Bản in
Hội nghị phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2017
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) như vốn vay lãi suất thấp, miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập DN và một số ưu tiên khác phục vụ việc nghiên cứu. Về phía Bộ KH&CN cũng đang hoàn thiện Nghị định DN KH&CN - kỳ vọng sẽ khắc phục vướng mắc trước đây về phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng tại “Hội nghị phát triển DN KH&CN và Lễ tuyên dương DN KH&CN tiêu biểu và DN có sản phẩm tiêu biểu được thương mại hóa kết quả KH&CN năm 2017”, ngày 20/12/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị do Cục Phát triển Thị trường và DN KH&CN, Bộ KH&CN tổ chức.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện liên quan của Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo một số Sở KH&CN và gần 200 đại biểu đại diện cho các DN KH&CN, DN tiềm năng trở thành DN KH&CN, các Viện nghiên cứu, Trường đại học, Hiệp hội, nhà khoa học…

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các DN KH&CN, các DN tiềm năng trở thành DN KHC&N để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hỗ trợ phát triển DN KH&CN; tìm ra các giải pháp hiệu quả thúc đẩy sự phát triển hệ thống DN KH&CN, tạo cơ hội kết nối các DN để chia sẻ kinh nghiệm phát triển và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra cho ngành KH&CN nhiều nhiệm vụ tập trung cần giải quyết để đạt được mục tiêu Việt Nam có vị trí cao trong khu vực về ứng dụng KH&CN, trong đó đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực Công nghệ thông tin, Điện tử, Cơ khí chính xác, Tự động hóa…đây cũng chính là những công nghệ, định hướng mà Bộ KH&CN ưu tiên phát triển.

Hiện cả nước có trên 300 DN KH&CN, trong đó có nhiều DN có hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, y tế, nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, là lĩnh vực được Bộ KH&CN ưu tiên triển khai trong thời gian tới. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này trong năm 2016 đạt hơn 14.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1.300 tỷ đồng. Nhiều DN KH&CN đã có doanh thu lớn, sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu như: Công ty cổ phần Robot Tosy được đăng ký bảo hộ tại 21 nước trên thế giới; hay Công ty cổ phần Dược phẩm Hanvet đã xuất khẩu sản phẩm cho gần 20 nước trên thế giới.
 

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và DN KH&CN; Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và DN KH&CN chủ trì Hội nghị.

Bên cạnh đó, nhiều DN KH&CN cũng đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ, công nghệ cao thông qua việc tái đầu tư, dành những nguồn lực xứng đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của DN. Một số DN KH&CN cũng đã đạt được các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước như: Giải thưởng Sao vàng Đất Việt, Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng Môi trường Việt Nam….

Đơn giản hóa các thủ thục hành chính

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, số lượng DN KH&CN những năm qua vẫn còn ít so với tiềm năng và mục tiêu đề ra bởi cách tổ chức thực hiện chính sách có nhiều hạn chế. Một số nơi, việc cấp phép đầu tư và công nhận họ là DN KH&CN còn thiếu thống nhất giữa các sở, ngành liên quan.

"Sắp tới, các thủ tục hành chính cho DN KH&CN, các thủ tục chứng nhận loại hình DN này sẽ đơn giản hóa. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, các sản phẩm mà DN đó làm chủ, những phương án khả thi đưa vào sản xuất trong tương lai... để công nhận họ là DN KH&CN, giúp họ được hưởng ưu đãi", Thứ trưởng Trần Văn  Tùng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cam kết, thời gian tới sẽ phối hợp với các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các Sở KH&CN đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn các chính sách của Nhà nước về vấn đề này, trong đó ưu tiên cho mạng xã hội bởi đây là kênh thông tin lan tỏa mạnh mẽ.

"Cục Phát triển Thị trường và DN và KH&CN, các sở Khoa học ở các địa phương hướng dẫn, giúp đỡ DN phát triển trong lĩnh vực này bằng thái độ phục vụ. Mọi vướng mắc sẽ báo lên Bộ để giải quyết, tháo gỡ ngay", Thứ trưởng Tùng khẳng định.

Thứ trưởng cũng gợi ý các doanh nghiệp thành lập Câu lạc bộ DN KH&CN trong thời gian sớm nhất, tạo môi trường liên kết, học hỏi và giúp đỡ nhau. Đặc  biệt cần tăng cường trách nhiệm phối hợp của các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố đối với việc phát triển DN KH&CN.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu là cán bộ các Sở Khoa học và DN đã bày tỏ những khó khăn trong việc hình thành, phát triển; gặp rào cản khi đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh những thuận lợi về các chính sách ưu đãi của nhà nước dành cho như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi sử dụng đất…thì việc thương mại hóa kết quả KH&CN mới còn gặp quá nhiều rào cản do việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của DN KH&CN chưa thực hiện hiệu quả, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài càng khó hơn.

Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN, nhiều ý kiến đề nghị, Đảng và Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp KH&CN. Bộ KH&CN cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về doanh nghiệp KH&CN; tăng cường thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời, các doanh nghiệp KH&CN phải chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

Cũng tại Hội nghị, Cục Phát triển Thị trường và DN KH&CN đã trao Giấy chứng nhận cho 26 DN KH&CN đã có thành tích xuất sắc trong ứng dụng và phát triển KH&CN và 16 DN có thành tích xuất sắc trong ứng dụng và phát triển công nghệ.

Bài, ảnh: MH-VN