Bản in
APTJSO-6: Sân chơi khoa học cho thiếu niên
Năm 2017 là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6 (APTJSO-6). Sự kiện này nhằm phát huy năng khiếu và khuyến khích sự đam mê sáng tạo khoa học và công nghệ, ươm mầm các nhà khoa học và kỹ sư tài năng trong tương lai. Đây cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.

Thắp lửa đam mê khoa học 

APTJSO-6) với chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống” do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Chương trình Trung tâm ASEAN+3 về tài năng khoa học (ACGS) tổ chức diễn ra từ ngày 10-15/7/2017 tại Hà Nội, với sự tham gia của các nhóm học sinh, giáo viên và quan sát viên từ các thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, .... 

Trong 22 năm tham gia ASEAN (từ ngày 28/7/1995), Việt Nam đã hợp tác tích cực, có hiệu quả với các nước thành viên và các đối tác trong việc thu hút nguồn lực để nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.

ACGS được thành lập từ năm 2009 có trụ sở tại Hàn Quốc. ACGS là chương trình thuộc sự điều phối của Tiểu ban Phát triển cơ sở hạ tầng và Nguồn lực khoa học và công nghệ ASEAN (SCIRD), Ủy Ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (COST). Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan đầu mối công tác của Việt Nam tại COST. Hội trại khoa học ASEAN+3 cho Thiếu niên Odyssey (APTJSO) là một trong những hoạt động thường niên của Chương trình ACGS. 

Được tổ chức thường niên từ năm 2012, APTJSO là hoạt động nổi bật dành cho thanh thiếu niên các nước ASEAN và các đối tác khác, có độ tuổi từ 13 - 15 yêu thích nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ năng tiếng Anh và làm việc nhóm tốt. APTJSO nhằm khuyến khích và phát triển các tài năng trẻ, tạo ra cộng đồng khoa học công nghệ rộng lớn, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nước trong khu vực trong tương lai. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết, APTJSO-6 là một trong những hoạt động quan trọng mà Việt Nam đăng cai tổ chức nhằm hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN trong năm 2017, đồng thời, thiết thực triển khai Chương trình hành động khoa học, công nghệ và đổi mới trong giai đoạn 2016-2025 của ASEAN (gọi tắt là APASTI) và Kế hoạch triển khai APASTI trong bối cảnh Cộng đồng chung ASEAN đã được hình thành từ cuối năm 2015.

Ông In Seob Han - Đại diện Trung tâm Năng khiếu Khoa học ASEAN Hàn Quốc cho biết, mỗi đất nước đều có tình trạng riêng, điều kiện riêng, do đó mỗi đội đến với APTJSO-6 đều có một ý tưởng riêng về năng lượng tái tạo cần được giải quyết. Các em học sinh đến đây để nói lên vấn đề mình đang quan tâm để cùng chung tay giải quyết.

TS. Finarya Legoh, Giám đốc Trung tâm Năng khiếu Khoa học ASEAN khẳng định rằng, đây là một sự kiện rất bổ ích cho Thanh thiếu niên. Tại đây, các bạn học sinh có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Xa hơn nữa, trong tương lai các bạn có thể tạo dựng mạng lưới liên kết lẫn nhau. Điều này chắc chắn sẽ rất tốt, hữu ích cho sự nghiệp nếu các em vẫn dành đam mê và nghiên cứu khoa học.

Đoàn Myanmar tại khuôn viên triển lãm poster của Hội trại

Kết nối trải nghiệm

Ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Trưởng ban tổ chức hội trại cho biết, năm 2017 là lần thứ sáu Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho thiếu niên được tổ chức. Với nhận thức đây là cơ hội để học sinh Việt Nam giao lưu với các bạn đến từ ASEAN+3, cũng là cơ hội khuyến khích hoạt động sáng tạo trong giới trẻ, Bộ KH&CN đã tiến hành rất cẩn thận công tác chuẩn bị với việc thành lập ban tổ chức hội trại và các tiểu ban như lễ tân - hậu cần, nội dung, thư ký, truyền thông khen thưởng; chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, UBND thành phố Hà Nội, các đơn vị chức năng để bảo đảm công tác an ninh, an toàn trong khi sự kiện diễn ra.

