Bản in
Sơn La: Đổi mới nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật
Là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua Sơn La đã chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Nhờ đó tỉnh miền núi phía Bắc này đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

 Đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất

Năm 2009, Sơn La đã phê duyệt 32 chương trình, đề tài, dự án Khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm cấp tỉnh trên 3 lĩnh vực: Nông – Lâm – Ngư nghiệp, Xây dựng công nghiệp, Khoa học xã hội và Nhân văn. Đến nay đã tổ chức nghiệm thu được 12 đề tài, dự án, Kết quả thực hiện 12 đề tài,dự án trên đã bước đầu tạo cơ sở khoa học để  tỉnh xây dựng một số cơ chế  chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều dự án sản xuất thử nghiệm đã giúp các doanh nghiệp mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hướng đi mới.

Trong số các đề tài, dự án được triển khai, đáng chú ý nhất là nhóm đề tài về lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư với những nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao ứng dụng vào sản xuất. Các dự án trồng thử nghiệm giống hồng MC1, khảo nghiệm một số giống dâu tây, tuyển chọn giống dưa vàng thơm Hà Lan tại huyện Mộc Châu bước đầu đã cho kết quả tốt, là cơ sở cho việc triển khai mở rộng mô hình trồng thương phẩm. 

Đặc biệt, hai dự án hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất giống, kỹ thuật nuôi trồng và chế biến nấm cho nước bạn Lào có hiệu quả rất tốt. Tại tỉnh U Đôm Xay, Sơn La đã hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo tập huấn cho 5 cán bộ kỹ thuật và 2 lớp nông dân sản xuất nấm. Kết quả, sản xuất thử nghiệm được 750 kg nấm sò, 100 chai mộc nhĩ, 100 chai linh chi. Đồng thời xây dựng được 3 mô hình sản xuất nấm thương phẩm với số lượng 1.322 kg nấm sò, 500 bịch nấm linh chi 500 và 500 bịch mộc nhĩ. Tại tỉnh Hủa Phăn, dự án đã hỗ trợ sản xuất được 410 tuýp giống nấm gốc các loại; 358 chai giống nấm cấp 2; 1.250kg giống nấm cấp 3; trồng thu hoạch được hơn 1.200kg nấm các loại Hai dự án trên thành công đã giúp cho người dân Lào có thêm nghề sản xuất mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời tăng cường sự đoàn kết của nhân dân các dân tộc 2 tỉnh Sơn La - Hủa Phăn.

Trong chăn nuôi, đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm hội chứng tiêu chảy của bê, nghé tại Sơn La và biện pháp phòng trị” đã xác định được tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy theo lứa tuổi và mùa. Trên cơ sở đó xây dựng được quy trình phòng trị bệnh giúp bà con yên tâm sản xuất. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã sản xuất thành công giống cá lăng chấm tại Sơn La, đưa 200 con cá giống vào nuôi thương phẩm… Các đề tài đã tạo cơ sở cho bà con nông dân áp dụng vào thực tiễn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo.

Xây dựng được bản đồ lũ quét

        Năm 2009 đánh dấu một bước tiến về nghiên cứu khoa học công nghệ của Sơn La. Trong đó đáng ghi nhận là đề tài “Điều tra, nghiên cứu các hiện tượng tai biến trượt đất và lũ quét tại các vùng trọng điểm của tỉnh ”. Nghiên cứu đã đưa ra những luận cứ khoa học về hiện tượng tai biến trượt đất và lũ quét tại 4 vùng trọng điểm Sơn La là: Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Yên Châu, Mộc Châu. Đồng thời chỉ ra những vị trí cần cắm biển cảnh báo nguy hiểm trượt đất, lũ quét; vị trí cần di dời nhà dân; khuyến cáo không xây dựng khu dân cư do nguy cơ trượt đất, lũ quét. Trên cơ sở đó thành lập được bản đồ hiện trạng tai biến trượt đất và lũ quét tỷ lệ 1:50.000 (4 bản đồ cho 4 vùng nghiên cứu). Các bản đồ được số hóa và trình bày bằng phầm mềm MapInfo 7.5. Đối với Sơn La nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung, nguy cơ sạt lở đất và lũ quét thường xảy ra vào mùa mưa, gây thiệt hại lớn về người và của. Vì thế kết quả bước đầu của đề tài đã mở ra triển vọng mới về công tác dự báo và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn cũng đạt được nhiều thành tựu với việc xây dựng được 3 mô hình bản văn hóa mẫu cho nơi định cư mới phục vụ công trình thủy điện Sơn La: Bản tái định cư dân tộc Kháng ( xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai), Bản tái định cư đô thị Pác Ma  (phường Chiềng Sinh, TP Sơn La), Bản tái định cư nông thôn Nà Nhụng (xã Mường Chùm, huyện Mường La). Cùng với đó là các đề tài “Nghiên cứu sưu tầm di sản văn hoá các dân tộc phục vụ phát triển du lịch huyện Mộc Châu”, “Nghiên cứu sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống của  6 dân tộc: Thái, Mường, Mông, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú”… đang được triển khai hiệu quả, làm thay đổi rõ nét đời sống của bà con vùng cao.

Theo ông Cầm Văn Chính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc tiếp cận KH&CN hiện đại, tiên tiến bằng việc thu hút lao động có trình độ về địa phương. Đồng thời tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Sơn La ngày càng tiến bộ.

                                                                                                      Ánh Tuyết