Bản in
Gia Lai: Anh nông dân chế tạo máy cày tời tiết kiệm hàng tỷ đồng cho người dân
Trình độ tốt nghiệp lớp 9 và không biết tí gì về cơ khí, anh Văn Tấn Đức ở Chư Prông (Gia Lai) đã mày mò sáng tạo thành công chiếc máy cày tời, giúp anh mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng và làm lợi cho bà con nông dân trong vùng hàng tỉ đồng.

Nghĩ là làm

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất chuyên canh các loại cây công nghiệp dài ngày, anh Văn Tấn Đức (SN 1976, trú thôn Bình An, xã Bàu Cạn, Chư Prông, Gia Lai) vốn là một người làm thuê bằng nghề cuốc lật đất, ép luống xanh cho cây của các chủ vườn chè và cà phê để kiếm sống. Hàng ngày, anh Đức phải chui vào giữa luống chè và cà phê cuốc đất trong những cơn mưa dầm dề của 3 tháng cuối mùa mưa, và cái nắng gắt của 3 tháng đầu mùa khô Tây Nguyên khiến anh mất rất nhiều sức mà hiệu quả công việc lại không cao. Chính sự vất vả đó đã luôn thôi thúc anh Đức phải chế tạo ra một loại máy để tiết kiệm sức người.

Sau nhiều năm suy nghĩ, anh quyết định phải chế tạo ra chiếc máy cày có thể luồn được vào giữa các gốc cây để cày đất. Nghĩ là làm, mặc cho vợ và cha mẹ khuyên ngăn, anh Đức dùng số tiền ít ỏi dành dụm được từ việc làm thuê, đi khắp nơi mua sắt phế liệu về sáng chế máy cày.

Nhưng ngặt nỗi anh không hề biết gì về máy móc, lại chưa được đào tạo qua một chút gì về cơ khí, mọi thứ với anh rất mù mờ, anh Đức đã lân la đến những tiệm cơ khí trên địa bàn học "lỏm": “Để chế tạo được đầu máy kéo, tôi cần học được những thông số đổi cái nhông, bộ số đổi lực… tất cả những nguyên lý này tôi chỉ nghe người ta kể lại rồi mua những đầu máy từ chỗ bán phế liệu về nhà tự lần mò làm. Không có nhiều vốn, tôi phải mua than, mua sắt, mua máy hàn về tự mày mò rèn lưỡi cày, hàn máy…”, anh Đức kể.

Sau chừng 1 năm mày mò, anh Đức hân hoan mang chiếc máy cày đầu tiên ra vườn chè cày thử. Chiếc máy bắt đầu hoạt động đã khiến anh thất vọng nặng nề vì chiếc máy cày không trụ nổi sức kéo, cày không ăn đất, lật phăng ngay đường cày đầu tiên và biến thành đống sắt vụn như ban đầu.

 

Thấy anh Đức thất bại, vợ và cha mẹ anh khuyên anh nên bỏ. Hoàn cảnh gia đình anh lúc bấy giờ khá khó khăn. Không chỉ vậy, hầu hết số tiền anh làm thuê được đều dành cho việc mua… phế liệu về chế tạo máy.

“Thua keo này, bày keo khác”, anh Đức không nản lòng, đầu óc anh lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cách khắc phục lại chiếc máy. Và đường cày đầu tiên của “đứa con” đã giúp anh ngộ ra một điều: do côn trong xe không chịu đủ tải, không chịu được nhiệt… Mà những thứ này anh đều dùng từ một chiếc đầu máy xe công nông. Để cày có thể tự động ăn đất, anh phải dùng các bộ phận máy móc từ cái xác xe 3- 4 tấn sản xuất theo công nghệ Nhật Bản.

 

Khó khăn nhất là lưỡi cày tời cày được mọi địa hình

Lưỡi cày tời cày được mọi địa hình.

Để trụ được máy, anh sáng chế ra bộ chân chống. Nhưng cũng phải nhiều lần thí nghiệm thì anh mới có bộ chân chống thành công. Rồi đến lượt chiếc dây cáp liên tục bị đứt, để khắc phục nó, anh phải cho trục cuốn dây vào đằng dưới máy. Khó nhất phải kể đến đó là việc chế hộp số, bộ côn rời, chế lại các bánh răng để làm chậm lại vòng tua, tạo lực cho máy. Chỉ vài tháng sau, một “đứa con” mới của anh đã ra đời, lúc này, chiếc đầu máy khá ổn, nhưng lưỡi cày thì không chịu ăn đất.

Nghĩ rằng, lưỡi cày là đơn giản nhất nhưng thực chất nó lại là thứ khó chế tạo nhất. Phải mất cả năm trời mày mò, với hàng chục chiếc cày làm ra mang đi “thí nghiệm” anh Đức mới chế tạo thành công chiếc cày tời: “Quan trọng nhất là những thông số về độ cong, nghiêng của cái cày, chỉ cần chệch vài độ là cày không ăn đất rồi”, anh Đức tiết lộ.

