|
||||||
PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Dũng về một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
-Năm 2014 là năm đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam (18/5/2014) theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, cũng là năm Bộ KH&CN kỷ niệm 55 năm ngày thành lập. Theo ông, việc tổ chức Ngày KH&CN sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với ngành KH&CN trong thời điểm hiện nay? Thời gian qua, bên cạnh những ngày lễ truyền thống, chúng ta có những ngày để tôn vinh những người công tác trong các lĩnh vực khác nhau. Từ năm nay chúng ta có thêm một ngày, đó là Ngày KH&CN. Ngày này đã được ghi trong Luật KH&CN (sửa đổi) năm 2013. Trước hết, ngày 18/5 gắn liền với sự kiện quan trọng, đó là ngày 18/5/1963 Bác Hồ đã phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Tại đây Bác đã phát biểu và giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học Việt Nam, cán bộ quản lý KH&CN phải quan tâm phát triển KH&CN vì nó có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Thứ hai, Luật hóa ngày KH&CN đã đánh dấu sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước, của nhân dân đối với vai trò, trọng trách của KH&CN trong quá trình xây dựng đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thứ ba, ngày 18/5 hằng năm sẽ trở thành ngày truyền thống của ngành KH&CN Việt Nam - là ngày tôn vinh các nhà KH&CN, từ đó góp phần khơi dậy sự đam mê sáng tạo của đội ngũ KH&CN Việt Nam, trong đó đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. Thông qua sự kiện này sự quan tâm của Nhà nước đầu tư về tài chính, nhân lực để thúc đẩy KH&CN cũng sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn. Hoạt động kỷ niệm ngày này sẽ là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trình diễn, giới thiệu thành tựu nghiên cứu, sáng tạo KH&CN với công chúng… Đây cũng là cơ hội tốt để chuyển hóa kết quả nghiên cứu khoa học vào ứng dụng thực tế. Mặt khác cũng là sự chắt lọc ý tưởng, nguyện vọng của nhân dân, của doanh nghiệp làm tiền đề cho các nhà khoa học triển khai nghiên cứu, sáng tạo và phát triển công nghệ, biến các ý tưởng thành các sản phẩm, giải pháp hiệu quả để đưa trở lại phục vụ sản xuất. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt để quảng bá, giao lưu giữa các nhà khoa học với các tổ chức, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân để ứng dụng những tiến bộ KH&CN vào cuộc sống, là cơ hội tốt để đẩy mạnh quan hệ cung – cầu sản phẩm KH&CN.
-Vậy theo ông, làm thế nào để Ngày KH&CN trở thành một sự kiện thường niên, được mọi người nhớ đến như những ngày lễ lớn khác? Để ngày này trở thành một sự kiện thường niên được mọi người và xã hội quan tâm, trước hết chính giới KH&CN phải làm sao biến ngày này thành ngày có ý nghĩa trong xã hội. Bên cạnh việc tôn vinh các nhà khoa học, còn là dịp giới khoa học cả nước trưng bày, trình diễn những thành tựu nghiên cứu, sáng tạo của mình với nhân dân. Các cơ sở KH&CN, các hội nghị, hội thảo, triển lãm trình diễn, giới thiệu thành tựu KH&CN được tổ chức, mở cửa rộng rãi để các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi, học sinh, sinh viên tới tham quan, học hỏi, nhân dân và doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ứng dụng… Nhân Ngày KH&CN đầu tiên của nước ta, tôi hy vọng truyền thông KH&CN làm tốt vai trò của mình, là diễn đàn của giới KH&CN, cầu nối giữa các nhà khoa học với người dân, với doanh nghiệp. Khi các kết quả nghiên cứu được nhiều người ứng dụng, được xã hội, nhân dân mong chờ, tin tưởng vào các nhà khoa học thì ngày 18/5 hằng năm sẽ càng trở nên có ý nghĩa hơn, là ngày gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức và thành tựu KH&CN, là ngày hội của cả nước. -Nhiều ý kiến cho rằng, để Ngày KH&CN thực sự thu hút sự quan tâm của giới trẻ, cần phải có những hành động song hành, hỗ trợ cụ thể cũng như sự phối hợp về chính sách và sự tham gia của các địa phương. