|
|||
Nâng cao kiến thức KH&CN cho người dân Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố TP. Hồ Chí Minh cho biết, với chức năng nhiệm vụ của mình, trong năm qua Hội Nông dân Thành phố tiếp tục tổ chức sinh hoạt lồng ghép nhằm tuyên truyền, phổ biến đến tất cả cán bộ, hội viên, nông dân Thành phố về nội dung Thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học & Công nghệ và Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015. Thông qua đó giúp đông đảo hội viên nông dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là nền sản xuất nông nghiệp đô thị. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, diện tích đất nông nghiệp của Thành phố ngày càng thu hẹp và xen kẽ trong khu dân cư. Để tận dụng tối đa diện tích sản xuất, Hội Nông dân Thành phố đã phối hợp với các ngành tập trung chỉ đạo Hội Nông dân các cấp thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp như đẩy mạnh sản xuất hoa lan, rau sạch, định hướng sản xuất các loại cây con giống chất lượng cao cung cấp cho các tỉnh thành trong nước. Nhiều đề tài nghiên cứu về quy trình sản xuất rau an toàn hay đề tài về công nghệ biến đổi gen trên cây bắp lai đã được Hội Nông dân Thành phố phổ biến đến đông đảo cán bộ, hội viên nông dân, qua đó giúp người nông dân từng bước tiếp cận với các kỹ thuật sản xuất mới, nhận thấy được lợi ích của việc cung cấp các sản phẩm hàng hóa an toàn và có chất lượng cao, tiến tới thay đổi thói quen sản xuất truyền thống không hiệu quả trước đây. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định, các kết quả nghiên cứu khoa học đã được Hội triển khai, đưa vào thực tiễn sản xuất không chỉ bằng các biện pháp chuyển giao, tập huấn mà còn thông qua hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tham quan học tập. Trong năm 2013 Hội Nông dân Thành phố đã phối hợp với các Sở ngành xây dựng 2 đề án tổ chức đưa nông dân đi học tập các mô hình sản xuất tiên tiến trong và ngoài nước. Đề án đã được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận và duyệt kinh phí thực hiện, qua đó có thể giúp nhân rộng các mô hình sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Thông qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân Thành phố phát động, các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật theo các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững (VietGAP) đã từng bước hình thành và phát triển, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Thành phố trên thị trường. Cụ thể trong tháng 8 năm 2013, Hội Nông dân Thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai “Vận động hộ chăn nuôi heo tại Thành phố cam kết chăn nuôi theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP)” với hơn 250 cán bộ, hội viên nông dân tham dự. Tại hội nghị đã hướng dẫn cho các hộ nông dân về quy trình chăn nuôi an toàn, thực hiện ký cam kết trực tiếp và tiếp tục vận động các hộ chăn nuôi còn lại trên địa bàn Thành phố thông qua hình thức tuyên truyền của Hội Nông dân các cấp. Góp phần xây dựng nông thôn mới So với các ngành chăn nuôi khác, chăn nuôi bò sữa là một ngành kinh tế thế mạnh của nông nghiệp Thành phố với sản lượng đàn phát triển khá nhanh và ổn định. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa khiến diện tích đồng cỏ giảm, điều kiện chăn nuôi chật hẹp làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa cũng như sản lượng đàn. Nhận biết được những vấn đề khó khăn này, Hội Nông dân Thành phố đã cùng với Sở KH&CN phối hợp với các ngành thực hiện các đề tài nghiên cứu về giải pháp cải thiện chất lượng sữa cũng như phát triển đàn với sự tham gia của nhiều nhà khoa học. Kết quả đã triển khai được nhiều đề tài về lai tạo giống, quản lý các giống cỏ mới và quy trình trồng cỏ, quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, hệ thống chuồng trại, phổ biến công nghệ chăn nuôi kỹ thuật cao của Israel...đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng sữa bò nguyên liệu của Thành phố. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được Hội chú trọng nhằm phục vụ cho việc chăn nuôi của người nông dân thông qua các lớp tập huấn, dạy nghề với nhiều chủ đề, trình độ khác nhau. Nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa hộ gia đình với quy mô khác nhau cũng được thực hiện. Người chăn nuôi bò sữa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng được nâng cao kỹ năng, kiến thức. Điển hình là tại Hội thi triển lãm giống bò sữa tốt trong những năm qua, số lượng thí sinh tham gia rất đông, các hộ tham gia thi đều thể hiện được sự hiểu biết rất cao của mình đối với kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Qua đó đã cho thấy sự thành công của mô hình kết hợp giữa nghiên cứu và sản xuất thực tiễn, sự liên kết hỗ trợ của nhà khoa học với người nông dân nhằm phục vụ cho sự phát triển của ngành chăn nuôi bò sữa Thành phố. Bên cạnh con bò sữa, cây hoa lan cũng là một thế mạnh của nền nông nghiệp đô thị với tổng diện tích đạt khoảng 210 ha. Với giá trị kinh tế cao, đáp ứng được điều kiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp theo tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của Thành phố, cây hoa lan được người nông dân đầu tư phát triển cả về giống và diện tích. Để giúp người nông dân giảm chi phí đầu tư về giống và cải tiến kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lan nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn, Hội Nông dân Thành phố đã phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu và triển khai phương pháp nhân giống và bảo tồn lan Dendro của Việt Nam bằng công nghệ sinh học. Phương pháp này đã góp phần giảm chi phí đầu tư của người nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế nên khi đưa vào ứng dụng đã được đông đảo hội viên, nông dân hoan nghênh. Không dừng lại ở những mô hình kinh tế cây trồng vật nuôi, Hội Nông dân Thành phố xây dựng định hướng phát triển các làng nghề truyền thống với diện tích nhỏ nhưng nông sản đạt chất lượng cao như: mây tre lá Thái Mỹ, muối Cần Giờ hay bánh tráng Phú Hòa Đông... Các làng nghề đã góp phần duy trì và giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của người dân Thành phố đến bạn bè thế giới thông qua hình thức xuất khẩu sản phẩm và hoạt động du lịch sinh thái, ông Phụng chia sẻ. Ngoài ra, Hội cũng hướng dẫn, khuyến khích và có các hình thức hỗ trợ cho hội viên nông dân tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiến tới xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, tiến tới thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bài, ảnh: Gia Anh |