Bản in
Khoa học công nghệ vùng Đông Nam bộ - “Gắn” nhưng chưa “kết”
Vừa qua, tại Tây Ninh đã diễn ra Hội nghị giao ban khoa học công nghệ (KH-CN) vùng Đông Nam bộ lần thứ XII. Hội nghị thu hút 200 đại biểu đến từ 7 tỉnh, thành phố gồm: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, TPHCM. Tại đây, việc sửa đổi định mức chi từ ngân sách nhà nước, giải pháp công nghệ “trị” cây lục bình, nâng cao khả năng liên kết vùng… là những vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Liên kết chưa bền

Từ năm 2011-2013, các địa phương trong vùng đã chi đầu tư phát triển KH-CN 2.200 tỷ đồng (đã sử dụng 1.700 tỷ đồng) và tổng kinh phí sự nghiệp KH-CN cân đối qua ngân sách địa phương đạt 1.300 tỷ đồng (đã sử dụng hơn 938 tỷ đồng). Triển khai 696 đề tài, dự án thuộc các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp, y dược… Thẩm định được 98 dự án đầu tư, 26 hợp đồng chuyển giao công nghệ, giám định công nghệ 34 đơn vị. Trong đó, TPHCM là đơn vị đi đầu triển khai “Chương trình kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ” với 64 dự án được phê duyệt hỗ trợ lãi vay với tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh cũng có những chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Tuy nhiên, hội nghị cũng chỉ ra việc lồng ghép trên toàn vùng giữa các dự án KH-CN với các chương trình KT-XH khác (xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm…) thời gian qua chưa thực hiện tốt. Đặc biệt, sự đầu tư phát triển, ứng dụng KH-CN thiếu yếu tố liên kết vùng. Dẫn chứng điều này, ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ KH-CN địa phương (Bộ KH-CN), cho biết: Đồng Nai và Tây Ninh có sản lượng nông nghiệp chiếm đến 50% tổng sản lượng của cả vùng Đông Nam bộ nhưng số đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực này khá ít ỏi. Thực tế này cần được giải thích trên các phương diện KT-XH khác nữa, nhưng bước đầu đã cho thấy sự nghịch lý. Đại diện một địa phương khác lại thẳng thắn: Chỉ một đề tài về bệnh trên cây cao su nhưng tỉnh nào cũng có đề tài nghiên cứu với kinh phí gần cả trăm triệu đồng. Cho nên khi trong vùng chưa có nhiều chương trình phối hợp hỗ trợ, dẫn đến nghiên cứu bị chồng chéo, lãng phí và thiếu hiệu quả thực tế.

Qua đây các địa phương kiến nghị Bộ KH-CN phải sớm xây dựng cơ sở dữ liệu đề tài nghiên cứu trong vùng. Các địa phương có nhu cầu ứng dụng dễ dàng tìm được địa chỉ.

Tăng kinh phí, “trị” lục bình

Lục bình phát triển nhanh chóng, trôi nổi gây cản trở giao thông khắp các kênh rạch từ Tây Ninh đổ ra biển. Hầu hết các tuyến sông lớn trong vùng như Thị Tỉnh, Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông gần như tắc nghẽn cục bộ do lục bình. Tàu thuyền không di chuyển được. Đây là thực trạng được các tỉnh, thành nêu lên tại hội nghị. Theo các đại biểu, tình trạng xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chưa có hướng khắc phục triệt để. Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… đã chi ra hàng chục tỷ đồng, sử dụng song song máy móc và sức người nhưng chưa hiệu quả. Tại TPHCM, Giám đốc Sở KH-CN Phan Minh Tân cho biết, TPHCM đã đưa vào ứng dụng thử nghiệm máy cắt lục bình do Trường Đại học Công nghiệp TPHCM chế tạo. Nhưng do thiết kế còn nhiều hạn chế, quá trình di chuyển máy móc gây tốn kém (mất khoảng 40 triệu đồng/km lục bình) nên chưa thể nhân rộng… Đây cũng là một trong những khó khăn trong “liên kết vùng”.

Liên quan đến các quy định về tài chính, lãnh đạo sở KH-CN các tỉnh kiến nghị phải sớm sửa đổi Thông tư 44 của liên bộ Tài chính và KH-CN về quy định hạn mức chi cho các đề tài nghiên cứu, bởi các mức chi đã không còn phù hợp và thiếu nhiều hạng mục mới phát sinh; sớm ban hành cơ chế tài chính mới cho các tổ chức chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định 115 dù nghị định này đã ra đời từ năm 2005… Đặc biệt, kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho KH-CN tuy tăng mỗi năm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại địa phương. Kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KH-CN, giúp giảm sức ép lên “bầu sữa” ngân sách.

Trước ý kiến của các tỉnh thành, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh khẳng định lục bình chiếm dụng lòng sông cần được giải quyết sớm. Bộ xem đó là một vấn đề KH-CN cấp quốc gia, sẽ phối hợp với các tỉnh thành đầu tư kinh phí xây dựng các dự án xử lý và tái sử dụng. Nhưng các địa phương trong vùng cần chú trọng triển khai các hoạt động gắn liền với đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Lấy sản phẩm công nghệ tại doanh nghiệp làm sản phẩm chủ lực cho địa phương… tiến tới liên kết và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức KH-CN cho các địa phương khác trong vùng.