|
|||
Buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Quân với tỉnh Bình Định diễn ra nhân dịp Hội thảo sơ kết hai năm thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Nông thôn và Miền núi, giai đoạn 2011 – 2015, tại Bình Định. Báo cáo tại buổi làm việc, Bà Trần Thị Thu Hà – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, là một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bình Định đã đầu tư mạnh KH&CN cho lĩnh vực này. Trong hai năm qua, tỉnh đã nghiên cứu chuyển giao các giống mới có năng suất cao, chất lượng khá vào sản xuất. Tiêu biểu như giống lúa thuần ĐB6, ĐB5 và các giống lúa lai Nhị ưu 69, Nghi Hương 2308,… Những giống lúa này là kết quả của chương trình chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/ năm của tỉnh. Các giống cây trồng khác như giống lạc L14, LDH 01 và quy trình nhân giống lạc vụ Thu Đông trên đất gò đồi đạt năng suất 25 tạ/ha. Bên cạnh những giống cây trồng có chất lượng được đưa vào sản xuất thì cũng có nhiều loại vật nuôi có giá trị cao được nghiên cứu, tuyển chọn đưa vào chăn nuôi góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định. Tỉnh đã nghiên cứu được nhiều loại gia cầm, gia súc thích nghi với điều kiện khí hậu của tỉnh như gà Sao hướng thịt, gà Ai Cập hướng trứng, bê lai F1 giữa bò chuyên thịt Crimousine và bò cái lai nền Zebu,… Sự phát triển KH&CN đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung kinh tế xã hội của tỉnh. Trong hai năm 2010 – 2012, tỉnh đã thực hiện tổng số 52 đề tài, trong đó có 12 đề tài cấp nhà nước, 38 đề tài cấp tỉnh, 2 đề tài được Qũy Môi trường toàn cầu tài trợ với tổng kinh phí là 35,079 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. Tỉnh đã tổ chức thông tin tuyên truyền về sở hữu trí tuệ và cuộc sống trên sóng phát thanh truyền hình của tỉnh từ năm 2010 đến nay; Hình thành và hỗ trợ hiệp hội sản xuất và kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”; Hỗ trợ 231 triệu đồng cho các doanh nghiệp xác lập quyền bảo hộ cho 19 kiểu dáng công nghiệp và 199 nhãn hiệu. Là một tỉnh kinh tế còn khó khăn của vùng Duyên hải Nam Trung bộ, trong nhiều năm qua tỉnh Bình Định đã nhận được nhiều chương trình hỗ trợ của Trung ương thông qua các dự án, đề tài mà điển hình là chương trình Nông thôn Miền núi. Ông Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở KH&CN Bình Định chia sẻ, dự án Nông thôn Miền núi đã tạo thêm việc làm cho người lao động trong tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân vùng khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường ở địa phương. Những dự án nổi bật có thể kể đến là Mô hình sản xuất cây Mai vàng chất lượng cao; Mô hình sản xuất gạch xây bằng công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng; Mô hình sản xuất mía giống,…
Mô hình sản xuất mía giống thuộc chương trình NTMN thực hiện tại Bình Định (ảnh: Phương Hoàn) Cũng theo ông Võ Ngọc Anh, trong thời gian tới tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó cũng tập trung triển khai công tác chống hạn, nghiên cứu những giống cây phù hợp với biến đổi khí hậu và quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực SHTT. Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao những kết quả Bình Định đã đạt được. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới tỉnh Bình Định nên thành lập được một số doanh nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là lực lượng tiên phong góp phần thay đổi kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững. Bộ KH&CN sẵn sàng giúp các doanh nghiệp về mặt pháp lý để những doanh nghiệp này có thể nhận được sự ưu đãi của nhà nước. Bộ KH&CN cũng sẽ ủng hộ những đề xuất mà tỉnh đưa ra, tuy nhiên địa phương nên viết thành những dự án có sức thuyết phục, phương án đầu tư, cam kết hiệu quả, không chỉ phục vụ cho Bình Định mà còn khu vực miền Trung để những dự án, đề tài KH&CN thực sự mang lại hiệu quả. Hoàng Anh |