|
|||
Tuy nhiên, các kết quả đó chưa thật sự tạo ra bước đột phá, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra tại các địa phương. Hoạt động ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH và CN Các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN ở địa phương có nhiệm vụ: Thực hiện việc lựa chọn và tổ chức ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN vào sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường trong tất cả các lĩnh vực KT-XH trên địa bàn, thể hiện được vai trò then chốt đóng góp vào sự phát triển chung của các ngành kinh tế tại địa phương. Trung tâm là nơi nắm bắt được nhu cầu công nghệ, những công nghệ cần có, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để những công nghệ đó có thể được áp dụng đạt hiệu quả, góp phần tích cực cho phát triển KT-XH của địa phương mình. Trung tâm còn là đơn vị đầu mối giúp lãnh đạo Sở KH và CN phối hợp với các nhà khoa học, các tổ chức KH và CN ở Trung ương để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH và CN, tổ chức khảo nghiệm để hoàn thành quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế và áp dụng các thành tựu KH và CN vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống của địa phương. Ðồng thời, còn là nơi tổ chức theo dõi việc thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao và nhân rộng các kết quả từ việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của địa phương. Theo số liệu thống kê của Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ KH và CN) tính đến hết năm 2009, các trung tâm đã ứng dụng được 319 đề tài/dự án (132 đề tài và 187 dự án) vào sản xuất. 34 trung tâm đã làm chủ được một số công nghệ, sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị khác. Thứ nhất, công nghệ nuôi cấy mô tế bào, mô hom sản xuất cây giống sạch bệnh có hiệu quả như: Chuối, cam, mía, hoa lan, bạch đàn... ở Bình Ðịnh, Phú Yên, Lâm Ðồng... Thứ hai, công nghệ vi sinh trong sản xuất nấm ở Sơn La, Thái Nguyên... Thứ ba, công nghệ sản xuất hoa chất lượng cao ở Phú Yên, Bắc Ninh... Thứ tư, công nghệ tiết kiệm năng lượng: Lò nung gạch liên tục kiểu đứng hiệu suất cao giúp nâng cao chất lượng gạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, được ứng dụng rộng rãi ở Hải Dương, Hưng Yên, Ðác Lắc, An Giang...; công nghệ bi-ô-ga xử lý chất thải chăn nuôi làm khí đốt rẻ tiền, góp phần bảo vệ môi trường... được ứng dụng ở nhiều nơi; sử dụng năng lượng mặt trời trong chiếu sáng, đun nước nóng... đang được các trung tâm tiếp thu đưa vào nhân rộng có hiệu quả. Thứ năm, chế phẩm men vi sinh xử lý rác thải nông nghiệp, than bùn làm phân hữu cơ sinh học phục vụ nông nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường. Thứ sáu, ứng dụng vật liệu mới com-pô-dít làm vỏ tàu, thuyền, hệ thống lồng bè nuôi cá, lu chứa nước của Tiền Giang. Ngoài việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KH và CN, các trung tâm đã khai thác tốt hoạt động tư vấn dịch vụ chuyển giao công nghệ. Trong năm năm từ 2004 đến 2009, các trung tâm đã thực hiện 559 hợp đồng chuyển giao công nghệ. Các trung tâm đã tổ chức sản xuất, cung cấp cây giống chất lượng cao, sạch bệnh bằng công nghệ mô hom và nuôi cấy mô; sản xuất chế phẩm sinh học cung cấp cho cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất các thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi trong nông nghiệp và thủy sản; các loại thuốc thử xác định nhanh các loại độc tố trong thực phẩm; thuốc thử hàn the (borat), muối diêm cung cấp cho các cơ quan quản lý ngành... ở địa phương, các trung tâm còn làm nhiệm vụ là đầu mối quan trọng trong việc tham gia thực hiện những nhiệm vụ của trung ương thông qua các chương trình: Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH và CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn và miền núi... và các đề tài/dự án thuộc các chương trình KH và CN khác. Tính đến thời điểm hiện nay, phần lớn trung tâm vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, trạm, trại...) tạo tiền đề cho các bước chuyển đổi hoạt động tiếp theo nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra là phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu - chuyển giao - ứng dụng KH và CN ngày một tốt hơn, đồng thời tạo ra nguồn thu cho đơn vị, bảo đảm 'tự chủ' theo Nghị định 115/2005/NÐ-CP ngày 5-9-2005 của Chính phủ. Mặc dù có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao