Bản in
Khoa học công nghệ quận, huyện - Thiếu và yếu
Từ năm 2008, mỗi phòng kinh tế quận, huyện trên địa bàn TPHCM được bố trí 1 - 2 cán bộ chuyên trách về khoa học công nghệ (KH-CN). Chức năng chính gồm hỗ trợ sở hữu trí tuệ, thanh kiểm tra tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và triển khai ứng dụng thành tựu KH-CN mới tại cơ sở. Dù vậy, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện đã chỉ ra nhiều hạn chế: số đề tài nghiên cứu ứng dụng chưa nhiều; công tác thanh, kiểm tra còn trùng lặp… Ngoài thiếu kinh phí, việc bố trí cán bộ chưa đủ năng lực được xác định là nguyên nhân chính.

Thiếu ứng dụng

Thông tin từ Sở KH-CN TPHCM cho biết, ở 24 quận, huyện đã bố trí đầy đủ nhân sự phụ trách về KH-CN. Trong đó, mỗi quận, huyện được thành lập tổ KH-CN và môi trường bao gồm một phó chủ tịch quận - huyện, một trưởng/phó phòng kinh tế và một chuyên viên phụ trách chính.

Trong năm 2012, các quận, huyện đã tổ chức được 140 lớp tập huấn cho hơn 17.000 lượt người tham dự, gồm các đối tượng khác nhau như người dân, tiểu thương, doanh nghiệp, cán bộ công chức; kiểm tra 2.576 doanh nghiệp, hộ kinh doanh với các nội dung chính như kiểm tra tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định phương tiện cân đo xăng dầu, nón bảo hiểm, hàng đóng gói sẵn… Đồng thời, cũng kiểm định được gần 9.000 cân thông dụng của tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP. Tuy nhiên, sở cũng thẳng thắn thừa nhận các hoạt động thanh kiểm tra chỉ dừng ở mức kiểm tra tính pháp lý của các đối tượng quản lý (cân kỹ thuật, trụ bơm xăng dầu, nón bảo hiểm, đồ chơi trẻ em...).

Trong khi đó, theo nhiều quận huyện, con số trên chỉ là phần nổi trong các chức năng mà cán bộ KH-CN tại quận huyện phải thực hiện. Đơn cử như nhiệm vụ triển khai ứng dụng đề tài, công trình nghiên cứu về địa phương. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất nhằm đưa các tiến bộ KH-CN đến gần hơn với đời sống cơ sở nhưng đến nay vẫn mờ nhạt. Trong số khoảng hơn 3.000 công trình nghiên cứu từ các viện, trường mà Phòng Quản lý KH-CN cơ sở thu thập được, chỉ một số ít trong đó được ứng dụng.

Đơn cử như xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Sữa Củ Chi” cho UBND huyện Củ Chi; hệ thống quản lý chất thải rắn cho các phòng tài nguyên - môi trường quận: 7, 10, Gò Vấp; thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng dân lập trên địa bàn phường 8, quận 6… Trong số này, có những đề tài đã thực hiện được nhiều năm nhưng thiếu cán bộ kỹ thuật có chuyên môn tại cơ sở nên đành phải nằm chờ.

Không định danh, khó thực hiện

Tại hội nghị triển khai hoạt động KH-CN quận huyện năm 2013 vừa diễn ra, chị Lê Thị Ngọc Hương, cán bộ KH-CN quận Bình Tân, bày tỏ: “Các hoạt động kiểm tra chưa hiệu quả do sự trùng lắp trong kiểm tra của các đơn vị chức năng. Chỉ riêng việc kiểm tra chất lượng nón bảo hiểm, ngoài phòng kinh tế quận - huyện, còn có thêm Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP; Thanh tra Sở KH-CN TP. Nhiều khi các đoàn đi kiểm tra rồi, phòng kinh tế lại tiếp tục kiểm tra, gây lãng phí nhân lực và phiền toái cho doanh nghiệp.

Chưa kể, để thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra, cán bộ KH-CN quận huyện phải có chuyên môn trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường, phải có các thiết bị đo chuẩn. Nhưng đến nay, cán bộ KH-CN chưa đầy đủ yếu tố đó”.

Ông Trần Thu Bích, Trưởng phòng Quản lý KH-CN cơ sở, cho rằng, xảy ra tình trạng như vậy là do chưa có văn bản pháp luật định danh rõ ràng chuyên môn, nhiệm vụ của cán bộ KH-CN quận huyện. Đến nay, chỉ có Thông tư liên tịch 05 (Bộ KH-CN ký kết với Bộ Tài chính) chỉ ra 9 nhiệm vụ và chức năng của cán bộ KH-CN quận, huyện nhưng chưa cụ thể và rõ ràng. Chỉ thị 30 của UBND TPHCM ban hành năm 2007 về tăng cường hoạt động KH-CN cấp quận huyện cũng ở tình trạng tương tự.

Theo ông Bích, đến nay, hầu hết các tỉnh, thành đều có phòng quản lý KH-CN cơ sở và cán bộ KH-CN quận huyện. Việc định danh không rõ ràng dẫn đến phân bổ cán bộ cũng chưa đạt yêu cầu. Trên thực tế, cán bộ được bố trí quản lý KH-CN tại quận, huyện hiện nay chủ yếu có sẵn từ các phòng kinh tế. Trình độ chuyên môn về KH-CN thiếu và yếu. Mỗi năm Sở KH-CN tổ chức tập huấn để bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nhưng khó lòng đầy đủ được.