Bản in
Tác động của Silicon Valley Việt Nam đối với doanh nghiệp khởi nghiệp
Thung lũng Silicon Việt Nam sẽ không mô phỏng chính xác theo mô hình của Mỹ mà cần những điều chỉnh phù hợp với đặc thù Việt Nam, và sẽ chỉ đầu tư cho những doanh nghiệp được chuẩn bị đầy đủ và có quyết tâm cao nhất.

Thời nhà Nguyễn, có giai thoại kể về một vị quan đi sứ sang châu Âu, khi trở về háo hức mong muốn canh tân đất nước, liền thuật với nhà vua những chuyện tai nghe mắt thấy, trong đó có việc ở xứ Tây người ta treo đèn lộn ngược. Vị vua cho đó là chuyện hoang đường, bất tín nhiệm viên quan và gạt bỏ những ý tưởng canh tân của ông ta. Người đời sau chê cười sự thiển cận của nhà vua, nhưng theo tôi, trong câu chuyện này viên quan mới là người đáng chê trách hơn. 

Chúng ta có thể coi viên quan trong giai thoại là một doanh nghiệp khởi nghiệp đang có những ý tưởng đổi mới sáng tạo, và nhà vua chính là nhà đầu tư quan trọng nhất, người có thể giúp hiện thực hóa những ý tưởng này trong đời sống. Nhưng viên quan đã không thấu hiểu đầy đủ về vị khách hàng quan trọng này, do đó đã không chọn được cách tiếp cận vấn đề một cách phù hợp để khiến nhà vua tin vào ý tưởng của mình. 

Trong thực tế đời sống, cơ hội được tiếp xúc các nhà đầu tư là không nhiều với mọi doanh nghiệp khởi nghiệp, và nếu doanh nghiệp không thấu hiểu về thị trường, về các nhà đầu tư, thì dù có gặp được nhà đầu tư họ cũng khó lòng tạo được ấn tượng thuyết phục, và những ý tưởng đổi mới sáng tạo dù hay đến mấy cũng khó lòng được triển khai thành công.  

Đó là thực tế ở thị trường đầu tư mạo hiểm ở khắp nơi, kể cả ở Mỹ, còn ở Việt Nam việc kết nối giữa nhà đổi mới sáng tạo và nhà đầu tư lại càng khó khăn. Nếu như ở Mỹ, các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn về đầu tư, vì vậy nhiều khi họ chỉ cần có ý tưởng sáng tạo là có thể xây dựng thành dự án thu hút các nhà đầu tư cấp vốn. Quy trình thông thường ở Mỹ là từ ý tưởng người ta hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp, sau đó gọi vốn đầu tư mạo hiểm hoặc tăng tốc tiến trình khởi nghiệp, rồi chuyển sang các giai đoạn tiếp theo trong đầu tư mạo hiểm trước khi làm IPO khi doanh nghiệp đã đủ lông đủ cánh.

Còn ở Việt Nam, qua trao đổi và khảo sát tại các vườn ươm doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng áp dụng nguyên mẫu quy trình ở Mỹ tại Việt Nam sẽ không khả thi. Không giống như ở Mỹ các doanh nghiệp có thể tự hình thành sản phẩm từ ý tưởng ban đầu, ở Việt Nam chúng ta cần phải có thêm những bước đệm để huấn luyện, bồi dưỡng kinh nghiệm và các kỹ năng tối thiểu cho doanh nghiệp. Từ những ý tưởng đổi mới sáng tạo, họ phải xây dựng được chiến lược cụ thể, xác định một cách chi tiết tối đa về sản phẩm và đối tượng khách hàng sử dụng được hướng tới. Họ cũng cần tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu để chứng minh một cách thuyết phục rằng dự án không chỉ có tính khả thi mà còn có thể được mở rộng quy mô và thu lời lớn hơn nhiều lần so với chi phí nhà đầu tư phải bỏ ra – các khoản đầu tư mạo hiểm có tính rủi ro cao, vì vậy những dự án thành công phải thu lời lớn mới đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần được hướng dẫn về kỹ năng kinh doanh, quản trị, tiếp thị, v.v. 

Dự án Thung lũng Silicon Việt Nam huấn luyện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp một cách kỹ lưỡng như vậy, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển sản phẩm và chiến lược kinh doanh, trở thành những doanh nghiệp có tiềm năng mở rộng kinh doanh thu hút các nhà đầu tư. Song song với tiến trình này, chúng tôi sẽ kích thích mở rộng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm sẵn sàng đầu tư cho các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư sẽ có cơ hội được kết nối với những doanh nghiệp được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, và có động lực phấn đấu cao nhất, và đó sẽ là những doanh nghiệp có tiềm năng thành công cao nhất. Khi đã có một số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, mối quan tâm từ các nhà đầu tư sẽ gia tăng, và nguồn vốn đầu tư thu hút được sẽ càng nhiều. Mối kết nối giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư – ở đây cả hai bên đều cần đến nhau – giúp tạo thành một hệ sinh thái cân bằng và tự sinh sôi.

Ông Trần Ngọc Thủy – Công ty CP Trò chơi Giáo dục Trực tuyến EGame, một doanh nghiệp khá thành công trong lĩnh vực sản phẩm game online phục vụ lĩnh vực giáo dục, một trong những đại diện của khối doanh nghiệp khởi nghiệp tại Lễ khởi động Đề án thương mại hóa công nghệ với mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp của ông trước khi chính thức khởi nghiệp đã từng tự tiến hành những cuộc khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến từ hơn 5000 học sinh, phụ huynh. Nhờ chuẩn bị đầy đủ như vậy nên họ biết rõ thị trường mong muốn sản phẩm như thế nào, và đưa ra câu trả lời thỏa mãn cho mọi câu hỏi mà các nhà đầu tư mạo hiểm đưa ra trước khi quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi có vai trò tích cực của Nhà nước. Nhìn sang Hàn Quốc, chúng ta thấy rằng Chính phủ của họ đã tạo ra được chất xúc tác giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Hiện nay, mặc dù thị trường đầu tư mạo hiểm đã rất sôi động, các tập đoàn cũng như các doanh nghiệp tư nhân đều tích cực tham gia đầu tư, trong khi các doanh nghiệp công nghệ của Hàn Quốc đang phát triển rất mạnh – Samsung đang thắng thế trong cuộc chạy đua với Apple – nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn tiếp tục tham gia hỗ trợ và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Họ làm vậy vì ý thức rõ về tầm quan trọng của doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả các quốc gia mới nổi trên thế giới hiện đều đang trong cuộc chạy đua đổi mới sáng tạo, và cơ hội phía trước còn rất nhiều. Nhiều nhà phân tích trên thế giới đã xác định rằng Trung Quốc đã phát triển vượt ngưỡng, họ lập ra một danh sách các quốc gia sẽ cùng nhau thay thế Trung Quốc trở thành động lực phát triển mới cho nền kinh tế toàn cầu. Trong danh sách đó có Việt Nam, nhưng không rõ tên nước ta còn được duy trì ở đó trong bao lâu. Người ta từng dự đoán Việt Nam sẽ trở thành con hổ mới của châu Á, nhưng thực tế cho thấy nền kinh tế của chúng ta mới chỉ là con mèo nhỏ. Ngân hàng Thế giới nhìn nhận rằng sức phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn yếu trong dài hạn.

Thực tế trên cho thấy rằng Việt Nam cần sớm hình thành một hệ sinh thái kết nối các nhà đầu tư  với các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực cạnh tranh và sức tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó cần có sự đồng hành cùng đầu tư của Nhà nước – đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước – cùng khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để tạo cú hích ban đầu cho thị trường, chúng ta không cần đầu tư quá nhiều tiền của, mà cần sàng lọc kỹ lưỡng để chọn ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng nhất. Theo tính toán ban đầu của chúng tôi, mỗi doanh nghiệp được chọn sẽ được đầu tư khoảng 10-15 nghìn USD. 

Cơ hội trước mắt sẽ được mở rộng cho các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau, không quá tập trung vào một ngành cụ thể. Trước đây, Việt Nam từng chú trọng các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông, nhưng đến nay, ngành này đã được đầu tư quá nhiều trên thế giới, sức phát triển bị chững lại, và trở thành một ngành công nghiệp cũ – tương tự như công nghiệp điện tử hồi cuối thế kỷ 20. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm những cơ hội mới, những ngành công nghệ mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam và nhu cầu phát triển của thế giới.