|
|||
Giải quyết khó khăn tại địa phương Sau khi tiến hành nghiên cứu và đánh giá một số phương pháp xử lý rác thải trong nước và trên thế giới, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc đã lựa chọn được công nghệ mới tiên tiến và đề xuất xây dựng thí điểm mô hình thu gom và xử lý rác thải nông thôn – một trong những vấn đề đang gây khó khăn tại địa phương. Mô hình được thực hiện triển khai tại thôn Man Để - xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Địa điểm này được đảm bảo các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật cho việc xử lý rác thải như: cách khu dân cư, có hệ thống giao thông đảm bảo cho việc vận chuyển, có diện tích phù hợp với mô hình, là nơi tập kết rác thải sinh hoạt đã được quy hoạch nên không phải thực hiện giải phóng đền bù mặt bằng, tận dụng tốt các điều kiện đã có của địa phương. Dự án xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại thị xã Tam Hồng có tổng mức đầu tư hơn 3,1 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua thiết bị đốt rác là 2,2 tỷ đồng, số còn lại chi cho hạng mục nhà tập kết phân loại rác, nhà quản lý, sân bãi, hàng rào, khu chôn lấp… Ngày 9/11/2012, Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc bàn giao cho địa phương quản lý và đưa vào sử dụng mô hình điểm lò đốt rác thải bằng không khí tự nhiên NFI 05. Đây là loại lò sử dụng công nghệ Nhật Bản được sản xuất tại Thái Lan, có công suất đốt lớn nhất 10 tấn rác/ngày đêm. Khả năng nhân rộng mô hình Đại diện đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng mô hình lò đốt rác này, ông Đỗ Văn Khang – Phó Chủ tịch UBND đánh giá rất cao về mô hình. Ông cho biết: Tam Hồng là một xã có diện tích 930 ha, có dân số gần 15 nghìn người, chia làm 13 thôn. Các thôn đều đã thành lập được tổ thu gom rác thải vệ sinh môi trường và xã đã thành lập được HTX dịch vụ vệ sinh môi trường. Hàng ngày rác thải tại các thôn được tập hợp và đưa ra bãi tập kết phân loại và xử lý bằng lò đốt. Lượng rác thải sinh hoạt tại xã trung bình khoảng 9 tấn/ngày, đốt liên tục. Trước đây, khi chưa có lò đốt rác, công tác xử lý rác chủ yếu là chôn lấp sơ sài và đốt thủ công gặp nhiều khó khăn, cũng như gây ô nhiễm môi trường xung quanh, không khí và nguồn nước ngầm, nhưng từ khi đưa vào sử dụng mô hình lò đốt rác bằng không khí tự nhiên, tỷ lệ rác thu gom được xử lý 85-90% nên lượng rác thải phải chôn lấp rất ít. Hơn nữa khói thải ra ngoài không khí nằm trong mức độ cho phép nên không gây ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân và không sử dụng nhiên liệu để đốt nên tiết kiệm về kinh tế, ông Khang cho biết thêm. Ưu điểm lớn nhất là đốt cháy rác bằng không khí tự nhiên nên không cần dùng các loại nguyên liệu điện, ga, xăng, dầu để hỗ trợ trong quá trình đốt. Tuy nhiên, lần đầu sử dụng phải dùng vật liệu dễ cháy như rơm rạ khô, bìa các-tông, củi khô… làm mồi đốt (nhóm lò) cho đến khi nhiệt độ trong lò đạt 5000C – 6500C, lúc này trong buồng đốt sẽ sinh khí gas làm cho nhiệt độ tăng và đốt cháy các loại rác thải sinh hoạt. Lò đốt có khả năng đốt liên tục 24giờ /ngày, năng lượng của rác tạo ra trong quá trình cháy có thể ủ giữ nhiệt trong khoảng thời gian 1 – 1,5 ngày, do đó năng lượng này sẽ được tái sử dụng để đốt phần rác mới được đưa vào mà không cần phải nhóm lò. Lò có kính thước nhỏ gọn (1,45 x 2,65 x 2) m; ống khói cao 6 m, trọng lượng lò 8.500 kg, có thể lắp đặt, di chuyển thuận tiện dễ dàng bằng cần cẩu. Lò có khả năng giữ nhiệt rất tốt, rác được đốt với nhiệt độ từ 650 - 900oC, vì vậy rác cháy một cách hoàn toàn nên khí thải ra rất ít khói và đạt chứng nhận đo lường về khí thải không khí. Một ưu điểm nữa là tỷ lệ rác được đốt cháy hoàn toàn đạt 80 - 85% khối lượng (phần còn lại là một số rác vô cơ như thủy tinh, gạch, đá… không đốt được). Vì vậy diện tích bãi chôn lấp nhỏ, giảm công lao động, giảm thiểu nguy cơ phá hủy tầng nước ngầm quá mức phục vụ tưới tiêu đất canh tác giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do rác thải sinh ra. Mô hình điểm lò đốt rác bằng không khí tự nhiên NFI 05 được đánh giá là phù hợp với điều kiện các làng, xã tại Vĩnh Phúc. Từ khi đưa vào sử dụng, mô hình này đã được nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong và tỉnh đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm. Mong rằng mô hình sẽ tiếp tục được mở rộng xử nhằm từng bước góp phần cải tạo môi trường nông thôn để góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Lê Thuỳ Quyên |