Bản in
Việc đảm bảo an toàn nguồn phóng xạ luôn phải đặt ở mức cao nhất
Kết quả của cuộc thanh tra chuyên đề về việc chấp hành quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, có 84 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền là 552 triệu đồng.

Ngày 1/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo tổng kết, đánh giá Cuộc thanh tra chuyên đề về an toàn bức xạ và hạt nhân năm 2017.

Người dân còn ít kiến thức về ATBXHN

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng, năng lượng nguyên tử (NLNT) đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nhân loại và Việt Nam cũng được hưởng lợi gián tiếp của sự phát triển và ứng dụng của NLNT.

“Hiện tại Việt Nam có 600 cơ sở sử dụng và khoảng 5.000 nguồn phóng xạ (NPX) và những NPX này được sử dụng rất gần gũi với tất cả người dân. NPX ở Việt Nam sẽ tăng đột biến trong những năm tới bởi công nghiệp phát triển thì không thể không có NPX” – Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết.

Theo Thứ trưởng, thời gian gần đây xảy ra một số sự cố về phóng xạ, nhiều người dân còn ít kiến thức về an toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN). Những sự cố mất NPX khi đã xảy ra thì rất tốn kém do phải huy động đông người cùng các lực lượng chức năng tìm kiếm.

Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trương Hồng Dương cho biết thời gian qua cơ quan chức năng đã xử lý nhiều trường hợp sai phạm.

Với mục đích tăng cường công tác quản lý về ATBXHN, nâng cao ý thức đối với tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng NPX trong việc chấp hành quy định pháp luật về NLNT, đặc biệt là các quy định về quản lý an ninh NPX, đảm bảo khả năng kiểm soát được việc sử dụng, quản lý NPX, tránh nguy cơ mất an ninh nguồn dẫn đến mất NPX gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và xã hội. Vì vậy, năm 2017, Bộ KH&CN quyết định phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo, giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai Cuộc thanh tra chuyên đề về việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực NLNT đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng NPX.

Ông Trương Hồng Dương - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN - cho biết, tính đến cuối năm 2016, toàn quốc có 1.121 cơ sở sử dụng NPX với tổng số 3.932 nguồn. Có 56/63 tỉnh/thành phố triển khai thanh tra chuyên đề theo Công văn số 1103/BKHCN-Ttra ngày 11/4/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN gửi UBND các tỉnh, thành phố. Trong 880 cơ sở đã được thanh tra - gồm 589 cơ sở có NPX và 291 cơ sở X-quang, có 84 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính, chiếm 9,55%, tổng số tiền phạt là 552 triệu đồng.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Toàn cảnh Hội thảo

Một số địa phương đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Bắc Kạn, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Thanh Hóa, Hải Phòng... Ngoài áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc khai báo, cấp phép vận chuyển, lưu giữ, sử dụng NPX; buộc bổ nhiệm người phụ trách an toàn; buộc đọc liều kế cá nhân theo quy định...

Về công tác quản lý đối với NPX theo quy định hiện hành, Phó Cục trưởng Cục ATBXHN cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý thì cũng có những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ trong công tác quản lý NPX hiện nay.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong đợt thanh tra chuyên đề năm 2017

Cụ thể, chưa có quy định cụ thể việc lưu giữ tạm thời, nơi cất giữ NPX đối với từng trường hợp cụ thể khi tạm ngừng sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị...; chưa quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy định nội bộ về bảo đảm an ninh NPX, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc cung cấp thông tin kịp thời khi có sự cố mất an ninh NPX; Số lượng cán bộ biên chế có chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh NPX còn hạn chế; Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn bức xạ của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu còn chưa cao, nhận thức pháp luật còn hạn chế nhưng chưa có biện pháp thích hợp để quản lý, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua Cuộc thanh tra chuyên đề đã chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý NPX. Đây là những thách thức đặt ra và cơ quan quản lý nhà nước về ATBXHN phải có các giải pháp ngắn hạn và dài hạn trọng thời gian tới.

Bài, ảnh: MH-VN