Bản in
Đà Nẵng: Xây dựng Trung tâm CNSH, phát triển kinh tế địa phương
Dự án “ Xây dựng và nâng cao năng lực cho Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) Đà Nẵng” được giao cho bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng- Giám đốc Trung tâm CNSH Đà Nẵng chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai.

Nâng cao năng lực nghiên cứu

Theo đó, dự án nhằm nâng cao năng lực quản lý, nghiên cưiú và triển khai của các  Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) trong giai đoạn đầu mới thành lập. Trong thời gian qua, Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan đã hỗ trợ Trung tâm CNSH Đà Nẵng triển khai tiểu dự án “Xây dựng và nâng cao năng lực cho Trung tâm CNSH Đà Nẵng.

Bà Hậu cho biết, trong thời gian qua Sở KH&CN đã triển khai tiểu dự án với nhằm xây dựng một Trung tâm CNSH có đủ năng lực để xây dựng được các định hướng và chiến lược phát triển CNSH của Thành phố trong thời gian 10 năm tới và tầm nhìn xa hơn. Trung tâm này cũng hứa hẹn sẽ đủ mạnh để xây dựng các hồ sơ dự án/chương trình có tính thuyết phục đối với các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Đội ngũ cán bộ của Trung tâm sẽ có đủ năng lực chuyên môn sâu để triển khai nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu các dự án cơ bản trong giai đoạn đầu phát triển Trung tâm. Thông qua đó góp phần tạo thói quen ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống trong cộng đồng doanh nghiệp và dân cư tại Thành phố Đà Nẵng nói riêng và Khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói chung.

Với mục tiêu đó, sau một thời gian thực hiện tiểu dự án đã đạt được kết quả mong đợi. Tiểu dự án đã tổ chức nhiều lớp học tập, bồi dưỡng và trao đổi kinh nghiệm cho các cán bộ tham gia tiểu dự án tại một địa phương có CNSH phát triển như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Lạt và ra nước ngoài học tập tại Phần Lan. Các lớp học này đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng Trung tâm CNSH, đặc biệt trong giai đoạn đầu.

Ông Đỗ Ngọc Minh, Điều phối viên tiểu dự án cho biết, tại Phần Lan, đoàn cán bộ đã đi tham quan và học tập kinh nghiệm tại các đơn vị như: Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan, Công ty Niras, công ty Senson Oy, Trường dạy nghề Sairio, trường Đại học HAMK, MTT Agrifood Reaseach Finland, Trường đại học Helsinki.

Đợt học tập đã giúp cho Trung tâm CNSH có thêm nhiều kinh nghiệm cũng như các bài học bổ ích về phương pháp tổ chức nghiên cứu, các hoạt động sáng tạo, sáng kiến kỹ thuật trong chuyên môn, phương pháp quản lý, phát triển ở một số lĩnh vực công nghệ sinh học…Các kinh nghiệm này thực sự bổ ích và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị trí ngày càng quan trọng của trung tâm CNSH tại thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh hoạt động tổ chức cho cán bộ đi học tập kinh nghiệm, tiểu dự án còn tổ chức những hội thảo với sự giảng dạy của các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực CNSH trong và ngoài nước.

Tiểu dự án cũng tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu có định hướng tại Việt Nam cho cán bộ nghiên cứu thuộc Phòng Công nghệ tế bào thực vật và Phòng Công nghệ Vi sinh của Trung tâm. Tổ chức hội thảo chuyên môn.
Đặc biệt, trong thời gian triển khai tiểu dự án các cán bộ còn được tham dự các hội thảo chuyên đề đổi mới các phương pháp trồng và bảo quản các loại hoa có giá trị cao phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp Đà Nẵng.

Đồng thời, các cán bộ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của trung tâm CNSH đã nắm bắt thêm rất nhiều phương pháp hiện đại trong việc trồng, chăm sóc và bảo quản các loài hoa có giá trị như: Lily, lan Hồ điệp, các loại hoa chậu, hoa trồng thảm, hoa cúc, thược dược, đồng tiền, các loại hoa làm Bonsai…

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Theo đánh giá của nhóm tham gia tiểu dự án thì dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cho Trung tâm CNSH Đà Nẵng, qua đó đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và khu vực miền Trung.  Kết quả của dự án cũng thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ kinh tế, xã hội, đặc biệt trong các ngành như nông lâm ngư nghiệp, bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở chương trình, thông qua các buổi hội thảo, tập huấn, không chỉ các các cán bộ của Trung tâm CNSH mà những cán bộ ở một số đơn vị liên quan khác cũng đăng ký tham gia rất đông đảo, nhờ vậy, nhiều cán bộ đã có được cách nhìn tổng quát về việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất cũng như trong đời sống hàng ngày. Từ đó, đổi mới được cách thức triển khai, quản lý, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Ông Đỗ Ngọc Minh cũng cho rằng, để tiểu dự án đạt kết quả tốt cần thực hiện bám sát kế hoạch gốc, thậm chí số lượt cán bộ và thời gian được cử đi học tập, trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn so với kế hoạch gốc. Điều này sẽ thực sự giúp cho cán bộ của Trung tâm học tập được nhiều hơn các kinh nghiệm, cũng như các mô hình và thông tin hữu ích, có thể được áp dụng tốt và triển khai sớm tại thành phố Đà Nẵng.

Với mục đích chính là nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ nghiên cứu và triển khai của Trung tâm, số lượng cán bộ được cử đi đào tạo kiến thức chuyên sâu cũng được tăng lên. Đặc biệt, trong các lĩnh vực mà trung tâm đang có các định hướng triển khai trong giai đoạn sắp tới như công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào thực vật. Qua đó, đã tạo được thói quen làm việc chuyên nghiệp, năng lực thực hiện cũng như điều hành, quản lý và triển khai cũng được nâng cao một bước rõ rệt.

Dự án TT CNSH sẽ góp phần phát triển kinh tế địa pbhương

Nhóm tham gia dự án kiến nghị, cần phải xây dựng được mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương có dự án do IPP tài trợ và giữa các đơn vị chủ trì các tiểu dự án để có thể chia sẻ kinh nghiệm, học tập và nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Đặc biệt, để đảm bảo cho các dự án thực sự phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển của địa phương thì vai trò của UBND thành phố và Sở KH&CN cần được xác định rõ. Cần có sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan hữu quan của địa phương như UBND thành phố, Sở Tài chính để công tác tài chính được thực hiện hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: H.A