|
|||
Phát huy lợi thế
Bộ KH&CN đã đưa ra chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển KH-XH nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015” với tổng mức đầu tư lên đến 1.200 tỉ đồng cùng nhiều hoạt động hỗ trợ, ứng dụng chuyển giao công nghệ (khoảng 900 công nghệ mới) cho nông thôn miền núi nhằm thúc đẩy phát triển KH-XH. TS. Nguyễn Quân - Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN khẳng định, Bộ KH&CN luôn ưu tiên đầu tư và hướng các hoạt động KH&CN vào phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, từng bước thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
Cụ thể, trong những năm qua, nhiều thành tựu mới về KH&CN đã được áp dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như: Công nhận và cho sản xuất thử 12 giống lúa thuần (BM 9820, ĐB5, ĐB6…) mang nhiều ưu điểm chống chịu sâu bệnh khá tốt cho năng suất ổn định 7-8 tấn/ha. Bên cạnh đó, đã có 3 giống rau được công nhận chính thức: cà chua VT3 , dưa chuột PC4, giống bí xanh số 1. Nổi bật là mô hình sản xuất cà chua trái vụ với giống VN1 trồng trong nhà plastic tại Sa Pa cho năng suất 80 tấn/ha, giá trị thu là 400 triệu đồng/ha.
Nhiều biện pháp kỹ thuật đã được áp dụng triển khai như: thâm canh tổng hợp trong sản xuất các giống lúa chất lượng, kỹ thuật sản xuất giống ngô lai mới, kỹ thuật sản xuất các loại rau an toàn,… góp phần nâng cao năng suất và sản lượng, hình thành những vùng chuyên canh tập trung cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hoá cao như: cây chè, cây ăn quả, cây công nghiệp.
Ông Hà Văn Quê - Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang - cho biết: Chương trình đã góp phần tích cực làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đưa giống cây trồng vật nuôi mới cho năng suất chất lượng cao, tạo vùng sản xuất hàng hoá, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cần có những bước đi mạnh dạn
Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho vùng núi phía Bắc cần tập trung vào các khâu: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất các nông sản và các mặt hàng còn phải nhập khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; nuôi trồng thuỷ sản gắn với chế biến, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn…
Đặc biệt, cần mạnh dạn chuyển dần từ phương thức nghiên cứu do cán bộ tiến hành nghiên cứu cho nông dân tiến hành, các cơ quan nghiên cứu cần hoàn thiện việc tổ chức hệ thống nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KH&CN gắn với vùng sinh thái khác nhau ở vùng miền núi phía Bắc.
Để hoàn thành được những mục tiêu trên, cần phải có chính sách đãi ngộ phù hợp như, tăng cường đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho hệ thống khuyến nông, có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và ứng dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực giống, công nghệ sinh học, công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Có chính sách khuyến khích ký hợp đồng kinh tế - kỹ thuật giữa nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu triển khai với nông dân hoặc địa phương. |