Bản in
Quy định kiểm tra chất lượng ATTP đang làm khó doanh nghiệp, sao chưa bãi bỏ?
Để tránh sự nhiêu khê đang “hành” nhiều doanh nghiệp, Nghị định 38/2012/NĐ-CP sửa đổi trong thời gian tới rất cần được quy định minh bạch và rõ ràng hơn.

 Theo các chuyên gia pháp lý, yêu cầu công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hiện nay không có trong Luật An toàn thực phẩm. Ngay trong hồ sơ, thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và xác nhận công bố, nhiều điểm chưa phù hợp. Hồ sơ tiếp nhận hợp quy trong Nghị định 38 có các mục quy định còn “vênh” so với Luật quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật.

 Do đó, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp phản đối mà các Bộ ngành liên quan cũng nhiều lần lên tiếng kiến nghị bỏ thủ tục công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm (ATTP).

Đơn cử, Công văn 10264 ngày 6/12/2016 của Bộ NN&PTNT góp ý sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP (Nghị định 38) nêu rõ: “Đề nghị bỏ quy định việc công bố phù hợp với quy định về ATTP vì: Không phù hợp với Luật ATTP; Trách nhiệm cơ quan thẩm quyền nhà nước phải xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để tổ chức, cá nhân thực hiện công bố theo quy định của Luật; và quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Công văn số 866/BKHCN-TĐC ngày 24/3/2017 Bộ Khoa học Công nghệ khẳng định: “Giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy Xác nhận công bố phù hợp ATTP là Chưa cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần của Nghị quyết 19 của Chính Phủ”.

Với một thủ tục là quy định không nằm trong luật, không vì mục tiêu ATTP tạo gánh nặng cho doanh nghiệp như một giấy phép con gây phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí, làm tăng chi phí giá thành sản phẩm… cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi với chỉ đạo mới nhất của cả 2 Phó Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ sớm bãi bỏ và thay thế Thủ tục xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38.

Khảo sát mới nhất của VCCI cho thấy, thủ tục thông quan một lô hàng hóa trong vòng 48 tiếng theo đúng thông lệ quốc tế ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 38%. Trong đó, thủ tục hải quan chiếm 28% thời gian, 78% còn lại là thủ tục chuyên ngành. Việc thông quan đối với hàng hóa cần kiểm tra an toàn thực phẩm, dữ liệu hải quan lấy 104 mẫu thì có trường hợp mất tới 16 ngày... Rõ ràng Nghị định 38 đang làm khó doanh nghiệp. Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, thực tiễn cho thấy việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm không có tác dụng tăng cường hiệu quả quản lý, đề nghị bãi bỏ quy định này và thay thế bằng hình thức khác phù hợp pháp luật hiện hành.

TS Nguyễn Đình Cung – Viên trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những ý kiến của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng sẽ là áp lực đối với ba Bộ liên quan: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Ông mong muốn các Bộ liên quan sẽ sửa đổi những điều khoản gây rắc rối cho doanh nghiệp, giảm chi phí, giảm thời gian, giảm những gì không cần thiết, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, để họ có niềm tin rằng nhà nước lắng nghe họ. Bởi những băn khoăn về quy định “công bố phù hợp an toàn thực phẩm” được các doanh nghiệp nhiều lần đề nghị bãi bỏ.

“Nếu không sửa đổi gì, doanh nghiệp sẽ mất niềm tin, chúng ta sẽ mất nhiều thứ khác. Tôi hy vọng hội thảo sẽ thúc đẩy cải cách, thay đổi cách quản lý, góp phần vào thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng một nhà nước kiến tạo, một nhà nước phục vụ, một nhà nước vì doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp” – ông Cung khẳng định.