Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã trình Quốc hội thông qua 8 đạo luật lớn, trong đó có các đạo luật cơ bản tác động trực tiếp đến hoạt động KHCN trong doanh nghiệp như Luật KHCN (2013), Luật Sở hữu Trí tuệ (2005), Luật Chuyển giao công nghệ (2006), Luật Công nghệ cao (2008). Đặc biệt, Luật KHCN sửa đổi được ban hành năm 2003 đã bổ sung những quy định mới, tạo hành lang và thủ tục thuận lợi để DN có thể huy động các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và từ chính DN để thực hiện các nhiệm vụ KHCN.
Để cụ thể hóa hơn nữa các quy định pháp luật về KHCN, Bộ KHCN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách có trọng tâm hướng vào phát triển năng lực KHCN trong DN, như Nghị định 119 khuyến khích, ưu đãi cho DN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của DN, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá....
Bộ KHCN cũng đã trình Chính phủ cho phép thành lập Quỹ phát triển KHCN quốc gia và gần đây là quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Các quỹ này đã mở thêm kênh tài chính cung cấp các khoản tài trợ, hỗ trợ vốn vay, bảo lãnh tín dụng... nhằm giúp DN, đăc biệt là DN nhỏ và vừa tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đổi mới, phát triển công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, nỗ lực thu hút, khuyến khích DN tham gia vào hoạt động KHCN cũng được các bộ, ngành khác quan tâm và xây dựng thành các chương trình hỗ trợ như: Chương trình nghiên cứu KHCN trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020 của Bộ Công Thương, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vục nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" của Bộ Thông tin và Truyền thông…
Với những cơ chế, chính sách và chương trình trên, đã bước đầu mang đến cơ hội, thúc đẩy nhiều DN đổi mới công nghệ. Nhờ đó, đã có nhiều công nghệ tiên tiến chúng ta làm chủ như công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện công suất lớn (thủy điện Sơn La), giàn khoan dầu tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam, công nghệ luyện thiếc chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, công nghệ khai thác dầu trong đá móng nứt nẻ, công nghệ thiết kế, thi công và xây lắp các công trình giao thông, xây dựng có quy mô và trình độ công nghệ ngang tầm với các nước trong khu vực…
Tuy nhiên, bên cạnh các DN coi đổi mới công nghệ là vấn đề “sống còn” của DN, sẵn sàng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động đổi mới công nghệ như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam … vẫn tồn tại một phần không nhỏ các DN chưa thực sự quan tâm đến hoạt động KHCN.
Một thống kê gần đây của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho thấy, hiện Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ khoảng 0,7% GDP (tương đương khoảng 700 triệu USD), trong khi đó, tỉ lệ đầu tư cho R&D/GDP tại Hàn Quốc là 3,57%, Trung Quốc 1,7% (năm 2009) và Ấn Độ 0,76% (năm 2007). Điều đáng nói là mức đầu tư trên, chiếm 70% là ngân sách của Chính phủ, DN và xã hội chỉ chiếm 30% còn lại. Thực tế này phản ánh sự chậm đổi mới, nhiều DN vẫn sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Tỉ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các DN Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu.
Song, theo Bộ KHCN, phải nhìn nhận thực tế, số DN Việt Nam vừa và nhỏ chiếm đến 97% tổng số DN, nên khả năng huy động kinh phí để tổ chức hoạt động nghiên cứu gặp nhiều khó khăn hơn các DN lớn. Các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng và đất đai tuy đã có nhưng DN còn khó tiếp cận do cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, lĩnh vực và các cấp chưa thông suốt, đồng bộ… Mặt khác, các chính sách cũng chỉ mang tính chất khuyến khích, chứ không có những “ép buộc”, hoặc có “chế tài” cần thiết để DN buộc phải ưu tiên cho việc thực hiện nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Mặt khác, thị trường KHCN ở nước ta còn sơ khai, chưa phát triển đúng với tiềm năng. Nguồn cung công nghệ trong nước còn nghèo nàn, số lượng và chất lượng giao dịch công nghệ còn hạn chế, mạng lưới tổ chức dịch vụ mua bán, chuyển giao công nghệ chưa phát triển, môi trường pháp lý để thị trường công nghệ vận hành còn yếu kém. Các tổ chức KHCN trong nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu công nghệ của DN.
Do vậy, để đẩy mạnh hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, Bộ KHCN xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, và cơ chế tài chính, tạo hành lang thông thoáng thuận lợi cho các DN có thể tham gia thực hiện các nhiệm vụ KHCN kịp thời. Bộ KHCN tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình liên quan đến phát triển năng lực KHCN trong DN như chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, phát triển sản phẩm quốc gia…
Bên cạnh đó, Bộ KHCN sẽ sớm hoàn thiện các quy định pháp lý để vận hành Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Qua đó, có thêm kênh tài chính hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Tăng cường, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích DN thực hiện các hoạt động KHCN, đi kèm các quy định bắt buộc DN phải dành tỷ lệ phù hợp từ lợi nhuận chịu thuế cho các hoạt động KHCN…/.
|