Bản in
Nuôi cá lồng kỹ thuật cao: Hướng làm giàu mới cho nông dân
Đây là kết quả thuộc đề tài cấp tỉnh “Thử nghiệm mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt có hiệu quả kinh tế ở hồ Hòa Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Tận dụng tiềm năng của địa phương

Theo thống kê của Thừa Thiên – Huế, toàn tỉnh có hơn 40 hồ chứa lớn nhỏ và hiện nay đang tiếp tục xây dựng thêm một số hồ mới. Các hồ chứa này đều có khả năng khai thác để nuôi trồng thủy sản nhưng trên thực tế mới chỉ dừng lại ở khai thác thủy điện. Tuy người dân có thả cá nhưng không tự phát và nuôi theo phương pháp quảng canh để tận dụng thức ăn tự nhiên nên hiệu quả kinh tế còn thấp.

Trước thực tế đó, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nông Lâm Huế đã thử nghiệm mô hình nuôi cá rô phi vằn đơn tính dòng GIFT và cá trắm cỏ  trong các lồng lưới tại hồ chứa nước Hòa Mỹ, huyện Phong Điền. Đây là hai loại cá quen thuộc của người dân các địa phương ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Việc nuôi các đối tượng này tương đối đơn giản, chi phí đầu tư thấp nên đã góp phần làm tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Đề tài đã tiến hành thử nghiệm tại hồ chứa nước Hòa Mỹ, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền với hai giống cá đã được lựa chọn từ Trung tâm giống thủy sản nước ngọt cấp 1 tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Mỗi loài cá được nuôi riêng biệt trong các lồng lưới, mỗi lồng có kích thước 4m x 3m x 2m. Các lồng được kết với nhau thành cụm lồng (còn gọi là bè) và cố định vào khung bè để có hình dạng ổn định. Các lồng nổi khỏi mặt nước khoảng 30-40cm nhờ vào các phao nhựa gắn chắc vào dàn khung bè.

Đối với mô hình nuôi cá rô phi vằn, cá rô phi vằn dòng GIFT được nuôi 2 vụ, mỗi vụ nuôi trong 2 lồng lưới. Mỗi vụ cá được nuôi bằng 2 loại thức ăn khác nhau, trong đó lồng thứ nhất nuôi bằng thức ăn viên nổi; lồng thứ hai nuôi bằng thức ăn tự phối trộn chuyên dùng cho cá rô phi theo công thức của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. Mật độ thả giống là 70 con/m3 nước. Thời gian nuôi thí nghiệm đối với vụ thứ nhất từ 1/10/2010-29/4/2011; vụ thứ hai từ 15/3/2011-30/9/2011. Trong quá trình thực hiện đề tài, thường xuyên theo dõi biến động của các yếu tố môi trường nước và hoạt động của cá tại các lồng thí nghiệm.

Đối với mô hình nuôi cá trắm cỏ, cá trắm cỏ được nuôi trong hai lồng lưới đặt nổi trong hồ Hòa Mỹ. Cá giống được lấy từ Trung tâm giống thủy sản nước ngọt cấp I, có trọng lượng trung bình 42,5g/con, mật độ giống thả là 30 con/m3. Cá được cho ăn bằng thức ăn xanh (lá sắn, chuối, rong, cỏ…) với lượng thỏa mãn theo nhu cầu, ngoài ra có bổ sung thêm một lượng nhỏ cám gạo để cá có đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi biến động của các yếu tố môi trường và hoạt động sống của cá để có biện pháp xử lý thích hợp. Thời gian thí nghiệm từ 1/10/2010 đến 30/9/2011.

Nhân rộng kết quả nghiên cứu

Về tăng trưởng trọng lượng của cá rô phi vằn nuôi bằng các loại thức ăn khác nhau, kết quả theo dõi tốc độ tăng trọng của cá rô phi ở các vụ nuôi bằng thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế biến cho thấy, cá rô phi vằn nuôi ở cả hai vụ đạt tỷ lệ sống trung bình là 90%, và tăng trọng của cá khá đều theo thời gian. Ở vụ nuôi thứ nhất, cá giống khi mới thả có trọng lượng trung bình là 7g/con, sau gần 7 tháng nuôi đã đạt trọng lượng trung bình là 360,2g/con và 320,3/con. Nhìn chung, với điều kiện thời tiết ít thuận lợi (nhiệt độ môi trường xuống thấp vào thời gian đông-xuân) nên với tốc độ tăng trưởng này là phù hợp với thực tế sản xuất.

Ở vụ thứ hai, cá nuôi 6 tháng, mặc dù kích cỡ cá giống thả chỉ bằng ½ so với vụ thứ nhất (3,5g/con) nhưng trọng lượng cá khi thu hoạch cao hơn so với vụ thứ nhất. Điều này cho thấy cá nuôi trong vụ II có nhiệt độ nước trung bình cao hơn so với vụ I, đây là ngưỡng nhiệt độ thích hợp cho cá rô phi phát triển, nên cá bắt mồi mạnh, và tốc độ tăng trọng cao hơn.

Từ kết quả trên cho thấy, nuôi cá rô phi vằn trong lồng ở sông và hồ chứa đã được thực hiện từ khá lâu ở trên toàn quốc. Việc nuôi đối tượng này khá đơn giản và không tốn nhiều công lao động, chi phí lớn nhất cho thử nghiệm này là tiền mua thức ăn.

Đối với kết quả thí nghiệm nuôi cá trắm cỏ, cá trắm cỏ phát triển tốt ngay từ khi vừa mới thả giống. Do có nguồn thức ăn đầy đủ, điều kiện môi trường thích hợp nên tốc độ tăng trưởng của cá khá cao. Nhìn chung, trọng lượng trung bình của cá trắm cỏ giữa 2 lồng gần như không có sự chênh lệch, điều này cho thấy kết quả của thí nghiệm là tương đối chính xác. So với cá nuôi ở các hình thức khác thì sự tăng trọng của cá trắm cỏ nuôi ở hồ chứa là tương đương với cá trắm cỏ nuôi ở trong ao và trong lồng trên sông. Cá rô phi là loài dễ nuôi, chi phí và rủi ro thấp nên nếu nuôi với số lượng lớn hơn sẽ đưa lại nguồn thu hợp lý cho người sản xuất.

Ngoài ra, nuôi cá trắm cỏ ở hồ chứa Hòa Mỹ khá thuận lợi do môi trường thông thoáng, nguồn cung cấp thức ăn dồi dào, cá tăng trưởng nhanh. Cá trắm cỏ sau 1 năm nuôi đã đạt trọng lượng trung bình từ 1.355-1.360g/con. Thử nghiệm nuôi cá trắm cỏ đã cho lãi ròng là 11,5 triệu đồng/2 lồng nuôi; tỷ lệ lãi/vốn là 51,7%, tương ứng với 4,31%/tháng.

Từ kết quả trên, ông Phi Nam, đại diện nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra kiến nghị rằng, hiện nay do yêu cầu về bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nên việc các hộ dân có nhu cầu phát triển nuôi cá ở khu vực lòng hồ gặp nhiều khó khăn nên cần có chính sánh cởi mở hơn để người dân có thể đầu tư phát triển lồng nuôi cá ở khu vực lòng hồ.

H.A