách đổi mới, Phiên họp chung với Nhóm Công tác Phát triển Nhân lực (HRDWG) về phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới, Chương trình Nghiên cứu và Công nghệ của APEC (ART 2017), Hội thảo Phụ nữ STEM một cách hiệu quả ngay trong khuôn khổ Cuộc họp Nhóm PPSTI lần này. Những hoạt động này góp phần tích cực thực hiện mục tiêu hoạt động của PPSTI, đặc biệt là việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu khoa học và đổi mới gắn với thị trường, tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực về KH&CN, đổi mới và tăng cường kết nối trong khu vực APEC.

Lãnh đạo Bộ KH&CN và đại diện phía Australia chụp ảnh kỷ niệm sau khi sự kiện trình diễn về Đổi mới sáng tạo trong thời gian diễn ra APEC 2017 kết thúc

Trong năm APEC 2017, với tư cách là Chủ tịch của SCSC 2017, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã chủ trì và tổ chức thành công nhiều sự kiện của SCSC trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao (SOM 1, SOM 2, SOM 3). Tổng cộng đã có 14 hội nghị/hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng như ISO, IEC, APLAC, OIML... Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tích cực, chủ động đưa ra Sáng kiến về “Chia sẻ thực hành tốt nhất về việc áp dụng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp đối với Đô thị thông minh trong khu vực APEC” và đã được Ban thư ký APEC và các nền kinh tế thành viên đánh giá cao. Hội thảo vừa thể hiện vai trò chủ động, sáng tạo của Việt Nam theo đúng ưu tiên của APEC 2017 vừa đáp ứng được nhu cầu của các nền kinh tế trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh.

Lê Chi – Hạnh Nguyên (tổng hợp)