Bản in
Xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ
Với việc sử dụng hiệu quả chế phẩm Fito Biomixx RR- công nghệ sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ,… đến nay, toàn tỉnh Hải Dương đã có 195/265 xã phường, thị trấn tham gia thực hiện, xử lý được mỗi năm gần 43.850 tấn rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, đạt 46,9% so với kế hoạch, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Gần 800.000 tấn rơm rạ dư thừa mỗi năm 

Tỉnh Hải Dương hiện có diện tích tự nhiên gần 1.660m2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 105.324 ha, diện tích cấy lúa cả năm của tỉnh là 132.000 ha. Tính trung bình mỗi ha có 6 tấn rơm, rạ, với diện tích đó, tổng số rơm rạ hàng năm lên đến gần 800.000 tấn. 

Theo báo cáo khảo sát của Sở KH&CN Hải Dương, hiện người nông dân không còn sử dụng rơm rạ để lợp nhà, đun nấu. Tỉ lệ sử dụng rơm rạ làm chất độn chuồng trong chăn nuôi chiếm khoảng 5%; sử dụng để trồng cây vụ đông khoảng 5% (có địa phương không sử dụng); 90 % lượng rơm rạ dư thừa còn lại (tương đương hơn 710.000 tấn) người dân đem đốt, vứt bừa bãi trên các kênh, mương, đường đi hoặc để lại trên đồng ruộng khoảng.  

Việc đốt rơm rạ tự do của người dân là vấn đề toàn xã hội quan tâm bởi nó gây nguy hại cho môi trường sống, làm hư hỏng đường giao thông, là tiềm ẩn gây tai nạn cho người tham gia giao thông, cản trở hoặc gây tắc nghẽn dòng chảy kênh mương,… Nó cũng phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, một lượng chất hữu cơ rất lớn đã bị đốt thành tro bụi, không được tái tạo độ phì nhiêu cho đất, các khí CO2, CO, CH4, Oxit Nito,… khi đốt sẽ làm ô nhiễm không khí, tiềm ẩn gây bệnh tật cho con người.

Hơn nữa, đốt rơm rạ tập trung có quy mô rộng có sức lan tỏa, gây tác hại rất lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em, người già và người mắc bệnh hô hấp mãn tính do khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng như ho, hắt hơi, ngạt thở,… Trong khi đó xu thế hiện nay là phát triển một nền nông nghiệp bền vững, cần sử dụng nhiều phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Sử dụng hiệu quả chế phẩm Fito Biomixx RR

Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Sở KH&CN Hải Dương cho biết, Sở KH&CN đã phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học thử nghiệm một số loại chế phẩm sinh học phân hủy phân hủy xeluno để xử lý rơm rạ. Kết quả đã kết luận và lựa chọn chế phẩm Fito Biomixx RR (đã được Bộ KH&CN cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích) kèm theo quy trình kỹ thuật của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh. 

Theo đó, để xử lý 01 tấn rơm rạ cần 0,2kg chế phẩm Fito Biomixx RR dạng bột, chất phụ gia là phân đạm Urê 0,2kg, phân lân 2kg (hoặc thay thế bằng N-P-K loại 5 – 10 – 3 là 3 – 4kg) và vật liệu che phủ, độ ẩm đống ủ đạt 80 – 90%. Chi phí nguyên liệu để xử lý 01 tấn rơm rạ là 75.000 đồng. 

Mô hình này đã được triển khai từ năm 2011 tại thành phố Hải Dương và các xã lân cận, tổ chức mô hình trình diễn tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở, người dân về kế hoạch xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp; phổ biến kiến thức, quy trình đến từng xã; đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở để trực tiếp triển khai kế hoạch. 

Theo ông Bình, giai đoạn 2012 – 2015, UBND các huyện, thành phố, thị xã được giao thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đào tạo nhân lực, tuyên truyền và tổ chức thực hiện, cụ thể hóa kế hoạch thực hiện hàng năm, hàng vụ. Sở KH&CN tổng hợp xây dựng kế hoạch từng vụ trình UBND tỉnh phê duyệt cấp nguồn kinh phí, chuẩn bị chế phẩm để cung ứng cho các địa phương thực hiện; tư vấn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật xử lý rơm rạ và sử dụng phân hữu cơ thu được sau khi xử lý. 

Trong giai đoạn 2012 – 2015, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì xử lý quy mô, diện tích đã xử lý và tăng dần diện tích với 60% năm 2013, 80% năm 2014, 100% năm 2015 về diện tích cấy lúa với 50% lượng rơm rạ sau thu hoạch. Đồng thời huy động các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội ở các địa phương phối hợp với vận động nông dân tổ chức xử lý rơm rạ dư thừa thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp để đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn hiện tượng đốt hoặc xả bừa bãi rơm rạ trên đường giao thông, công trình thủy lợi,…  

Giám đốc Sở KH&CN Hải Dương chia sẻ, để triển khai thành công kế hoạch, tỉnh đã rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, đưa thông tin rộng rãi qua nhiều hình thức như đài truyền thanh các xã, báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, website của Sở KH&CN, tạp chí KH&CN, phát tờ rơi, pano,… Cùng với đó, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho gần 22.000 lượt cán bộ về quy trình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ và sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ. 

Đến nay, đã có 195/265 xã phường, thị trấn trong tỉnh tham gia thực hiện xử lý rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, xử lý được mỗi năm gần 43.850 tấn rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, đạt 46,9% so với kế hoạch và đạt 12,2% so với tổng lượng rơm rạ dư thừa của toàn tỉnh.

Hoạt động này đã được người dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Nhiều địa phương còn đưa ra các sáng kiến thay đổi quy trình phù hợp với địa phương mình, nâng cao hiệu quả các đống ủ như sử dụng bèo tây vớt tại sông, kênh mương,… để ủ cùng rơm rạ đảm bảo độ ẩm đống ủ, ít phải đảo ủ, hơn nữa giải quyết được dòng chảy của sông, kênh mương; sử dụng phân gia cầm làm phụ gia; lựa chọn vị trí ủ ngay góc ruộng thuận lợi cho việc thu gom, nhất là vụ xuân đảm bảo đống ủ có độ ẩm và chất lượng tốt,… Mô hình này đã triển khai rất hiệu quả tại Hải Dương và cần được nhân rộng, triển khai tại các địa phương khác trên cả nước, giúp tạo ra lượng phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng độ phì nhiêu đất và đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững.

Hạnh Nguyên