|
|||
Đưa KH&CN đến với người trồng ca cao Cây ca cao là loài thực vật có thể chịu được điều kiện bóng râm nên trồng xen được với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Thực tế cho thấy các mô hình trồng xen cây ca cao với dừa, nhãn, cây có múi và các cây lấy gỗ khác làm tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích canh tác. Điều này phù hợp với chủ trương chung của đảng và nhà nước về đa dạng hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng tính bền vững trong canh tác nông nghiệp. Cây ca cao với giá cả và thị trường tương đối ổn định đã từng bước được trồng và phát triển nhanh ở một số tỉnh phía Nam. Bà Lê Mỹ Hạnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, để đa dạng hóa cây trồng và tăng sản phẩm cây công nghiệp của tỉnh với chất lượng tốt, năng suất cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân, từ tháng 4/2009 – tháng 10/2012, Bộ KH&CN đã hỗ trợ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN Hậu Giang thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng ca cao (Theobroma cacao L.) trồng xen cây trong vườn cây lâu năm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở Hậu Giang”. Dự án được thực hiện với kinh phí là 3 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp của ngân sách địa phương; ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương và nhiều nguồn đầu tư khác. Các cơ quan chuyển giao công nghệ cho dự án là các trường đại học Cần Thơ và đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh – các đơn vị có nhiều chương trình và các chuyên gia nghiên cứu về cây ca cao và đã làm chủ các công nghệ về sản xuất, canh tác cây ca cao, có đủ điều kiện để chuyển giao công nghệ cho nhóm dự án. Những cây ca cao do các trường đại học này cung cấp được Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh và hợp tác xã nông nghiệp Phúc Anh lấy mắt ghép tạo cây giống ca cao sạch bệnh cho dự án dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của bên chuyển giao kỹ thuật. Dự án đã được triển khai tại 05 huyện, thành phố của tỉnh Hậu Giang, nơi mà người dân có diện tích vườn cây lâu năm như dừa, nhãn, xoài,… và vườn tạp kém hiệu quả với quy mô 150 ha mô hình trồng xen ca cao trong vườn cây lâu năm ở Hậu Giang. Đem lại hiệu quả kinh tế cao Sau 3 năm thực hiện, dự án đã gặt hái được một số thành công nhất định. Dự án đã tuyển chọn và đào tạo được 8 kỹ thuật viên cơ sở tại đại học Nông lâm TP. HCM. Trong số 8 kỹ thuật viên được đào tạo thì có 1 kỹ thuật viên về công nghệ kiểm tra, tuyển chọn cây giống và 7 kỹ thuật viên về sản xuất giống, chuyên canh chăm sóc, bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại tổng hợp, thu hoạch và bảo quản. Bên cạnh đó, dự án còn tiếp nhận 5 qui trình công nghệ từ trường đại học Cần Thơ, đó là quy trình công nghệ nhân giống vô tính bằng cách tháp trên cây con; quy trình công nghệ trồng và chăm sóc cây ca cao xen canh trong vườn cây lâu năm; quy trình công nghệ quản lý dịch hại tổng hợp sâu bệnh trên cây ca cao; quy trình công nghệ sơ chế hạt ca cao sau thu hoạch và quy trình công nghệ sấy hạt bằng năng lượng mặt trời. Dự án đã cung cấp cây ca cao sạch bệnh, thích nghi tốt trong điều kiện Đồng bằng Sông Cửu Long cho nông dân trong dự án, xây dựng mô hình trồng cây ca cao xen trong vườn cây ăn trái hoặc cây tạp với diện tích 150 ha, cụ thể như tại huyện Phụng Hiệp 110.12 ha; huyện Châu Thành A 14.5 ha; huyện Châu Thành 7.33 ha; huyện Long Mỹ 10.97 ha; thành phố Vị Thanh 7.1 ha. Các giống cây đã được chọn là các giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép rộng rãi tại Việt Nam (TĐ1, TĐ2, TĐ6, TĐ8, TDD10, TDD14). Theo ghi nhận của dự án thì năng suất những cây ca cao đầu tiên được dự án cung cấp cho người dân trồng đến nay sau 3 năm đã bắt đầu cho trái, năng suất ước tính từ 1 – 1,25 tấn hạt khô/ha/năm. Tại thời điểm cuối năm 2012, đầu năm 2013, giá hạt ca cao khô dao động trên thị trường là 51.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi hecta tăng thêm từ 51.000.000 đồng – 63.750.000 đồng, 150 ha sẽ thu được 7.650.000.000 – 9.562.500.000 đồng. Nếu tính trừ chi phí dự án là 3000.000.000 đồng thì nông dân còn lãi từ hơn 4 – 6 tỷ đồng. Như vậy mỗi hécta trồng xen thêm ca cao người dân sẽ thu thêm từ 31 – 43 triệu đồng mà không ảnh hưởng gì đến cây trồng chính. Bà Lê Mỹ Hạnh, Chủ nhiệm dự án cho biết, cùng với việc triển khai dự án, cơ quan chủ trì đã tổ chức thu mua sản phẩm trái ca cao cho nông dân tham gia dự án và trong vùng dự án. Các nông dân trồng ca cao sẽ lập thành các nhóm sản xuất, cử đại diện nhóm chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật và làm đầu mối thu gom sản phẩm trong nhóm rồi bán lại cho các hợp tác xã nông nghiệp tham gia dự án như hợp tác xã Phúc Lai, Hợp tác xã Phúc Anh. Các hợp tác xã này sẽ gom sản phẩm ca cao toàn tỉnh rồi bán lại cho các công ty chuyên kinh doanh mặt hàng ca cao như Cargill, Thành Phát,… Đại diện Sở KH&CN tỉnh Hậu Giang cho biết, ngay sau khi kết thúc dự án, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN Hậu Giang lại tiếp tục thực hiện dự án “Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng dừa uống nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Trong khuôn khổ dự án này Trung tâm đã xây dựng thêm 30ha ca cao trồng xen với uống nước, qua đó góp phần mở rộng diện tích ca cao, đồng thời cũng giới thiệu đến nông dân một trong những mô hình trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhóm dự án cho rằng, để nhân rộng mô hình và phát triển ngành sản xuất ca cao theo hướng bền vững thì rất cần sự liên kết chặt chẽ của nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học và người nông dân. Trong 4 yếu tố này thì nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong quy hoạch phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn,…các nhà doanh nghiệp phát triển mạng lưới thu mua; các nhà khoa học hoàn thiện các quy trình, tạo lập cơ cấu giống, quy trình sản xuất tốt,… để nông dân nhanh chóng tiếp thu những tiến bộ khoa học mới vào sản xuất tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Hoàng Anh |