Bản in
Liên kết "bốn nhà" tại đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Khoa học và Công nghệ cùng UBND tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Liên kết đẩy mạnh hoạt động KH và CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).
ÐBSCL có diện tích tự nhiên chiếm khoảng 12%, dân số chiếm 22% so cả nước. Ðây là vùng có tiềm năng về phát triển nông - ngư nghiệp rất lớn; toàn vùng đóng góp khoảng 27% vào GDP cả nước. Năm 2009, ÐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế gần gấp đôi so cả nước. Tuy nhiên, để phát triển bền vững nông nghiệp, ÐBSCL đang đối mặt những thách thức lớn: Nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt; tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng; phèn hóa cục bộ; mưa lũ, hạn hán; tình trạng cơ giới hóa còn yếu và manh mún; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế... và nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Ðể phát triển bền vững nền nông nghiệp trong điều kiện có nhiều bất lợi như trên, cần phải gắn phát triển kết cấu hạ tầng với liên kết đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ, chú trọng đúng mức phát triển nguồn nhân lực, tăng cường liên kết "bốn nhà", đa dạng hóa ngành nghề, khắc phục tình trạng "mất mùa được giá, được giá mất mùa" do thiếu quy hoạch đồng bộ...
Hội thảo được nghe 10 báo cáo, tham luận của các nhà khoa học, viện, trường, đơn vị sản xuất kinh doanh với các đề tài: Mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất giống lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân; nghiên cứu cây ăn quả gắn với chuyển giao với doanh nghiệp; liên kết vùng và "bốn nhà" tham gia thực hiện năm dự án về lúa - gạo, cây ăn quả, thủy sản, huấn luyện nghề nông thôn và cơ chế, tổ chức, chính sách thực hiện NQ24/CP; giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ÐBSCL (nghiên cứu điển hình tại hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít tỉnh Trà Vinh); định hướng trồng lúa, sản xuất gạo năm 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trong mối liên kết vùng ÐBSCL.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã nghe nhiều vấn đề liên quan phát triển nông nghiệp bền vững trong vùng ÐBSCL. Nội dung các đề tài có tính khoa học và thực tiễn cao. Nhiều đề tài đưa vào thực tiễn sẽ làm lợi cho nông dân hàng nghìn tỷ đồng/năm. Dựa trên cơ sở tính khoa học và thực tiễn của các đề tài, Sở KH và CN các tỉnh cần nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp để đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất.
 
Nhân Dân