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào? Tôi đồng ý với ý kiến này. Thực tế cho thấy, vai trò của KH&CN trong đời sống xã hội là rất to lớn. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của KH&CN không chỉ cần sức mạnh của một vài cá nhân hay tổ chức nhất định, mà toàn xã hội phải cùng thể hiện trách nhiệm, cùng chung tay phát triển KH&CN, để đưa cuộc sống người dân ngày càng tiến lên. Trải qua gần 30 năm Đổi mới, KH&CN nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đất nước ta đang phát triển, rất cần có những đột phá, trong đó có đột phá về KH&CN để nước ta không bị rơi vào bẫy phát triển có thu nhập trung bình như nhiều nước đã mắc phải. Đảng và Nhà nước đã và đang tập trung nguồn lực cho KH&CN, tuy nhiên do nước ta còn nghèo, năng lực tài chính còn hạn chế nên đầu tư cho KH&CN chưa được nhiều như mong muốn. Chính vì vậy các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương cần nghiên cứu đường lối, chính sách, pháp luật để có những chính sách phù hợp hơn, tạo điều kiện cho các cán bộ KH&CN, nhất là cán bộ KH&CN trẻ yên tâm công tác, dấn thân cho khoa học, sống và tiến tới làm giàu bằng kết quả nghiên cứu KH&CN của mình. Vấn đề này cũng đã được quy định trong Luật KH&CN năm 2013, cần được thể chế hóa cụ thể để áp dụng. Theo ông, để hoạt động truyền thông về KH&CN hiệu quả hơn nữa cần phải có những định hướng như thế nào? Hiện nay KH&CN, đặc biệt là công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão. Theo đó, thông tin trong thế giới hiện đại này cũng rất phát triển và đang diễn ra rất đa chiều, phức tạp. Để hoạt động truyền thông về KH&CN phản ánh đúng, đầy đủ, khách quan những thành tựu và hoạt động của KH&CN trong cuộc sống, tôi nghĩ các cơ quan truyền thông nói chung, truyền thông KH&CN nói riêng phải phản ánh được những vấn đề sau đây: Thứ nhất, cần tăng cường phổ biến tới người dân những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về KH&CN để mọi người dân hiểu rõ chính sách, pháp luật về KH&CN, từ đó vận dụng vào triển khai và thực hiện một cách sáng tạo. Thứ hai, hoạt động thông tin truyền thông về KH&CN phải là cầu nối tích cực nhất phổ biến và quảng bá thành quả của KH&CN vào ứng dụng trong cuộc sống và xã hội. Chúng ta phải có nhận thức và phải xác định hoạt động này là một mắt xích rất quan trọng, có thể nói có lúc không thể thiếu được trong chuỗi vận hành từ kết quả nghiên cứu đến cuộc sống. Một kết quả nghiên cứu mang tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học, được đầu tư rất nhiều kinh phí, trí tuệ và đạt kết quả tốt, nhưng người dân không biết, doanh nghiệp không có thông tin chuẩn xác thì không dám ứng dụng nó. Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 đã có quy định cụ thể về vấn đề đẩy mạnh chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN vào ứng dụng thực tiễn. Vì vậy truyền thông KH&CN cần làm tốt hơn vấn đề này. Thứ ba, bên cạnh việc phổ biến thông tin kết quả nghiên cứu thì truyền thông KH&CN cũng phải tích cực phản ánh nhu cầu tiếp nhận KH&CN của người dân, của doanh nghiệp, của các tổ chức trong xã hội về việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, thành công và không thành công. Nếu tốt thì tiếp tục tuyên truyền phổ biến, nếu chưa tốt thì các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa chữa để hoàn thiện. Nói tóm lại là phải có thông tin hai chiều một cách khách quan, khoa học. Đây là nội dung rất quan trọng để đội ngũ KH&CN hiểu thêm mình cần làm gì để các nhiệm vụ KH&CN gắn với yêu cầu thực tiễn, gắn với những gì nhân dân, doanh nghiệp cần. -Xin cảm ơn ông! |