Bản in
Bước tiến mới trong phát triển thị trường KH&CN Nghệ An
Trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đất nước, Nghệ An được định hướng phát triển thành trung tâm KH&CN vùng Bắc Trung Bộ. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa chủ trương này, trong đó có việc thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ. Ngoài việc tham gia các chợ công nghệ và thiết bị, mới đây, Nghệ An đã khai trương, đưa vào hoạt động sàn giao dịch công nghệ và thiết bị (GD CN&TB) – cầu nối giữa cung và cầu công nghệ.

Từ chợ công nghệ và thiết bị

Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong việc thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ. Năm 2003, Techmart Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội với quy mô quốc gia được xem như một cú hích quan trọng đối với sự phát triển thị trường KH&CN nước ta. Từ đó đến nay, techmart quốc gia được tổ chức 2 năm/1 kỳ, techmart vùng 1 năm/1 kỳ liên tục được tổ chức và thu hút nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia, trong đó có Nghệ An.

Năm 2005, Techmart vùng Bắc Trung Bộ được tổ chức tại Nghệ An  với sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp đến từ các vùng miền của cả nước. Khi đó, Nghệ An mới chỉ có 5 doanh nghiệp tham gia. Nhưng đến Techmart Quốc tế năm 2012 tổ chức tại Hà Nội đã có đến 23 doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, triển khai KH&CN ở Nghệ An tham gia. Điều đó cho thấy vai trò và sức hút của hoạt động này đối với các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu, triển khai.

Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An Trần Xuân Bí cho rằng, điều đáng nói là qua mỗi kỳ chợ, các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, triển khai của tỉnh đã ngày càng chủ động hơn từ khâu đăng ký tham gia chợ, công tác chuẩn bị, sắp xếp hàng hoá đến việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới khách hàng. Một số doanh nghiệp sau nhiều lần tham gia chợ đã đúc kết kinh nghiệm, trở nên chuyên nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn như Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Công ty TNHH Vinh Quang, Công ty TNHH Vĩnh Hòa, Công ty CP Thủy sản Vạn Phần, Công ty CP Tôn và Sắt thép,... Đó là tín hiệu tích cực, là cở sở khoa học và thực tiễn để tổ chức, phát triển techmart và việc lập Dự án đầu tư, xây dựng Sàn GD CN&TB Nghệ An.

Cũng theo ông Bí, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách quan trọng về phát triển KH&CN nói chung và thị trường công nghệ nói riêng, trong đó có quyết định về cơ chế khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa ở Nghệ An; giải quyết nhiều khó khăn, khúc mắc về tài chính cho các doanh nghiệp; vận động, khâu nối, lựa chọn các đơn vị có CN&TB tham gia giới thiệu, chào bán, chuyển giao tại techmart;… Cụ thể, tỉnh và sở KH&CN đã hỗ trợ mức tối đa 10 triệu đồng/ doanh nghiệp tham gia Techmart vùng Bắc Trung Bộ, mức 20 triệu đồng với techmart tổ chức ngoài vùng Bắc Trung Bộ và 30 triệu đồng/doanh nghiệp tham gia techmart quốc tế. Sự hỗ trợ thiết thực này đã góp phần tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình tham gia techmart.

Đến sàn giao dịch công nghệ…

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã có những kết quả nhất định trong kết nối cung – cầu công nghệ, techmart chỉ mới hoàn thành vai trò kết nối giao dịch mua bán công nghệ theo định kỳ, chưa thực hiện quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN một cách thường xuyên, liên tục. Vì thế, từ thành công của techmart ở các quy mô địa phương, vùng và quốc gia, quốc tế, chủ trương xây dựng các sàn GD CN&TB đã hình thành và đi vào thực tiễn. Hiện đã có sàn GD CN&TN của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. 



Hệ thống tích hợp điện mặt trời hòa lưới có dự trữ - AST giới thiệu tại Sàn Giao dịch Công nghệ và Thiết bị Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Để hình thành và phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và hiện thực hóa Quy hoạch phát triển KH&CN, thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Vinh trở thành Trung tâm KH&CN vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2006 – 2010 và các năm tiếp theo”, Sàn GD CN&TB Nghệ An đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu và chuyển giao công nghệ thiết bị mới, tiên tiến, phục vụ nhu cầu thiết thực cho phát triển KH&CN, kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực; tổ chức giao dịch, môi giới chuyển giao sản phẩm, công nghệ, thiết bị mới.

Sàn CN&TB Nghệ An thuộc Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học (Sở KH&CN Nghệ An), là đơn vị tự chủ về nhiệm vụ và tài chính theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Công trình này được UBND tỉnh và Bộ KH&CN đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư phát triển về tiềm lực KH&CN. Đây là một trong 20 dự án đầu tư xây dựng nhằm phát triển TP. Vinh trở thành trung tâm KH&CN của vùng Bắc Trung Bộ. Công trình được xây dựng trong 2 năm. Trung tâm Thông tin KHCN&TH làm chủ đầu tư.

Ông Võ Hải Quang, Giám đốc Sàn GD CN&TB nhận định, với những công nghệ, thiết bị hiện đại, phù hợp với các ngành kinh tế của tỉnh, Sàn GD CN&TB Nghệ An đã sẵn sàng gia nhập thị trường công nghệ, tạo bước đột phá trong phát triển KH&CN. Hiện đã có trên 30 doanh nghiệp  tham gia giới thiệu, chào bán những công nghệ, thiết bị và sản phẩm mới, có khả năng ứng dụng cao, đặc sản trên các lĩnh vực: Nông - lâm - thủy sản và Nông thôn; Y - dược; Cơ khí, chế tạo máy; Công nghệ sản xuất vật liệu mới; Năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; Công nghệ thông tin; Công nghệ, thiết bị, sản phẩm phục vụ ngành giáo dục đào tạo; Công nghệ thiết bị phục vụ các ngành nghề thủ công, mỹ nghệ,...; các kết quả nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật, quyền sáng chế, sở hữu trí tuệ.

Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An Trần Xuân Bí cho rằng, vừa mới ra đời, khai trương và đi vào hoạt động nhưng Sàn được các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia. Đây là tín hiệu đáng mừng, minh chứng sự đúng đắn, phù hợp của việc ra đời Sàn GD CN&TB, đáp ứng yêu cầu của các doang nghiệp và cuộc sống, là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng – KH&CN hướng về các doanh nghiệp, hướng đến sản xuất, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có chất lượng và sức cạnh tranh cao trước yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Sự kiện đưa vào vận hành Sàn GDCN&TB là bước chuyển biến mới, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển thị trường công nghệ tại Nghệ An. Cùng với các sàn GD CN&TB đã hình thành trên cả nước, Sàn GD CN&TB Nghệ An chắc chắn sẽ tạo ra một giai đoạn khởi sắc, hứa hẹn tiềm năng to lớn góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển thị trường công nghệ và góp phần trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội của Nghệ An, của các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về KH&CN và Luật KH&CN sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định.

Nguyễn Hạnh