|
|||
Đó sẽ là bước thay đổi về chất, quyết định tương lai phát triển của đất nước. Nếu chỉ ứng dụng công nghệ thì chúng ta mãi mãi đứng sau các dân tộc khác. Sáng tạo công nghệ, làm tăng khả năng cạnh tranh của đất nước, từ đó mới vượt lên. Đó cũng chính là tâm tư, tình cảm của Viện trưởng Viện di truyền Nông nghiệp Lê Huy Hàm đã chia sẻ với phóng viên. -Ngày 18/5 là ngày KHCN Việt Nam, với tư cách là nhà Khoa học, là Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Ông có thể chia sẻ những cảm nhận của mình? VT Lê Huy Hàm: QH đã thông qua Luật KHCN và chọn ngày 18/5 làm ngày KHCN Việt Nam. Đây là quyết định có ý nghĩa rất lớn. Ngày KHCN sẽ là động lực cho mọi người, từ cán bộ khoa học đến lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển và tương lai của đất nước. Từ đó tôn vinh những người làm công tác khoa học, nhắc nhở họ về tầm quan trọng và nhiệm vụ phát triển KHCN cũng như phát triển KT-XH đối với đất nước. -Thưa Ông, Viện Di truyền Nông nghiệp đã đóng góp vào sự phát triển KHCN Việt Nam như thế nào? VT Lê Huy Hàm: Những năm vừa qua Viện Di truyền Nông nghiệp đã chọn, tạo ra và đưa vào sản xuất hơn hai chục giống lúa, trong đó có những giống có những đặc tính mới mà từ trước tới nay chưa được phổ biến như những giống lúa chất lượng, lúa hạt tròn, có năng suất cao, chất lượng tốt, có tiềm năng thay đổi cơ cấu canh tác và thu nhập của bà con nông dân cả một vùng. Giống cam không hạt V2, mang lại thu nhập hàng trăm triệu/ha năm, giống mía năng suất có thể đạt hơn 100 tấn/ha. Giống đậu tương có sức chống chịu cao, thích ứng rộng… Và đặc biệt viện chúng tôi cũng đã nghiên cứu thành công các giống lúa cho ra các sản phẩm gạo đặc sản, cam không hạt, đậu tương chịu hạn, cơ sở dữ liệu bộ genom các giống lúa bản địa, các bài báo công bố quốc tế để chào đón ngày KHCN Việt Nam. -Thực tiễn hoạt động KHCN đòi hỏi chính sách KHCN phải thay đổi thưa Ông? VT Lê Huy Hàm: Nếu ví cơ quan KHCN, các viện nghiên cứu là các con thuyền thì chính sách KHCN như những dòng sông đưa dắt những con thuyền đó. Con thuyền nhỏ, không mấy hiện đại vẫn có thể ra biển cả vẫy vùng nếu có các dòng luồng lạch thông suốt. Ngược lại con tàu to hiện đại có thể nằm một xó nếu không có hệ thống luồng lạch phù hợp. Chính sách KHCN của ta cần được thay đổi cho phù hợp với bước phát triển mới của đất nước, của nền kinh tế. Nếu trước kia chúng ta chỉ ứng dụng KHCN, thì nay chúng ta đang bắt đầu vươn tới sáng tạo công nghệ. -Trong phát triển KHCN, thưa Ông sáng tạo công nghệ có vai trò như thế nào? VT Lê Huy Hàm: Đó sẽ là bước thay đổi về chất, quyết định tương lai phát triển của đất nước. Nếu chỉ ứng dụng công nghệ thì chúng ta mãi mãi đứng sau các dân tộc khác. Sáng tạo công nghệ, làm tăng khả năng cạnh tranh của đất nước, từ đó mới vượt lên được. Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia đã đi lên bằng con đường này. Lịch sử cho thấy sự quyết đoán của người hoạch định chính sách KHCN đóng vai trò quyết định trong phát triển KHCN và phồn thịnh của đất nước. -Vậy đầu tư cho KHCN sẽ quyết định hệ thống KHCN có sức mạnh thực sự, thưa Ông? VT Lê Huy Hàm: Đầu tư cho KHCN là đầu tư cho tương lai. Đất nước nào không quyết đoán đầu tư cho KHCN, tương lai ở đó mờ nhạt. Việc chuyển sang SÁNG TẠO CÔNG NGHỆ đòi hỏi chúng ta phải có cơ chế đầu tư mới, cả về lượng và chất. Về lượng, cả một đất nước 90 triệu dân mà tổng kinh phí cho R&D do Bộ KH và CN quản lý chỉ có khoảng 2.000 tỷ (100 triệu USD) là quá ít! Với 28 tỷ USD giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, 70% người dân sống bằng thu nhập từ nông nghiệp mà tổng đầu tư cho hệ thống R&D của nghành chỉ khoảng 30 triệu USD là bất cập. Trong cơ chế tài chính khá bất cập hiện nay khó lòng mà chúng ta xây dựng được hệ thống KHCN có sức mạnh thực sự. Chúng ta cần phải thay đổi để có hệ thống khoa học sáng tạo công nghệ. -Không chỉ có