“Ban tổ chức cũng đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để lựa chọn nhà khoa học làm giám khảo trong các nội dung thi của hội trại. Nhờ chuẩn bị chu đáo nên tuy là lần đầu tiên đăng cai tổ chức nhưng phía Việt Nam không hề bỡ ngỡ. Các đoàn cán bộ, giáo viên, học sinh Việt Nam cũng từng tham dự một số hội trại tương tự ở các nước ASEAN+3 để học hỏi và rút kinh nghiệm”, ông Trần Đắc Hiến cho hay.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống” của Hội trại năm nay đã nhận được sự quan tâm chung của các thành viên ACGS. Năng lượng tái tạo ngày càng có vai trò quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng được sử dụng nhằm thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng dồi dào của thiên nhiên từ lâu đã được loài người phát hiện và sử dụng nhằm thay thế nguồn nguyên liện hóa thạch ngày càng cạn kiệt và để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năng lượng tái tạo bao gồm: mặt trời, địa nhiệt, thủy triều, thủy điện, năng lượng gió, sinh khối, nhiên liệu sinh học. Việc phát triển năng lượng tái tạo là rất cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe cộng đồng ...

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu sử dụng năng lượng đang tăng trưởng nhanh tại các nước ASEAN. Dự báo nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng hơn 80% trong giai đoạn đến năm 2035. Do đó, khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo có ý nghĩa chiến lược trong việc giải quyết nguồn năng lượng thiếu hụt của chúng ta. 

Tại Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu chiến lược là kết hợp phát triển năng lượng tái tạo với triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp với phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo.

Tại APTJSO-6, các bạn học sinh đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và trình bày dự án thông qua các phần thi poster, kỹ năng trong phòng thí nghiệm, trình bày nhóm đề xuất dự án,  xoay quanh chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống”. Đây là cơ hội để các bạn học sinh nhiều quốc gia cùng phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học hăng say, kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm và làm việc nhóm, phát triển ý tưởng và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu cùng bạn bè thông qua các hoạt động thực tiễn liên quan đến phát triển nguồn năng lượng táo tạo. 

Đến với APTJSO-6, em Nguyễn Tất Thịnh, thành viên đội tuyển Việt Nam cho biết, qua cuộc thi này em có cơ hội được gặp các bạn học sinh quốc tế. Em được biết đến tấm bán dẫn peltier có khả năng thu nhiệt năng thành điện năng và được biết thêm thông tin hiện nay tại Việt Nam có 21% năng lượng tái tạo, 79% là năng lượng hóa thạch, mà hiện nay nguồn năng lượng hóa thạch đang rất cạn kiệt.

Đến với hội trại, ngoài việc trình bày những ý tưởng về năng lượng tái tạo, Nguyễn Sao Mai - học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam còn mong muốn được giao lưu học hỏi với các bạn có cùng đam mê nghiên cứu khoa học ở khu vực và thế giới, cùng trau dồi các kiến thức khoa học, mong muốn chia sẻ ý tưởng của nhóm và tìm cách hiện thực hóa ý tưởng nghiên cứu.

Em Johan Nordguist, thành viên đội tuyển Thụy Điển chia sẻ, thực sự không có nhiều cuộc thi khoa học như thế này cho thiếu niên. Với việc trải qua các vòng thi giúp cho các bạn học sinh có cơ hội trao đổi với các bạn nhiều nước khác không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà còn biết thêm về văn hóa của các nước.

Hội trại APTJSO-6 với rất nhiều hoạt động giao lưu sôi nổi, các phần thi trải nghiệm phong phú, hi vọng rằng, với tài năng, nhiệt huyết của tất cả các em học sinh đã mang đến sự thành công của Hội trại. Hội trại APTJSO-6 thực sự đã thắp lửa và tiếp thêm sức mạnh, niềm đam mê cho các tài năng trẻ hôm nay dấn thân vào hoạt động nghiên cứu khoa học và tỏa sáng không chỉ trong phạm vi khu vực ASEAN và toàn cầu, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững. 

Bài, ảnh: Bảo Chi