Bản in
Cây Cao su: “Vàng trắng” Tây Bắc
Sau hơn 2 năm “nhập cư” vào Tây Bắc, những cây Cao su đến từ miền Nam xa xôi đã phủ một màu xanh bạt ngàn trên khắp các triền núi, sườn đồi các huyện Mường La, Sìn Hồ, Phong Thổ Điện Biên… Hứa hẹn mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở nơi đây.

Nảy mầm trên vùng đất khó

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương đưa nền kinh tế Tây Bắc thoát nghèo và phát triển đi lên. Một trong những chủ trương lớn và cấp bách là đưa cây Cao su lên trồng tại các tỉnh nơi đây, loại cây trồng được mệnh danh “vàng trắng” này đã giúp cho Tây Bắc “thay da đổi thịt” từng ngày.

Dự án được khởi động đầu năm 2007 với hơn 70 ha Cao su được trồng  thử nghiệm tại xã Ít Ong (Mường La – Sơn La), vùng đất có khí hậu khắc nghiệt về mùa đông mà cây Cao su là loại cây chịu rét kém, chỉ thích nghi với vùng có điều kiện nhiệt độ ấm và ổn định. Tuy nhiên, trải qua hai đợt rét đậm, rét hại vào cuối năm 2007 đầu 2008, cây Cao su ở Sơn La vẫn phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%. Đến nay, đã có 5 huyện triển khai trồng với tổng diện tích gần 40000 ha. Dự kiến năm 2010  sẽ tiếp tục mở rộng, nâng diện tích đất trồng lên 4.500ha. Đây không chỉ là loại cây công nghiệp dài ngày, có giá trị kinh tế cao, mà còn có tác dụng phòng hộ, chống xói mòn, trở thành cây công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Tây Bắc.

Ông Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lai Châu cho biết: “So với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên thì điều kiện ở khí hậu, thời tiết ở Tây Bắc khắc nghiệt hơn; tuy nhiên, qua hơn hai năm trồng thử nghiệm, cây Cao su vẫn phát triển bình thường, ít sâu bệnh, độ cao đạt tiêu chuẩn. Điển hình như xã Ma Quai – Lai Châu, với diện tích trên 3000 ha, được trồng từ tháng 2008 đến nay cây đã cao 4m30”.

 Những vùng đất đang “thay da đổi thịt”

Được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu, đất đai thuận lợi hơn, tỉnh Lai Châu đã trồng và nhân rộng các giống cao su mới như: RRIV4, GT1, RRIV1… Qua khảo sát cho thấy, đây là những giống có sức chịu lạnh tốt, trồng được trên địa hình khắc nghiệt, mà vẫn cho năng suất cao, trong đó điển hình là Công ty Cổ phần Cao su số 1 Lai Châu năm 2009 đã trồng mới được 2.211ha tại huyện Phong Thổ và Sìn Hồ.

Không chỉ vùng đất Lai Châu, cây cao su cũng đang khẳng định vị thế trên vùng đất Điện Biên khô cằn đầy nắng và gió Lào. Dự kiến năm 2010 Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên sẽ trồng mới 2.100 ha theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung. Dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ trồng được 20.000 ha, mở ra nhiều cơ hội tạo việc làm , thường xuyên và tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động trong vùng dự án và các vùng phụ cận.

Ông Trịnh Văn Chuẩn, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Ít Ong (Mường La – Sơn La) chia sẻ, việc đưa cây Cao su lên trồng tại các tỉnh miền núi Tây Bắc là một trong những giải pháp quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên để làm tốt vấn đề này, tỉnh cần có quy hoạch vùng cụ thể và có những cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân như: hỗ trợ lập phương án bồi thường thu hồi đất; hỗ trợ đào tạo lao động địa phương chuyển đổi ngành nghề khác sang sản xuất Cao su, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ nghiên cứu xây dựng trung tâm sản xuất giống chất lượng cao, vườn ươm giống

Mặc dù dự án phát triển cây cao su còn nhiều khó khăn, song người dân vùng Tây Bắc hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự thành công của dự án. Bắt đầu từ những tín hiệu tốt lành, thành công của dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, không những đem lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn hộ nông dân.

Ánh Tuyết