đầu tư nguồn lực vật chất. Vấn đề nguồn lực cán bộ KHCN cũng rất quan trọng. Từ kinh nghiệm hoạt động của một viện nghiên cứu công nghệ, Ông có thể chia sẻ về chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học? VT Lê Huy Hàm: Trước hết phải thay đổi chính sách xây dựng đội ngũ KHCN thông qua thay đổi mức lương trả cho cán bộ, bảo đảm cho họ đủ sống. Gắn liền đào tạo và sử dụng. Hiện nay ngân sách chi rất nhiều tiền gửi người đi đào tạo ở các nước khác nhau, các nguồn kinh phí khác cũng đào tạo một lượng lớn cán bộ khoa học có trình độ cao, nhưng chúng ta lại không có cơ chế sử dụng họ. Điển hình như quỹ VEF (Việt Nam Education Foundation) đào tạo hàng trăm cán bộ khoa học chất lượng rất cao, nhưng không mấy người trở về làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học, bởi vì tiền lương quá thấp, không đủ lo cho cuộc sống, khả năng tìm được kinh phí để thực hiện các ý tưởng khoa học lại càng thấp, trong khi đó với trình độ của họ, họ được các công ty, các tổ chức quốc tế chào đón. Nếu không có chính sách thu hút lực lượng trẻ, được đào tạo bài bản này về, chúng ta không thể xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học. Mà chìa khóa để thu hút lực lượng cán bộ này về là tiền lương và công việc. -Có tình trạng người nghiên cứu khoa học chạy theo đề tài không bám theo định hướng chiến lược. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa Ông? VT Lê Huy Hàm: Phải hoạch định chiến lược sản phẩm của Viện nghiên cứu, bảo đảm ít nhất 50% kinh phí thường xuyên để thực hiện chiến lược nghiên cứu đã hoạch định lâu dài. Có như thế chúng ta mới xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh, có tầm cỡ quốc tế, có năng lực sáng tạo công nghệ. Chúng ta đã thay đổi từ thái cực này sang thái cực khác: trước kia chúng ta chỉ cấp kinh phí theo định mức cho từng cơ quan, bây giờ chúng ta lại chỉ cấp theo đề tài của các chương trình, theo các kế hoạch 5 năm. Làm như vậy, cán bộ khoa học phải chạy theo đề tài, không thể bám theo định hướng chiến lược. Do đó chúng ta không có cán bộ giỏi trong một lĩnh vực, một vấn đề thường chỉ được xới xáo mà không được làm đến cùng. - Ông có thấy chúng ta đang nghiêng quá về đầu tư ứng dụng KHCN không? VT Lê Huy Hàm: Nếu chỉ đầu tư cho ứng dụng, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ không còn gì để ứng dụng nữa. Mặt khác, có những vấn đề là đặc thù của đất nước chúng ta phải có những nghiên cứu cơ bản của chính mình để làm cơ sở nghiên cứu ứng dụng mà không thể trông chờ vào những nền tảng nghiên cứu cơ bản của nước khác. Tuy nhiên, nếu đầu tư nghiên cứu cơ bản tràn lan, nền kinh tế không đủ sức. Vì vậy cần xác định kỹ vấn đề và tập trung nguồn lực để giải quyết đến cùng, không bị giới hạn bởi mức trần kinh phí cho mỗi đề tài/dự án và kế hoạch 5 năm. Đầu tư cho khoa học phải dài hạn và liên tục. Nếu thiếu kinh phí thì phải giảm bớt số chương trình, số đề tài, thậm chí tổ chức lại hệ thống nghiên cứu, nhưng phải đầu tư cho một vấn đề đã xác định đến cùng. -Nếu chúng ta, tự mình nghiên cứu giải quyết các vấn đề từ thực tế Việt Nam, liệu có phải là giải pháp hay ? VT Lê Huy Hàm: Với trình độ hiện nay của chúng ta, việc mời gọi các tổ chức KHCN quốc tế, các nhà khoa học nước ngoài vào tham gia giải quyết vấn đề của Việt Nam, chuyển giao các kết quả nghiên cứu của các tổ chức này vào Việt Nam là rất quan trọng. Chúng ta cần có cơ chế đóng góp kinh phí giúp cho các tổ chức KHCN trong nước liên kết với tổ chức khoa học nước ngoài nếu phù hợp với định hướng của chúng ta, nhằm góp phần đào tạo cán bộ tại chỗ và giúp chúng ta giải quyết các vấn đề mà chúng ta chưa đủ sức để tự làm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế tạo ra các kết quả, các sản phẩm để giúp các nước đang phát triển, chúng ta cũng chưa có chính sách tích cực để đưa các kết quả này về sử dụng. - Xin cảm ơn Viện trưởng! |