Để chuẩn bị cho những sự kiện Ngày hội khoa học, chúng ta cần cung cấp những thông tin cơ bản cho công chúng qua những áp phích, tờ rơi và một số video được trình chiếu tự động nhiều lần ở các nhà trường, viện nghiên cứu và những nơi công cộng. Bên cạnh đó, cần tổ chức một số tình nguyện viên là những nhà khoa học trẻ làm nhiệm vụ trả lời các câu hỏi của công chúng, đưa ra những lý giải khoa học phù hợp, và trực tiếp tiến hành một số thí nghiệm đơn giản nhưng hấp dẫn trước công chúng, hay tổ chức các trò chơi cho trẻ em, v.v. Chúng ta có thể tìm thấy qua internet nhiều ý tưởng về việc tổ chức ngày hội từ nước ngoài. Đặc biệt phải cẩn trọng trong việc đảm bảo an toàn và ngăn ngừa các nguy cơ tiềm năng tại các sự kiện của ngày hội.
Do quỹ thời gian không có nhiều, chúng ta không nên quá tham vọng, có lẽ trước mắt chỉ tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đa số các sáng kiến nên do các đơn vị nghiên cứu, phòng thí nghiệm đưa ra thay vì được áp đặt xuống từ bên trên. Một nhà quản lý phòng thí nghiệm có tầm nhìn sẽ thấy rằng việc mở cửa phòng thí nghiệm cho công chúng là một cơ hội để giới thiệu với cộng đồng về công việc mà đơn vị mình đang theo đuổi và lý giải vì sao đơn vị mình cần được tài trợ; hay nói cách khác, một nhà quản lý tốt sẽ hiểu rằng về lâu dài, thời gian và công sức tổ chức một sự kiện như vậy có thể coi là một khoản đầu tư tuyệt vời. Ví dụ, ngài Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử có lẽ sẽ thấy đây là cơ hội tốt để giới thiệu tới công chúng những thông tin về năng lượng hạt nhân, và chắc chắn cảm thấy mình có nghĩa vụ đảm bảo tính mạch lạc của các sự kiện do đơn vị mình thực hiện. Mặt khác, một nhà khoa học thấm nhuần đạo lý của khoa học sẽ nhận thấy rằng mình có nghĩa vụ giới thiệu với công chúng về những công việc mà mình đang làm.
Theo suy nghĩ của tôi, trách nhiệm của Bộ KH&CN là giám sát chung công tác tổ chức, tiến hành những nỗ lực quảng bá và truyền thông cần thiết của ngày hội khoa học để thu hút công chúng, và đóng góp một phần nhỏ kinh phí cho các sự kiện khi cần thiết.
Để làm việc này, Bộ trưởng có thể lập ra một Ban Tổ chức, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học giàu nhiệt huyết từ những lĩnh vực chính trong khoa học và uy tín của Trưởng Ban tổ chức là yếu tố rất quan trọng.
Sau khi quyết định tổ chức Ngày hội Khoa học, Bộ KH&CN nên công bố tới lãnh đạo các hiệp hội, các trường ĐH, viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm về chủ đề của ngày hội khoa học – tuy nhiên chủ đề do Bộ KH&CN lựa chọn chỉ nên mang tính tham khảo, không bắt buộc đối với các cơ sở nghiên cứu. Sau đó, những người lãnh đạo các cơ sở nghiên cứu có mong muốn tham gia vào ngày hội khoa học sẽ phải thông báo trực tiếp với Ban Tổ chức về kế hoạch triển khai cụ thể của đơn vị mình.
Các phòng thí nghiệm và các đơn vị nghiên cứu sẽ tự tổ chức sự kiện dựa trên nguồn kinh phí của chính mình. Tuy nhiên, họ có thể được động viên bằng một khoản kinh phí nếu có lý do chính đáng (Ban Tổ chức có trách nhiệm giám sát việc này một cách thích hợp), chẳng hạn như một hội đồng có thể trao giải thưởng cho đơn vị tổ chức được sự kiện hay nhất.
Ngoài nội dung chủ đạo của Ngày hội Khoa học là những sự kiện tổ chức tại các đơn vị, cũng sẽ hữu ích nếu chúng ta có một sự kiện tổ chức ở tầm trung ương do cơ quan Bộ KH&CN chủ trì.
Một vấn đề cơ bản là tính quảng bá rộng rãi của các sự kiện. Chúng nên được tổ chức vào một ngày Chủ nhật để các gia đình có thời gian rảnh đến tham quan. Nên có sự hợp tác với đài truyền hình đề phát sóng ngày hội khoa học trên một vài kênh truyền hình.
GS. Pierre Darriulat (PHẠM TRẦN LÊ dịch)
* TS. Nguyễn Lương Quang
Từ những quan sát về Fête de la science của Pháp và Science Rendezvous của Canada cũng như kinh nghiệm thực tế trong việc phổ biến thiên văn ở Việt Nam, tôi nhận thấy công chúng Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ đang rất háo hức đón chờ một hoạt động như vậy. Để ngày hội khoa học được thành công, tôi có một số đề nghị sau:
1. Mỗi năm ngày hội khoa học cần có một chủ đề chính gắn liền với hướng hoạt động chính của khoa học thế giới hay Việt Nam.