Đi cày vê, thu trăm triệu đồng mỗi tháng

Chế tạo đầu máy kéo thì có thể học qua lời kể của một số người có kinh nghiệm, nhưng để tạo ra cái cày thì quả rất khó, bởi từ trước đến nay chưa ai chế tạo ra lưỡi cày tời. Mỗi lần lưỡi cày đụng vào rễ cây lớn là gãy, cày một đoạn dính nhiều mùn là dừng, một sáng kiến chợt lóe lên trong đầu anh Đức: cần phải có 1 cái dao cắt rễ cây. Và anh nghĩ ra ngay cái kéo cắt cành cà phê, đây là một loại kéo có độ nghiêng khá đặc biệt, sắc và chịu lực tốt.

Dựa vào các thông số từ cái kéo cắt cà phê, anh Đức đã tự mình rèn ra 2 lưỡi dao gắn vào lưỡi cày để cắt rễ cây. Sau 3 năm, với nhiều lần thất bại trên hàng chục chiếc cày bị hư cùng với 40 triệu đồng tiền vốn cho công cuộc chế tạo máy móc, cuối cùng anh Đức đã tự mình chế tạo ra một chiếc máy cày tời rất hiệu quả.

Trước đây, để cuốc lật đất, ép luống xanh cho 1 héc ta cây chè và cây cà phê thì mỗi gia đình phải thuê mất 20 công làm bằng sức người, mà chất lượng lại không cao vì cuốc không được sâu và nếu gặp rễ cây lớn thì phải mất rất nhiều thời gian và tốn nhiều tiền thuê nhân công. Nhưng 7 năm lại đây, từ khi chiếc cày tời của anh Đức được chế tạo thành công, mỗi ngày chỉ cần 3 nhân công cùng với cái cày tời của anh Đức thì đã làm xong 2 héc ta đất, mà giá thành lại rẻ hơn nhiều lần so với sức người làm, đất được cuốc lật sâu hơn.

“Với cây chè và cây cà phê, để kéo dài tuổi thọ cũng như năng suất được ổn định thì cần phải cải tạo đất bằng cách lật đất, ép luống xanh. Vì vậy, việc cái máy cày tời của anh Đức ra đời đã giúp ích rất nhiều cho bà con ở nông trường chè Bàu Cạn, và các hộ trồng cà phê trong vùng”, một nông dân tên Thìn ở thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn cho biết. Với công dụng trên, chiếc máy cày tời của anh Đức không chỉ giúp làm lợi cho bà con nông dân ở huyện Chư Prông mà cả bà con các huyện lân cận tiết kiệm được nhiều tỉ đồng mỗi năm. Mà nó còn giúp kinh tế gia đình anh Đức trở nên khá giả hơn nhiều bà con trong vùng, với mỗi tháng anh thu về cả trăm triệu từ việc đi cày thuê.

 

Những ngày nông nhàn của anh Đức bên hồ câu cá

Những ngày nông nhàn của anh Đức bên hồ câu cá.

Từ khi thấy chiếc cày tời của anh Đức đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ nhân và bà con nông dân, một số người trong xã Bàu Cạn đã bắt chiếc anh Đức chế tạo ra máy cày tời, dù đã được anh Đức chỉ dẫn nhiệt tình nhưng những chiếc máy không những không hoạt động được mà nó còn gây họa cho chủ.

Được biết, để chế tạo ra chiếc cày tời, anh Đức đã phải trải qua rất nhiều công đoạn khó khăn với nhiều thất bại, không chỉ vậy anh còn gặp nhiều nguy hiểm trong mỗi lần mang máy ra làm thí nghiệm. Nhưng không vì thế mà anh giấu thành quả cho riêng mình, anh đã tạo ra 5 chiếc máy khác cho một số người dân trong vùng giúp họ làm giàu: “Ở đây nhiều người bắt chước tôi làm đã gặp nguy hiểm và chưa ai làm thành công. Trước đây, mỗi lần thử máy rất là nguy hiểm khi máy bị lật, tôi phải nhảy thật nhanh chứ không đã mất mạng rồi. Mỗi chiếc máy làm ra phải mất khoảng 50 triệu, ở đây bạn bè, anh em muốn làm tôi đều dạy cho họ làm, tạo công ăn việc làm cho họ. Ưu điểm của cái máy này nó không chỉ cày được ở mọi địa hình, cày đất sâu mà nó đặc biệt tốn rất ít nhiên liệu, 1,5 héc ta đất chỉ mất khoảng 150 nghìn tiền dầu nên rất lợi về kinh tế. Mỗi 1 héc ta, phải mất 3 công người điều khiển máy với 1 cái cày, 1 đầu máy và 130 mét dây tời”, anh Đức bộc bạch.

Sau khi chiếc máy cày tời được chế tạo thành công, kinh tế gia đình anh Đức từ hộ nghèo đã trở thành khá giả, mái ấm gia đình anh cũng rất hạnh phúc với 2 đứa con (con gái đầu 17 tuổi và cậu con trai năm nay 4 tuổi).