KH và CN ở địa phương, nhưng các trung tâm chưa được đầu tư một cách đồng bộ, đầy đủ để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, cụ thể: Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trụ sở làm việc của các trung tâm còn chật hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay mới có 35/61 trung tâm có trụ sở từ hai tầng trở lên, 26 trung tâm đang xây dựng trụ sở hoặc đang làm việc ghép. Thiếu trang thiết bị, hoặc thiết bị lạc hậu, không đồng bộ, đa phần chưa có nhà xưởng, trạm, trại thực nghiệm; bình quân mỗi trung tâm có trang thiết bị trị giá khoảng hai tỷ đồng. Thiếu vốn để triển khai thực hiện các đề tài/dự án có tính ứng dụng cao vào thực tiễn, thí điểm chuyển giao công nghệ; nhất là việc triển khai thực hiện ứng dụng và chuyển giao công nghệ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn. Ðội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia công nghệ ở các trung tâm chưa được đào tạo nghiệp vụ và nâng cao trình độ một cách có hệ thống và đầy đủ; thiếu đội ngũ kỹ thuật có kỹ năng và năng lực chuyên môn về công nghệ và chuyển giao công nghệ. Một số kiến nghị, đề xuất Các trung tâm cần chủ động xây dựng các đề án nhằm nâng cao năng lực hoạt động đáp ứng yêu cầu đưa trung tâm trở thành đầu mối ứng dụng tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống của địa phương, có đủ năng lực tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trên địa bàn. Nắm bắt nhu cầu công nghệ trên địa bàn từ đó phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH và CN để lựa chọn các kết quả nghiên cứu, công nghệ phù hợp đưa vào thử nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của địa phương. Hoàn thiện và làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ hoặc ứng dụng sản xuất các sản phẩm có thế mạnh của địa phương để tạo nguồn thu ổn định, phát triển thành doanh nghiệp KH và CN. Tăng cường hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ, kết nối cung - cầu công nghệ, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức xây dựng và thực hiện các dự án KH và CN. Các sở Khoa học và Công nghệ giao, đặt hàng trung tâm một số nhiệm vụ KH và CN tập trung vào hoàn thiện công nghệ, ứng dụng và triển khai thử nghiệm phù hợp với năng lực của trung tâm. Giao cho trung tâm làm đầu mối tổ chức ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH và CN, nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án KH và CN cấp tỉnh có kết quả tốt để thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao. Xây dựng các chương trình KH và CN của địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt, tạo điều kiện để các trung tâm xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ KH và CN có trọng tâm, theo định hướng của địa phương. Tổ chức hoạt động của Quỹ Phát triển KH và CN địa phương để trung tâm khai thác theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu KH và CN vào sản xuất; đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục vụ phát triển KT-XH của địa phương. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn các kỹ năng công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ cho cán bộ của trung tâm; hỗ trợ trung tâm khai thác thông tin KH và CN. Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ có nhiệm vụ tổng hợp thông tin, nắm bắt các khó khăn vướng mắc trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ ở địa phương thông qua hoạt động của các trung tâm, kịp thời tìm các biện pháp tháo gỡ, đề xuất các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ. Cục làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành đề xuất, xây dựng các chương trình KH và CN có mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH và CN vào sản xuất, trong đó xác định các trung tâm đóng vai trò nòng cốt trong công tác tổ chức triển khai tại địa phương. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ KH và CN tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý và chuyển giao công nghệ, tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước cho cán bộ chủ chốt của trung tâm, hướng dẫn trung tâm trong hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Cung cấp thông tin công nghệ, chuyên gia công nghệ để hỗ trợ các trung tâm thực hiện các nhiệm vụ KH và CN trên địa bàn, hướng dẫn các trung tâm xây dựng và đề xuất các nhiệm vụ KH và CN thuộc các chương trình do Bộ KH và CN quản lý.
ND |