Bản in
Đưa khoa học “đón đầu” nền kinh tế miền núi
Nhờ ứng dụng các tiến bộ KH&CN nền kinh tế - xã hội của các tỉnh Miền núi phía Bắc (MNPB) đã có nhiều bước tiến mới. KH&CN đã thực sự góp phần tiên quyết trong phát triển kinh tế xã hội của mỗi tỉnh nói riêng và của cả Vùng nói chung.

Nền tảng của thành công

MNPB là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế về nông – lâm nghiệp. Nông – lâm nghiệp có vị trí hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Những năm gần đây, nhiều đề tài, dự án KH&CN tập trung cho nghiên cứu, nuôi trồng, thử nghiệm giống cây, con, kỹ thuật thâm canh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, biện pháp bảo vệ thực vật, thuốc thú y... Nhiều đề tài đạt kết quả tốt, được triển khai nhân rộng trên địa bàn. Tiêu biểu như Phú Thọ, đã triển khai 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm, đưa sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ cao: ngô lai chiếm trên 95% diện tích; lúa lai, lúa chất lượng cao chiếm trên 51,4% diện tích (tăng 25% so với năm 2008). Ông Đào Văn Phùng – giám đốc sở KH&CN Phú Thọ chia sẻ: từ một tỉnh miền núi thiếu lương thực, nhờ áp dụng tiến bộ KH&CN sản lượng lương thực tăng từ 26,7 vạn tấn (năm 1997) lên 42,7 vạn tấn (năm 2009) đưa Phú Thọ thành tỉnh đứng thứ 2 trong 11 tỉnh Đông Bắc Bộ về sản xuất lương thực, năng suất lúa trung bình đạt 51 tạ/ha.

                   

                                          Chăm sóc giống ngô mới tại Hà Giang

Mô hình ứng dụng các giải pháp tiết kiệm nước, phân bón trong thâm canh lúa được tỉnh Hà Giang triển khai rất tốt đem lại hiệu quả cao, nâng năng suất lúa bình quân tăng từ 40 tạ/ha lên gần 60 tạ/ha, tiết kiệm 20% chi phí đầu tư. Cũng nhờ ứng dụng tiến bộ KH&CN, Hà Giang đã phục tráng được nhiều giống cây, con đặc sản địa phương như lúa Khẩu Mang, nếp Nàng hương, ngô nếp núi đá, ngô tẻ vàng…

Cùng với đó, Bắc Giang đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 đạt khoảng 6,9%. Năng suất sản lượng cây lương thực có hạt đạt cao nhất từ trước tới nay, diện tích rau chế biến tăng 2 lần so với năm 2008; chăn nuôi phát triển ổn định, chiếm tỷ trọng 46,6% trong cơ cấu giá trị nông nghiệp; duy trì là tỉnh dẫn đầu miền Bắc về tổng đàn gia cầm với khoảng 14,4 triệu con.

 

Công nghiệp không phải là điểm mạnh của các tỉnh MNPB. Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án đầu tư cải tiến công nghệ, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào chế biến nông sản, thực phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Có thể kể đến dự án ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất gạch không nung ở Bắc Giang với công suất 10 triệu viên/năm, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao (90%), sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam; dự án nghiên cứu sử dụng phụ gia trợ nghiền BiFi trong sản xuất xi măng tại công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang (đã sản xuất hơn 22.000 tấn). Dự án giúp giảm chi phí sản xuất, nâng năng suất nghiền, thời gian bảo quản sản phẩm.  

 

Tiếp tục đầu tư phát triển KH&CN địa phương 

 

Hầu hết, sở KH&CN các địa phương đều mong muốn được tăng cường hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển, đưa KH&CN địa phương phát triển hơn.

 

Giám đốc sở KH&CN Bắc Giang Hà Văn Quê mong Bộ KH&CN hỗ trợ tăng mức đầu tư kinh phí sự nghiệp cho tỉnh để tỉnh có điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư cho hoạt động KH&CN phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

 

Ông Lò Văn Na – Giám đốc sở KH&CN Sơn La đề nghị Bộ KH&CN, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và các xem xét hỗ trợ Sơn La tăng nguồn vốn đầu tư phát triển. Ông cho biết, hiện nay việc xây dựng các mô hình ƯDTB KH&CN phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi đối với cấp Bộ, ngành TƯ được thực hiện theo Thông tư 39/2005/TTLT/BTC-BKHCN (không thu hồi kinh phí). Nhưng Sơn La vẫn thực hiện theo Thông tư 85/2004/TTLT/BTC-BKHCN (đầu tư hỗ trợ 30% tổng dự án, trong đó phải thu hồi 60% kinh phí hỗ trợ). Vì thế, các dự án chuyển giao tiến bộ KH&CN không được triển khai tại vùng đặc biệt khó khăn. Giám đốc sở KH&CN Lò Văn Na cũng bày tỏ mong muốn Thông tư 85/2004/TTLT/BTC-BKHCN được sửa đổi, đối với miền núi, vùng khó khăn nên có cơ chế hỗ trợ - không thu hồi.

 

Bộ KH&CN đã và tiếp tục quan tâm, giúp đỡ các tỉnh MNPB triển khai nhiều dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế xã hội nông thôn miền núi, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ… Đến nay, các dự án đã và đang phát huy hiệu quả, mở rộng mô hình. Sản phẩm của doanh nghiệp, địa phương được đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý. Nhiều sản phẩm đặc thù của các địa phương xuất hiện trên thị trường như: cá nước lạnh, dược liệu, rau bản địa, rau hoa chất lượng cao…, nhiều sản phẩm đã đạt giải Chất lượng Việt Nam hàng năm.

 

Để KH&CN là động lực phát triển kinh tế - xã hội MNPB, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa từ các ban, ngành, doanh nghiệp… nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tăng cường tiềm lực KH&CN tại Vùng. Từng địa phương cũng cần có chính sách, giải pháp cụ thể, linh hoạt và sáng tạo để KH&CN phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh mình.

 

Nguyễn Hạnh – Ánh Tuyết