|
|||
Nhằm tạo nguồn lực đẩy mạnh phát triển KHCN ngành, PVN đã thành lập Quỹ KHCN để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (trang thiết bị thí nghiệm, phần cứng và phần mềm chuyên dụng) ở tất cả các cơ sở nghiên cứu khoa học dầu khí một cách đồng bộ, tiên tiến nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, luận cứ khoa học đầy đủ và tin cậy, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và quản lý sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí. Bằng sự đầu tư mạnh mẽ này, nhiều công trình nghiên cứu KHCN đã được triển khai, trong đó có nhiều công trình đạt tầm cỡ khu vực và thế giới trong một số lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí. Sự thành công của cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” được đánh giá là một phát hiện làm thay đổi quan điểm tìm kiếm dầu khí truyền thống trên thế giới. Bởi lẽ, từ trước đến nay, đá móng granitoit luôn được cho là địa điểm không thể chứa dầu và không được các nhà tìm kiếm dầu quan tâm. Từ việc phát hiện một mỏ dầu lớn trên điều kiện địa hình tưởng như “bất khả thi” này, tính đến nay, Việt Nam đã khai thác từ tầng chứa móng nứt nẻ hàng trăm triệu tấn dầu và thu về hàng chục tỷ USD. Cụm công trình này cũng giúp PVN giành được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước về KHCN năm 2012. Phát huy những kết quả đã đạt được, để tiếp tục tạo nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu KHCN, hiện nay, PVN đang tập trung triển khai đề án thành lập tại TP. Hồ Chí Minh một Trung tâm phân tích thí nghiệm dầu khí đủ mạnh để đáp ứng các nhu cầu của hoạt động dầu khí, từ đó chấm dứt việc gửi mẫu đi phân tích ở nước ngoài sau khi Trung tâm phân tích thí nghiệm xây xong và đi vào hoạt động. Song song với hoạt động nghiên cứu, về ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh, công nghệ công trình dầu khí hiện nay là một mảng hoạt động quan trọng với doanh thu chiếm khoảng hơn 25% tổng doanh thu của ngành. Một loạt những công nghệ mới trong lĩnh vực này đã và đang được áp dụng thông qua các dự án KHCN được Nhà nước hỗ trợ như Dự án KHCN nghiên cứu, thiết kế và chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước trong điều kiện Việt Nam. Đây được coi là một trong những thành tựu lớn của ngành dầu khí bởi trên thế giới mới chỉ có 2 quốc gia có thể thiết kế cơ sở và 10 quốc gia có thể thiết kế chi tiết, thi công sản phẩm này. Giàn khoan có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển. Sản phẩm cũng đã ghi tên Việt Nam trở thành một trong số ít nước có thể chế tạo thành công sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao này. Với đặc thù là ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, trong những năm qua, PVN đã tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về KHCN với nhiều tổ chức, các đối tác và công ty dầu khí nước ngoài, các Viện nghiên cứu và các trường Đại học của nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp, Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... Cụ thể, PVN đã ký thỏa thuận với Công ty JOGMEC của Nhật Bản để hợp tác nghiên cứu về công nghệ gia tăng hệ số thu hồi dầu trong khai thác bằng phương pháp bơm ép khí CO2; Ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Gazprom của Liên bang Nga về hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí, nghiên cứu chế tạo các công trình dầu khí như: tàu chứa dầu, giàn khoan. Hiện PVN cũng là thành viên tích cực của nhiều tổ chức hợp tác quốc tế song phương và đa phương như CCOP, ASCOPE, Hội địa chất dầu khí quốc tế... Thông qua quan hệ hợp tác quốc tế, nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được chuyển giao vào Việt Nam và kèm theo đó là việc đào tạo được một lực lượng lớn cán bộ nghiên cứu KHCN. Xác định khoa học công nghệ là động lực then chốt cho phát triển bền vững, trong thời gian tới, PVN sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại cho các đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong Tập đoàn; Đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện thành công các giải pháp đột phá về KHCN nhằm góp phần không ngừng nâng cao tiềm lực KHCN dầu khí Việt Nam./. |