Bản in
Đưa khoa học và công nghệ về nông thôn
Được coi là một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Đồng Nai là địa bàn nhiều tiềm năng để tranh thủ các cơ hội đầu tư, các nguồn chuyển giao công nghệ; đồng thời có lợi thế trong việc tiếp nhận chuyển giao các công nghệ.

Sau 10 năm nhìn lại (2003-2013), từ mô hình ban đầu là 12 Điểm Thông tin, nay Đồng Nai đã phát triển lên tới trên 100 Điểm, bổ sung thêm hàng chục nghìn công nghệ, hàng nghìn phim khoa học mới và nhiều chương trình phần mềm hữu ích phục vụ thiết thực cho người dân.

Kết quả này sẽ là điều kiện thuận lợi để Đồng Nai đạt được mục tiêu nhân rộng tới 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có Điểm thông tin KH&CN.

Xây dựng tiềm lực công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp

Mặc dù trong những năm qua Đồng Nai có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng tăng cao, song điều kiện tiếp cận với khoa học kỹ thuật và công nghệ mới còn hạn chế, đặc biệt trong giai đoạn từ những năm 2003 trở về trước.

Trong 10 năm qua ngành KH&CN Đồng Nai đã ưu tiên tập trung xây dựng tiềm lực công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn với phương châm "Đưa khoa học đến tận nhà, không để nông dân phải đi xa"; "Thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị"… với mục tiêu nâng cao đời sống tri thức cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách về trình độ KH&CN cho mọi người dân, đặc biệt là nông dân ở những vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Từ cuối năm 2003, Sở KH&CN Đồng Nai bắt tay vào việc phối hợp nghiên cứu giải pháp thực hiện mục tiêu đưa khoa học về phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn với điểm "xuất phát" bắt đầu từ những vùng sâu, xa nhất trong tỉnh bằng với dự án đầu tiên là "Xây dựng mô hình cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Đồng Nai".

Việc triển khai Dự án là sự thử nghiệm và bước đột phá đầu tiên trong việc cung cấp thông tin KH&CN đến người dùng tin trực tiếp là các cư dân sống và làm việc trên các địa bàn phường, xã của tỉnh Đồng Nai và được đặt trong khuôn khổ một chương trình KH&CN trọng điểm của quốc gia.

Đây là hướng đi đúng đắn và thiết thực, do vậy ngay từ đầu dự án đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ủng hộ về chủ trương; Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về quy trình và một số cơ sở dữ liệu (CSDL) ban đầu để Sở tiến hành triển khai thành công dự án mang tính chất mô hình.

Sau 2 năm tổng kết hiệu quả của dự án mô hình và căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các các địa phương; ngày 27/9/2005, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có văn bản số 6109/UBND-NL về việc chấp thuận chủ trương cung cấp thông tin KH&CN cho 44 trung tâm học tập cộng đồng.

Trên cơ sở từ dự án mô hình ban đầu với sự hỗ trợ về công nghệ của Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ Quốc gia (nay là Cục Thông tin khoa học công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ); sau khi có chủ trương nhân rộng của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương triển khai dự án theo hướng chủ động hoàn toàn về công tác triển khai cũng như trong nghiên cứu bổ sung, xây dựng nâng cấp nguồn CSDL mới cả số lượng, nội dung và hình thức nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế, bảo đảm sự phù hợp với đặc thù riêng của địa phương.

Từ nguồn CSDL ban đầu do Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ Quốc gia chuyển giao, Sở đã cập nhật thêm trên 60.000 công nghệ, trên 6.000 phim khoa học công nghệ mới các loại, trong đó có trên 3.000 phim về công nghệ nông thôn; ngoài ra Thư viện điện tử còn được bổ sung thêm phần mềm chữ ký điện tử và mã hoá dữ liệu + 01 khoá điện tử (USK); phần mềm 10 vạn CSDL hỏi đáp về khoa học và đời sống; website của các xã đã được bổ sung thêm phiên bản tiếng Anh, trong đó các CSDL được cập nhật mới hàng ngày. Năm 2008, dự án nhân rộng hoàn thành nâng tổng số Điểm thông tin trong toàn tỉnh lên 56 Điểm đi vào hoạt động ổn định.

Nâng cao tri thức cho người dân

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào đổi mới phương thức quản lý trong hoạt động KH&CN; từ những hiệu quả đã đạt được của các Điểm Thông tin, Sở Khoa học và Công nghệ đã đề ra mục tiêu trước năm 2015 sẽ có 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được đầu tư, xây dựng Điểm Thông tin khoa học công nghệ. Qua đó liên tiếp trong những năm gần đây đã phát triển thêm được nhiều Điểm Thông tin mới. Cụ thể, năm 2010 nhân rộng được 12 Điểm, năm 2011 nhân rộng được 22 Điểm, năm 2012 nhân rộng được 05 Điểm và đang triển khai trên 20 dự án, nâng tổng số hiện nay lên trên 100 Điểm thông tin khoa học công nghệ trong toàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định.

Rút kinh nghiệm từ một số địa phương trong nước, triển khai dự án theo phương thức "chìa khóa trao tay" tức là sau khi bàn giao Thư viện Điện tử cho các cơ sở thì chủ đầu tư hết trách nhiệm, do vậy hầu hết chỉ trong một thời gian ngắn các Thư viện Điện tử đã không thể phát huy được vai trò, thậm chí không có điều kiện để tiếp tục hoạt động dẫn tới lãng phí lớn cho ngân sách.

Thông tin KH&CN có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp

Để tiếp tục "đồng hành cùng các Điểm Thông tin KHCN" nhằm mục tiêu khai thác tối đa kể cả về trang thiết bị và cơ sở dữ liệu KH&CN phục vụ mọi tầng lớp nhân dân, Sở KH&CN đã xây dựng giải pháp kinh phí theo cơ chế phối hợp giữa nguồn của tỉnh và kinh phí địa phương nhằm bảo đảm hàng năm đều có nguồn kinh phí cấp cho các Điểm Thông tin hoạt động. Bằng phương pháp đó, mỗi năm Sở giao cho phòng Quản lý KH&CN cơ sở hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các Dự án "Duy trì và phát triển hoạt động của các Điểm thông tin khoa học công nghệ", trong đó Sở KH&CN đầu tư 70%, UBND cấp huyện đầu tư 30% kinh phí dự án; phương pháp này đã phát huy hiệu quả rõ nét, các Điểm Thông tin hoạt động ổn định và thực sự hiệu quả.

Với những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống tri thức cho người dân, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và của cả nước nói chung.

Nguyễn Văn Viện (Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai)