|
|||
- Năm 2010, ấn tượng nhất của ông đối với hoạt động KHCN Thủ đô là gì? - Cá nhân tôi cho rằng, việc tập trung nghiên cứu cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục quản lý nhằm bảo đảm yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tránh đùn đẩy trách nhiệm là "đột phá" của năm 2010. Theo đó, quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án, phân công rõ nhiệm vụ của từng bộ phận khi quản lý các đề tài, dự án KHCN được UBND TP ban hành mới đã nâng cao số lượng, chất lượng "đầu vào", rút ngắn thời gian xây dựng kế hoạch và thẩm định thuyết minh đề tài, dự án KHCN từ 9 tháng xuống còn 4 tháng. Sở cũng phân cấp nhiệm vụ đến từng chuyên viên để khi không hoàn thành nhiệm vụ có thể kiểm tra xem công việc đang "tắc" ở đâu, kịp thời có hướng xử lý.
Ngoài ra, để có được những đề tài khoa học đem lại hiệu quả cao, Hà Nội đã mời các nhà khoa học, nhà quản lý của các bộ, ngành tham gia tư vấn "đầu vào" cho các đề tài, dự án nhằm tránh sự trùng lặp với các đề tài đã thực hiện ở các cấp khác nhau. Đến nay, đã có 126 chuyên gia tham gia các ban chủ nhiệm chương trình KHCN cấp TP để thực hiện chức năng phản biện, tư vấn danh mục, nhiệm vụ KHCN, tham gia quản lý đề tài, dự án và xây dựng kế hoạch KHCN hằng năm... Nhờ chặt chẽ trong khâu tuyển chọn nên từ 231 hồ sơ đăng ký đề tài, dự án cho kế hoạch năm 2010, Sở lựa chọn được 98 đề tài (chiếm khoảng 46%). Con số ấy hẳn nói lên nhiều điều... - Cùng với việc nâng tầm chất lượng các công trình nghiên cứu, việc đưa kết quả nghiên cứu vào đời sống cũng là giải pháp được lựa chọn? - Đúng vậy, năm 2010 là lần đầu tiên Hà Nội thay đổi cách bàn giao kết quả nghiên cứu, thay vì giao toàn bộ cho các sở, ngành, chúng tôi đưa thẳng về các đơn vị có nhu cầu ứng dụng. Năm 2010, Sở đã bàn giao 13 kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho các sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô ứng dụng vào thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các kết quả được chuyển giao có hàm lượng chất xám cao, được nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và đem lại hiệu quả cho các đơn vị ứng dụng. Hiện tại, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc bàn giao sản phẩm của các đề tài. - Nhưng hẳn là ông và các cộng sự chưa hài lòng với những kết quả đó? - Đánh giá hiệu quả của hoạt động KHCN cần có thời gian, thậm chí có kết quả nghiên cứu phải sau 5-10 năm hoàn thành mới nhận thấy tác động đến đời sống. Lâu nay, hoạt động KHCN chưa thực sự được quan tâm đúng mức từ phía các sở, ngành, quận, huyện với tư cách là người "đặt hàng" để xác định các vấn đề yêu cầu KHCN giải quyết. Thực tế là các đề tài, dự án đều từ đề xuất của các cơ quan quản lý ngành của TP và các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nhiều vấn đề nghiên cứu chưa sát, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên khi nghiên cứu xong khó triển khai, áp dụng. Thêm vào đó, cơ chế quản lý còn thiếu linh hoạt và chậm đổi mới. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu của Hà Nội còn hạn chế, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu chưa đồng bộ. Mặt khác, lực lượng cán bộ khoa học tại các doanh nghiệp mỏng, tiếp cận thông tin khoa học từ các nguồn còn hạn chế. Mối liên kết giữa cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất chưa được củng cố trên cơ sở khai thác thế mạnh của cả hai phía. - Riêng với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2011, Sở KHCN có hướng ưu tiên nào không? - Năm 2011, Sở sẽ tập trung xây dựng các chương trình, đề tài hướng đến nghiên cứu ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến phục vụ quản lý nhà nước, cải cách hành chính và xây dựng các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định đường lối, xây dựng các cơ chế, chính sách chiến lược phát triển kinh tế xã hội Thủ đô; nghiên cứu giải quyết các vấn đề cấp thiết từ thực tiễn quản lý, sản xuất, đời sống và xã hội như ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt đô thị, làng nghề, bệnh viện, khu công nghiệp; vệ sinh an toàn thực phẩm; tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, chống úng lụt; lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị... Đối với lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ mới, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm hàng hóa được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ tập trung vào những khâu có giá trị gia tăng cao như giống cây, con, chế biến, canh tác, nuôi trồng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch, năng suất cao, chất lượng tốt. - Xin cảm ơn tiến sĩ! Thế Dũng thực hiện |