Bản in
TP.HCM: Đưa KH&CN trở thành đòn bẩy phát triển
TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 2 trung tâm khoa học và công nghệ (KH&CN) lớn nhất cả nước. Đây là nơi đóng góp nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Phan Minh Tân, trên thực tế Thành phố vẫn chưa phát huy hết nguồn lực, bởi muốn KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) cần tăng đầu tư hơn nữa cho KH&CN.

Nhiều kết quả đạt được

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: Hoạt động KH&CN của TP.HCM trong những năm qua đã thu được nhiều kết quả, thấy rõ nhất là công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ .Trong giai đoạn 2006 – 2012 đã chuyển giao hơn 400 kết quả nghiên cứu cho các đơn vị ứng dụng, đề tài được ứng dụng sau nghiệm thu chiếm khoảng 25 – 35%. TP đã tổ chức được trên 13 chương trình nghiên cứu khoa học giai đoạn 2011-2015 phục vụ các ngành kinh tế - xã hội đồng thời phát triển các lĩnh vực KH&CN trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin - điện tử và GIS, cơ khí - tự động hóa và vật liệu mới.

Trong thời gian qua, công tác đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ bước đầu phát huy hiệu quả, điển hình là ngân sách đầu tư cho 07 công trình nghiên cứu khoa học là 5,4 tỷ đồng, đã kí 10 hợp đồng chuyển giao 08 công nghệ từ kết quả nghiên cứu khoa học với tổng giá trị hơn 8,7 tỷ đồng. Nổi bật là chuyển giao công nghệ sản xuất tinh dầu trầm bằng phương pháp CO2 cho Công ty TNHH Nghiên cứu sản xuất tinh dầu Handa với giá trị hơn 3,6 tỷ đồng; Dự án “Hoàn thiện công nghệ - thiết bị chế tạo và phủ hợp kim trung gian lên sứ tụ bù trung thế năng suất 6.000 sản phẩm/năm” trong 2 năm đã thực hiện 5 hợp đồng với doanh thu gần 1,3 tỷ  đồng. Kết quả 03 đề tài nghiên cứu thiết kế lõi IP điều khiển, thay thế một số thiết bị, linh kiện được chuyển giao cho 02 Công ty Cổ phần công nghệ với giá trị chuyển giao là 3,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP đã tập trung nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tạo sự biến đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững. Tiêu biểu như các sản phẩm lõi IP điều khiển thay thế một số thiết bị, linh kiện nhập; chip thương mại SG8-V1; chip nhận dạng từ xa bằng sóng radio-RFID; các bộ Kit chẩn đoán bệnh; ứng dụng nano sắt từ trong chẩn đoán hình ảnh; sản xuất nano bạc và ứng dụng trong khử trùng; năng lượng sinh khối; nhiên liệu sinh học; nhiên liệu diesel nhũ tương sử dụng cho các loại động cơ đốt trong tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Chiến lược dài hạn

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Đảng bộ TP.HCM đã xác định sẽ tiếp tục xây dựng TP.HCM trở thành một trung tâm KH&CN của cả nước và khu vực, trong đó chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và năng lực sáng tạo để tiếp thu và vận dụng các thành tựu KH&CN, làm chủ công nghệ tiên tiến, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những giải pháp trong thời gian tới cần đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách quản lý KH&CN, trước mắt tập trung đổi mới cơ chế tài chính theo phương thức khoán chi trên từng sản phẩm nghiên cứu hoặc theo cơ chế mua sản phẩm khoa học từ công trình nghiên cứu khoa học. Khuyến khích các doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ và hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Phan Minh Tân cho biết: Năm 2013 sẽ áp dụng thí điểm cơ chế mua sản phẩm khoa học từ công trình nghiên cứu khoa học cho một số đề tài, dự án KH&CN bằng hình thức hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng, đồng đầu tư trong nghiên cứu khoa học theo hướng xã hội hóa đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Tập trung phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đẩy nhanh quá trình xây dựng công nghiệp cơ bản, công nghiệp phù trợ. Phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực và các sản phẩm nông nghiệp chế biến có giá trị, chất lượng, và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

Hoạt động KH&CN trong những năm qua đã gắn kết với hầu hết các ngành kinh tế - xã hội của Thành phố, đã có tác động tích cực trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiềm năng nghiên cứu và ứng dụng KH&CN của TP. HCM còn rất lớn. Tin rằng, với sự quyết tâm nỗ lực của UBND TP, các giải pháp phát triển KH&CN đến năm 2020 sẽ phát huy tác dụng trong thực tiễn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP phát triển nhanh chóng và bền vững.

Ánh  Tuyết