Bản in
Cơ hội thoát nghèo cho cư dân vùng cao nguyên đá
Công viên địa chất có đặc điểm khác biệt với khu vực di sản thiên nhiên, văn hoá là ngoài việc chú trọng đến việc bảo tồn thì tại đây cho phép người dân sinh sống và triển khai các hoạt động phát triển kinh tế bền vững - theo TSKT Trần Tân Văn - Phó Viện trưởng Viện KH Địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT).

Cao nguyên đá Đồng Văn – Mèo Vạc (Hà Giang) vừa được ghi tên trong danh sách Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) hôm 3.10.

Công viên địa chất đầu tiên ở Việt Nam

Công viên địa chất Đồng Văn - Mèo Vạc bao gồm toàn bộ diện tích 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh có diện tích khoảng 2.300km2. 80% diện tích khu vực là đá vôi hình thành từ các điều kiện cổ môi trường… rất có giá trị về lịch sử tiến hóa trái đất. Đây là công viên địa chất được công nhận đầu tiên ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.

Một trong những tiêu chí nằm trong hồ sơ mà GGN đưa ra đó là khu vực đó phải là một thực thể đang hoạt động chứ không đơn thuần là nơi có điều kiện tự nhiên độc đáo và cảnh quan đẹp.

Mạng lưới GGN hoạt động trên nguyên tắc là kết nối, hội nhập, hợp tác giữa các công viên địa chất và hình thành các mối liên kết giữa chúng. Hiện Việt Nam đang tìm kiếm đối tác của Đức để cử chuyên gia qua lại, trao đổi mẫu vật, giúp quảng bá hình ảnh trên các phương tiện của nhau…

Hồ sơ xin gia nhập GGN được thực hiện từ tháng 9.2009 và nộp vào tháng 11.2009. Tuy nhiên cùng thời điểm có nhiều hồ sơ nên tổ chức này đã đặt ra quy định chỉ nhận hồ sơ từ 1.9 - 30.11 hàng năm. Sau vòng sơ loại từ tháng 4-6, GGN sẽ cử chuyên gia đến thẩm định và công bố kết quả vào tháng 9 của năm tiếp theo.

Đến 26.6-3.7.2010, các chuyển gia của GGN đã đến Hà Giang thẩm định thực địa, về khoa học. 3 tháng sau đó, tại Hội nghị công viên địa chất châu Âu lần thứ 9 tổ chức tại Hy Lạp ngày 3.10 Cao nguyên đá Đồng Văn đã chính thức được GGN của Unesco công nhận là thành viên của Mạng lưới công viên địa chất.

… độc đáo, có một không hai


Công viên địa chất có đặc điểm khác biệt với khu vực di sản thiên nhiên, văn hoá là ngoài việc chú trọng đến việc bảo tồn thì tại đây cho phép người dân sinh sống và triển khai các hoạt động phát triển kinh tế bền vững.

Chẳng hạn khu vực đó có mỏ đá vôi, có thể khai thác để làm xi măng sẽ là khai thác không bền vững, nhưng cũng là khai thác mỏ đá vôi nhưng ở quy mô nhỏ, sử dụng vào việc chế tác đồ lưu niệm, tác phẩm nghệ thuật… phục vụ du lịch thì có thể được phép.

Hoặc mỏ vàng vẫn có thể cho phép khai thác, nhưng ở quy mô nhỏ phục vụ cho du lịch…

Khác du lịch có thể tự tay đào, đãi để trải nghiệm thực tế cuộc sống của người khai thác vàng… Các hoạt động này còn có một sự kỳ vọng giúp Hà Giang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển du lịch sinh thái, du lịch địa chất…

Người dân sinh sống trong công viên địa chất có thể làm các hoạt động du lịch như hướng dẫn viên, khôi phục lễ hội truyền thống, bán các sản phẩm của địa phương hoặc cho thuê ngựa, ở nhà dân… để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thoát khỏi đói nghèo.

Lao Động