|
|||
Nhân lực trình độ cao giữa các vùng, miền còn chênh lệch
Tuy nhiên, sự phân bổ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao giữa các vùng, miền có sự chênh lệch rất lớn. Những khu vực cần nhiều chất xám để phát triển như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... còn quá thiếu các nhà khoa học. Theo đánh giá của Trưởng ban Khoa học công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ Hồ Ngọc Luật, hầu hết các tổ chức khoa học công nghệ ở địa phương chỉ có dưới 10 cán bộ biên chế, hầu như không có cán bộ trình độ trên đại học. Có thể thấy rõ nhất là tiềm lực khoa học công nghệ địa phương còn hạn chế qua việc phát triển của các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, có 60/63 tỉnh có các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhưng 43,3% số đơn vị chưa có trụ sở chính thức, điều quan trọng là giá trị tài sản trang thiết bị của mỗi trung tâm trung bình chỉ vào khoảng 1,9 tỷ đồng. Dẫn chứng từ địa phương, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Long cho rằng, hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đáp ứng được mục tiêu CNH - HĐH vào năm 2015 và sự vào cuộc của Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở đối với những vấn đề phát triển kinh tế chưa hiệu quả. Kinh phí chưa được sử dụng đúng mục đích Trên thực tế, tiềm lực của các tổ chức khoa học công nghệ địa phương còn yếu, hoạt động của các đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, ngay cả khi đã được Trung ương bố trí kinh phí cho các dự án đầu tư phát triển. Nguồn kinh phí này khi về đến địa phương, vì nhiều lý do khác nhau đã không được sử dụng đúng mục đích, đúng số lượng được phân bổ. Hiện nay, chỉ có một số ít tỉnh như Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh đã bố trí đủ 2% tổng chi ngân sách địa phương dành cho khoa học công nghệ theo đúng quy định. Còn lại đa số các tỉnh, thành phố không trích đủ 2%, hầu hết mới dành dưới 1%, thậm chí có tỉnh chỉ dành 0,2% tổng chi ngân sách, tức là ít hơn 10 lần so với quy định chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ. Trong khi đó, từ năm 2000 đến nay, QH và Chính phủ luôn duy trì tổng chi ngân sách ở mức 2% cho khoa học công nghệ và trong tổng số 2% trên thì khoảng 40 - 45% được dành cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, sự đầu tư dàn trải của hoạt động khoa học công nghệ địa phương ngoài những yếu tố khách quan còn có lý do bắt nguồn từ sự bất cập trong việc thực thi Luật Ngân sách năm 2002. Cho đến nay, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương gần như chưa tổng hợp được thực trạng đầu tư, hỗ trợ tài chính khác cho hoạt động khoa học công nghệ địa phương. Năm 2009, các tỉnh mới sử dụng hết khoảng 41% vốn đầu tư phát triển chi cho khoa học công nghệ. Để hoạt động khoa học công nghệ địa phương phát triển, trước mắt cần tăng cường vai trò chủ động của các Sở khoa học công nghệ tại các địa phương, xây dựng cơ cấu hợp lý và xác định các loại hình nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp các chương trình, mục tiêu phát triển KT- XH của địa phương. Trưởng ban Khoa học công nghệ địa phương Hồ Ngọc Luật kiến nghị, sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhằm tăng cường đầu tư, tập trung quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ trong việc đầu tư phát triển các ngành khoa học, các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, các nhiệm vụ khoa học công nghệ có với đặc thù riêng của từng vùng miền… ĐBND |