Bản in
Hiệu quả từ một dự án Nông thôn miền núi
Tôm chân trắng là một trong những đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Nghệ An. Nhiều xã trong huyện phát triển nuôi tôm làm ngành nghề sản xuất chính mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, phát triển nghề nuôi tôm chân trắng ở Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về nguồn giống.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng thương phẩm tại Nghệ An” thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đã giải quyết phần nào khó khăn này.

Giải quyết khó khăn về giống

Theo báo cáo của  Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An, với lợi thế có hơn 4.000 ha mặt nước nuôi mặn lợ, tỉnh đã đưa vào sử dụng hơn 2.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm trên 1.700 ha (diện tích nuôi tôm chân trắng chiếm 1.600 ha). Đáng chú ý là việc nuôi tôm chân trắng ở Nghệ An đã phát triển thành vùng tập trung, thâm canh năng suất cao với phần lớn diện tích nằm trên địa bàn huyện ven biển Quỳnh Lưu.

Từ năm 2008, thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phát triển tôm chân trắng, diện tích nuôi tôm chân trắng tại Nghệ An đã tăng đáng kể. Năm 2011, diện tích nuôi chiếm 85% với gần 1770 ha, năng suất đạt 6 - 7 tấn/ha, nhiều hộ đạt từ 15 - 18 tấn/ha. Cá biệt có hộ nuôi đạt 22 tấn/ha.

Là huyện ven biển, Quỳnh Lưu chọn thế mạnh sản xuất để tập trung khai thác là nông nghiệp và thủy sản. Nhiều xã trong huyện phát triển nuôi tôm làm ngành nghề sản xuất chính. Nghề nuôi tôm đặc biệt phát triển mạnh ở các xã Quỳnh Liên, Quỳnh Lộc, Mai Hùng, trong đó riêng hai xã Quỳnh Lộc và Quỳnh Bảng đã chiếm 30% diện tích nuôi tôm của cả huyện.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về diện tích là nhu cầu về con giống ngày càng tăng, hiện nay Nghệ An cần khoảng 1 – 1,2 tỷ con. Nhiều nhà sản xuất tôm luôn rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung về giống vào đầu vụ. Bên cạnh đó, nguồn cung tôm giống ở Nghệ An chủ yếu là do các công ty ở Nam Trung bộ cung cấp và một số ít được nhập từ Trung Quốc. Do nhiều vấn đề khó khăn như khâu vận chuyển, số lượng có hạn nên nguồn giống vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất của bà con nông dân.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế về giống, năm 2010, Chương trình Nông thôn miền núi – Bộ KH&CN đã phối hợp với công ty cổ phần giống nuôi trồng thủy sản Nghệ An thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng thương phẩm tại Nghệ An”. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Đại học Nha Trang là đơn vị trực tiếp đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất tôm giống và tôm nuôi chân trắng thương phẩm.

Dự án bao gồm 2 mô hình, đó là “Xây dựng mô hình sản xuất tôm giống tại trại tôm xã Quỳnh Liên với quy mô 20 triệu tôm giống P12 và mô hình nuôi tôm trắng thương phẩm tại xã Quỳnh Bảng với quy mô trên 1,5 ha, bảo đảm năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ. Mục tiêu của các mô hình còn hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng thương phẩm phù hợp với điều kiện của Nghệ An.

Nhân rộng mô hình

Trong hai năm thực hiện, mô hình sản xuất tôm giống đã nhập 445 cặp tôm bố mẹ có nguồn gốc Hawai, đưa về nuôi riêng tôm đực, cái. Tôm được cho ăn ngày 4 lần, khẩu phần ăn bằng 20% trọng lượng, thành phần thức ăn và đều đặn mỗi ngày thay nước một lần, mỗi lần bằng 70% nước; 3 ngày tiến hành vệ sinh tổng thể bể 1 lần, đảm bảo nhiệt độ từ 28 – 30 độ C ổn định môi trường cho tôm thành thục sinh sản. Sau hai năm thực hiện, tổng số tôm giống P12 – P15 sản xuất được là 19,7 triệu con, đạt 98,5% mục tiêu.

Đối với mô hình sản xuất tôm thương phẩm, dự án đã lựa chọn 3 ao có điều kiện đáp ứng với nhu cầu của mô hình với diện tích 15.300 m2. Các ao này được cải tạo, tu sửa cống cấp, cống tiêu, đắp nện bờ ao và trải bạt đáy, lắp đặt giàn quạt nước,…

Khi tôm đến kích cỡ được thu hoạch thì tiến hành thu hoạch thành 2 lần. Sau 70 ngày tôm sẽ đạt kích cỡ 80 – 1000 con/kg  thì thu hoạch tỉa 1/3 số lượng tôm thương phẩm. Sau đó duy trì chế độ chăm sóc thêm 15 ngày thì thu hoạch lần 2 và lần này thu hoạch hết số tôm còn lại. Kết quả của mô hình đạt kết quả rất tốt, năng suất tôm đạt 9,55 – 11,5 tấn/ha/vụ, vượt mục tiêu 10 tấn/ha/vụ.

Quy trình nuôi tôm giống và tôm thương phẩm cũng đã giúp cán bộ kỹ thuật của dự án hoàn thiện quy trình sản xuất giống tôm và nuôi tôm thương phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của Nghệ An.

Việc xây dựng thành công mô hình sản xuất giống tôm và nuôi tôm chân trắng thương phẩm tại Nghệ An đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện để mở rộng mô hình thành 1 khu vực sản xuất giống tâm chân trắng tập trung, cung cấp chủ động một phần giống chất lượng cao cho thị trường, hạn chế tình trạng thiếu giống vào đầu vụ.

Trong thời gian tới, dự án sẽ nhân rộng mô hình cho sinh sản với lượng tôm bố mẹ từ 700 – 1.000 cặp nhằm ổn định nguồn giống tại chỗ, có chất lượng cao cung cấp cho phong trào nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn ven biển của địa phương.

Hoàng Anh