2. Trước ngày hội 3 tháng, ban tổ chức cần chỉ định các trung tâm khoa học quốc gia thiết kế chương trình của riêng đơn vị mình và khuyến khích các trung tâm mở cửa tự do để đón dân chúng vào quan sát phòng thí nghiệm, nơi làm việc của các nhà khoa học.
3. Để tạo được hiệu ứng, ngày hội phải được tổ chức cùng một thời điểm trong khoảng 2-3 ngày tại tất cả các địa điểm và có sự tham gia của tất cả các cơ quan khoa học và trường học
4. Ban tổ chức phải là một nhóm đa ngành bao gồm các nhà khoa học, phóng viên, chuyên gia truyền thông để vừa đảm bảo tính khoa học nhưng vừa hấp dẫn và thu hút người xem. Ban tổ chức chỉ nên có nhiệm vụ điều phối và quảng bá ngày hội, việc tổ chức phải thuộc về các đơn vị nhóm, khoa học.
5. Các hoạt động chính: diễn thuyết, poster, kịch về các sự kiện khoa học, các thí nghiệm nhỏ, tham quan phòng thí nghiệm, hội trại khoa học.
6. Ngày hội khoa học phải có một nhóm truyền thông làm việc quảng bá trên các phương tiện xã hội: báo chí, tivi, website, facebook, twitter.... và các phân nhóm phụ trách các phần ngành khoa học khác nhau.
7. Ngày hội cũng nên kêu gọi các đơn vị cũng như các câu lạc bộ hoặc nhóm nghiệp dư thấp hơn đưa ra những dự án của riêng đơn vị để đưa lên chương trình.
8. Sinh viên và học sinh các trường đại học, trung học là những người ham hiểu biết và mong muốn truyền đạt kiến thức mình đến đại chúng, nên kêu gọi các bạn tự tổ chức các hoạt động phổ biến khoa học cho đại chúng, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Nên có những “chuyến xe khoa học” đem khoa học đến phổ biến cho đại chúng tại chợ, trung tâm huyện, xã...
9. Khoa học xã hội, văn hóa cũng cần đuợc đưa vào chương trình.
* TS. Phạm Tuyết Nhung
Tôi mới được tham dự Science Festival năm 2013 ở Pháp, và đây là lần thứ 22 họ tổ chức sự kiện này. Cách thức tổ chức của họ dựa vào nền tảng khoa học vững mạnh và kinh nghiệm qua nhiều năm. Theo tôi, Việt Nam có thể lựa chọn một số hoạt động giống như Pháp nhưng có quy mô phù hợp với khả năng của Việt Nam, ví dụ như tổ chức triển lãm, tham quan phòng thí nghiệm, trò chơi, đố vui cho thiếu nhi...
Nhưng việc đầu tiên cần làm là để các trường đại học, các viện nghiên cứu hiểu được ý nghĩa của SF và đồng ý tổ chức một số hoạt động ở đơn vị mình; việc tổ chức sau đó có thể giao một phần cho các bạn trẻ (Đoàn thanh niên) thực hiện...
Vì vậy đề nghị một số nhà khoa học và viện trưởng, viện phó ở Viện KHCN đề xuất ý tưởng và dự án tham gia ngày hội là rất quan trọng đối với sự thành công của ngày hội.
* TS. Phạm Ngọc Điệp
Ở Việt Nam, việc tổ chức một Ngày hội Khoa học là điều rất mới mẻ nên vai trò làm trung tâm điều phối của Bộ Khoa học và Công nghệ là vô cùng quan trọng, tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta nên tổ chức ngày hội khoa học đúng theo dạng của nó, tức là: nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên khắp cả nước (có những nơi Bộ không có liên hệ trực tiếp) suy nghĩ và có những đóng góp cho ngày hội tùy theo khả năng của mình. Ví dụ như những hoạt động mang tính tự phát, rất đơn giản nhưng khá hiệu quả như trong ví dụ của TS. Pierre Lesaffre: một nhóm sinh viên nghĩ ra cách chiếu hình ảnh của Mặt trời qua kính thiên văn lên màn ảnh cho khách qua đường xem. Hay mới đây tại một hội nghị ở Bangkok, khi gặp một nhà khoa học đến từ Ý, tôi hỏi ông cơ quan nào giúp phòng thí nghiệm của ông tổ chức sự kiện Ngày hội Khoa học, câu trả lời tôi nhận được là mọi hoạt động và nội dung đều do phòng thí nghiệm của ông (ở Geneva) tự làm. Ông cũng nói rằng có rất nhiều tổ chức, cá nhân tự đứng ra làm Ngày hội Khoa học xuất phát từ nhu cầu tự thân, còn nếu phải trông chờ vào chỉ đạo từ một cơ quan trung ương nào đó thì chắc chắn sẽ rất khó khăn và không hiệu quả. Có thể đối với Ngày hội Khoa học đầu tiên tại Việt Nam, những hoạt động mang tính tự chủ như những thí dụ trên đây sẽ chưa phổ biến, nhưng rất nên được khuyến khích, vì qua thời gian chúng sẽ giúp tạo nên thói quen và dần hình thành nên một truyền thống văn hóa đáng trân trọng cho xã hội.
|