|
|||
Từ chọn tạo giống đảm bảo năng suất, chất lượng
Tính đến nay, Viện lúa ĐBSCL đã chọn tạo và được công nhận đưa vào sản xuất 133 giống lúa. Hầu hết các giống lúa này đều có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 90-100 ngày). Viện Lúa ĐBSCL cũng đã chọn tạo được tập đoàn giống lúa dưới 90 ngày, giúp tăng thêm vụ thứ ba với diện tích gần 500.000 ha, sản lượng tăng thêm khoảng 2 triệu tấn mỗi năm, đảm bảo chất lượng và chống chịu sâu bệnh tốt. Ngoài ra, Viện lúa ĐBSCL cũng đã chọn tạo và phóng thích các giống lúa mới có khả năng chống chịu với rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá,đáp ứng kịp thời và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra. Nhiều giống lúa cao sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu cũng được Viện nghiên cứu chọn tạo và đưa vào sản xuất. Mới đây, Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu những giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu như ngập mặn, khô hạn, nắng nóng, ngập úng… bước đầu mang lại những thành quả tốt.
chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất
Theo Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương cho biết: Trong tổng số 6,88 triệu ha gieo trồng lúa của cả nước, diện tích sử dụng giống lúa do Viện lúa ĐBSCL chọn tạo đã đạt 50,1% diện tích, đóng góp 5/10 giống lúa được trồng phổ biến nhất trong cả nước và 8/10 giống được trồng nhiều nhất ở ĐBSCL.Trong bối cảnh mở cửa không hạn chế việc nhập giống từ bên ngoài mà nông dân vẫn trồng giống lúa của Viện với ty lệ cao như vậy, điều này khẳng định về vị thế của giống lúa do Viện chọn tạo ra đối với sản xuất.
Hàng năm, Viện đều tổ chức sản xuất và cung ứng giống lúa siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng và xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho các địa phương, góp phần đưa tổng diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL sử dụng giống đạt tiêu chuẩn các cấp từ dưới 10% (năm 1999) lên hơn 34% như hiện nay.
TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho hay, theo cách tính của FAO, KH&CN đóng góp khoảng 30% vào sự gia tăng sản lượng lúa, thì trong hơn 30 năm qua, việc gia tăng sản lượng lúa ở ĐBSCL từ 4,2 triệu tấn (năm 1976) lên trên 21 triệu tấn hiện nay có sự đóng góp quan trọng của Viện Lúa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước.
Viện cũng đã xây dựng được 11 quy trình kỹ thuật được công nhận ở cấp Quốc gia đã được nông dân áp dụng và mang lại hiệu quả lớn. Giải pháp thâm canh tổng hợp “3 giảm 3 tăng” đạt khoảng 35% diện tích trồng lúa vùng ĐBSCL tương đương khoảng 1,2 triệu ha, hiệu quả mang lại 1,1 triệu đồng/ha, đưa lợi ích toàn vùng một năm đạt trên 1.300 tỷ đồng.
Việc sử dụng máy gieo lúa theo hàng và kỹ thuật sạ hàng do Viện Lúa ĐBSCL đưa ra là một đột phát trong kỹ thuật canh tác lúa. Đến nay, nông dân ĐBSCL đã ứng dụng khoảng 20% diện tích, đem lại hiệu quả lớn (giảm 50% lượng hạt lúa giống, giảm phân bón 10-15%, giảm thuốc bảo vệ thực vật 15-20%). Riêng ở Nam Bộ có khoảng 700.000 ha trồng lúa áp dụng máy sạ hàng, tiết kiệm riêng về lúa giống lkhoảng 560 tỷ đồng/năm.
Trong biện pháp phòng trừ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học Ometar/Biovip phòng trừ sâu, rầy hại lúa, hai loài nấm có ích là nấm trằng (Beauveria bassiana) và nấm xanh (Metarhizium anisopliae) cũng đã được Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu, nhân nuôi, đưa vào sản xuất phòng trừ rầy nâu ở ĐBSCL rất hiệu quả…
Với các giải pháp KH&CN chủ yếu mà Viện chuyển giao vào sản xuất đã đem lại lợi ích tăng thêm hàng năm trên 10 nghìn tỉ đồng. Các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa góp phần làm cho năng suất lúa của nước ta đứng đầu khu vực ASEAN (năng suất bình quân trên 5,5 tấn/ha, gấp trên 1,5 lần so với của của Thái Lan)…
đến ước mơ trở thành Trung tâm nghiên cứu lúa đạt trình độ tiên tiến
Viện lúa ĐBSCL hiện nay đã trở thành một trung tâm công nghệ có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển vựa lúa ĐBSCL và cả nước, cùng với cả nước giữ vững an ninh lương thực và tạo ra một lượng gạo hàng hóa xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới.
Theo TS. Lê Văn Bảnh, Viện lúa ĐBSCL hoạch định kế hoạch phát triển trong thời gian tới đặt mục tiêu nỗ lực phấn đấu trở thành Trung tâm nghiên cứu lúa đạt trình độ tiên tiến trong Khu vực. Bởi vậy, Viện sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học kết hợp các phương pháp truyền thống trong chọn tạo giống cây trồng mới, chủ yếu là cây lúa với năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu sâu bệnh và các điều kiện ngoại cảnh, thích nghi với những bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Cùng với đó, Viện sẽ triển khai chương trình nghiên cứu, nắm vững công nghệ chọn tạo giống lúa lai thích hợp cho vùng ĐBSCL và cho cả nước. Đồng thời, Viện tập trung nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa sản xuất và tìm giải pháp tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
Viện cũng sẽ nghiên cứu bảo vệ cây trồng như: về côn trùng, bệnh cây, nghiên cứu sự bùng phát sâu hại, biện pháp tăng cường đa dạng sinh học trong thời kỳ biến đổi khí hậu và biện pháp phòng trừ; nghiên cứu và phát triển các chế phẩm sinh học mới từ những vi sinh vật có ích (nấm, virus, vi khuẩn) thay thế dần các loại thuốc hóa học độc hại để quản lý dịch hại.
Bên cạnh đó, Viện lúa ĐBSCL cũng sẽ nghiên cứu đất, kỹ thuật canh tác và phân bón cho cây trồng: Nghiên cứu các biện pháp gia tăng nguồn dinh dưỡng dự trữ, chống suy thoái đất nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Ứng dụng các kỹ thuật về cây trồng nhằm chống xói mòn ; áp dụng các vi sinh vật có ích trong việc cải tạo đất và làm tăng độ phì cho đất, cải tạo đất mặn nhằm đối phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu: dùng hóa chất cải tạo đất mặn, rửa mặn.
Ngoài ra Viện tiến hành nghiên cứu triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, giảm thất thu trong và sau thu hoạch, bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các quy trình kỹ thuật canh tác lúa bền vững trên các vùng sinh thái, thu hẹp khoảng cách giữa năng suất tiềm năng và năng suất thực tế trên các hệ thống sản xuất nông nghiệp khác nhau của vùng; triển khai thực hiện “giải pháp sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thông qua liên kết vùng và sự tham gia của 4 nhà”, nghiên cứu chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo nhằm nâng cấp các thành viên tham gia, bảo đảm chất lượng, tạo cơ chế cân đối và phát huy tối đa lợi nhuận của chuỗi giá trị; tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các tổ chức khoa học có liên quan trong các lĩnh vực: Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản… phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới của vùng.
Phương Nga
|