|
|||
Hỗ trợ trực tiếp giúp doanh nghiệp hội nhập Các chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập 5 năm qua ở Hải Phòng tập trung vào các nội dung như: xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9000, TQM,…); bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng, đăng ký bảo hộ và quảng bá sở hữu trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa,…); hỗ trợ chào bán, tìm kiếm công nghệ, thiết bị tại các chợ công nghệ và thiết bị,…
Kinh phí đầu tư từ ngân sách cho các hoạt động hỗ trợ không lớn, trung bình hơn 2 tỷ đồng/năm, theo phương thức trọn gói (30% chi phí cho nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, công nghệ mới và các hoạt động chuyển giao công nghệ) đã khẳng định hiệu quả của phương thức quản lý mới. Vai trò "bà đỡ", "hỗ trợ" của cơ quan quản lý nhà nước đã khẳng định vai trò của KH&CN với sản xuất đời sống.
Nhờ đó mà 5 năm qua, Hải Phòng đã có thêm 240 tổ chức, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, 386 tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (gấp 2,65 lần so với năm 2005.Cấp mới hơn 1.400 văn bằng bảo hộ, đưa tổng số văn bằng sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn lên gần 1.800 (gấp hơn 5 lần năm 2005); trên 30 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hàng trăm lượt doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các chợ công nghệ và thiết bị quốc gia, khu vực.;…
Đổi mới công nghệ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Đầu năm 2008, Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị (CN&TB) Hải Phòng được khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Năm 2010, Sàn này được tổ chức lại và là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở KH&CN, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngày 15/1/2008, Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng khai trương và đi vào hoạt động Tính đến tháng 6/2010, trên 5.500 lượt khách đã tới tham quan, trao đổi, giao dịch tại Sàn; hơn 30 hội thảo khoa học, lớp đào tạo, tập huấn về lựa chọn, giới thiệu CN&TB tiên tiến của nước ngoài có khả năng chuyển giao cho các doanh nghiệp được tổ chức; tiến hành trên 30 cuộc kết nối cho các doanh nghiệp gặp gỡ, thương thảo, ký kết hợp đồng mua bán CN&TB; duy trì, vận hành thường xuyên hoạt động của Chợ CN&TB trực tuyến với hơn 1.500 CN&TB được chào bán của gần 400 nhà cung cấp trong và ngoài nước...
Nhờ đó, doanh số năm 2009 lên đến 100 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2010 đạt gần 140 tỷ đồng. Đặc biệt, Sàn là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức thử nghiệm thành công phiên đấu giá CN&TB với 4 hệ thống CN&TB có chất lượng, mở ra một hình thức giao dịch mới, thiết thực, hiệu quả.
Việc đưa Sàn Giao dịch vào hoạt động đã thúc đẩy hình thành và phát triển thị trường công nghệ, phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu khoa học, tạo lập diễn đàn liên kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp. Hỗ trợ mở rộng loại hình nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở
Cùng với việc chỉ đạo hoạt động quản lý KH&CN, Sở KH&CN tập trung hỗ trợ cho các quận, huyện, viện, trường đại học và các tổ chức KH&CN chuyên ngành triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở. Từ năm 2007, Sở đã tham mưu cho UBND TP ban hành nhiều quyết định quan trọng trong đó có quy định về mở rộng thêm loại hình nhiệm vụ cấp cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, đơn vị đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho hoạt động KH&CN.
Thời gian qua, hàng chục tỷ đồng đã được hỗ trợ để triển khai gần 120 nhiệm vụ cấp cơ sở như: nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp nhỏ; giải pháp quản lý và xử lý chất thải nông thôn, làng nghề; khảo nghiệm các giống cây, con mới; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình trồng rau an toàn, nấm, hoa; sơ chế, bảo quản sau thu hoạch;... phù hợp với địa phương. Các kết quả nghiên cứu đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ thiết thực cho sản xuất, đời sống, tạo sự gắn kết giữa các cán bộ khoa học của các viện, trường, các tổ chức KH&CN với cỏ sở và bà con nông dân .
TS. Bùi Thanh Tùng – Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng cho biết, công tác quản lý KH&CN của tỉnh luôn được sáng tạo sát với đặc thù địa phương; có cơ chế chính sách cụ thể, có lộ trình thích hợp và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có khả năng lồng ghép với các chính sách phát triển khác.. Ông nhấn mạnh, đoạn 2011 – 2015 Hải Phòng sẽ hướng đến một số trọng tâm như phát triển thị trường công nghệ; tiếp tục nâng cao hiệu quả mọi mặt của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, đưa KH&CN gắn bó chặt chẽ hơn với sản xuất, đời sống. Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nguyễn Hạnh
|