Đây là dự án khoa học áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Nguyên cũng như Tam giác phát triển kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho nông dân, tăng độ an toàn cho kinh tế nông hộ. Trong đó, đối tượng của dự án là những hộ chăn nuôi nhỏ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự án được thực hiện trong 4 năm (2012 - 2015) do Quỹ phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ. Dự án gồm 3 thành phần chính: “Cải thiện các hệ thống chăn nuôi trong nông hộ thông qua cỏ trồng,” “Cải thiện thị trường” và “Nâng cao năng lực và chia sẽ kiến thức.”
Mục đích của dự án là làm tăng sinh kế và thu nhập cho người nghèo, nông hộ sản xuất nhỏ tại khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Cambodia.
Các địa phương thực hiện dự án được đầu tư một phần về vật chất, tạo điều kiện cho nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi dưỡng các loại động vật ăn cỏ; đồng thời xác định các yếu tố tác động về môi trường có ảnh hưởng đến chăn nuôi của nông hộ sản xuất nhỏ.
Trong quá trình thực hiện dự án, các địa phương được tổ chức lại sản xuất trong chăn nuôi, bố trí cơ cấu chăn nuôi các loại gia súc ăn cỏ hợp lý trên từng địa bàn, tận dụng đồng cỏ tự nhiên kết hợp trồng cỏ chất lượng cao và áp dụng thâm canh cỏ; sản xuất nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi trâu bò.
Các địa phương bố trí sản xuất chăn nuôi-trồng trọt hợp lý trong các nông hộ nhỏ, trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên đất đai, đồng cỏ, nguồn nước, khả năng lao động nông thôn và việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi.
Dự án hướng tới việc phát triển chăn nuôi gia súc gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo liên kết giữa các hộ chăn nuôi với chuỗi thị trường chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua việc thực hiện dự án, tạo điều kiện cho nông hộ sản xuất nhỏ làm quen với điều kiện sản xuất kinh doanh đổi mới, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi, thúc đẩy các mối liên kết trong chuỗi thị trường nội địa và qua biên giới 3 nước.
Tại Đăk Nông, dự án được thực hiện tại huyện Cư Jut. Đây là vùng đất có điều kiện tự nhiên và sinh thái thuận lợi để thực hiện các hoạt động của dự án phát triển các loại gia súc ăn cỏ. Với kinh nghiệm vừa qua Cư Jut cũng đã thành công trong việc triển khai thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng giống bò thịt” và đang được nhận rộng ra các huyện khác trong tỉnh Đăk Nông.
Hiện nay, cán bộ CIAT cùng với các nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên đang hỗ trợ nông dân tiếp cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc cây làm thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn các nông hộ cách liên kết có hiệu quả với thị trường. Qua đây sẽ làm tăng sinh kế của nông hộ chăn nuôi gia súc thông qua việc cải tiến kỹ thuật, tăng tính cạnh tranh chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tận dụng nguồn lao động nông thôn./.
Nguyễn Ngọc Minh (TTXVN)
|