Bản in
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở các tỉnh miền núi
Ðịa hình núi cao hiểm trở, chia cắt, suối sâu, độ dốc lớn... là những khó khăn trên con đường phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi. Tuy vậy, với vị trí địa lý có khí hậu ôn đới, và nếu có đủ năng lực tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, các tỉnh miền núi sẽ tạo ra lợi thế để trồng trọt chăn nuôi các loại cây, con đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các tỉnh miền núi đủ năng lực tiếp thu tiến bộ kỹ thuật?

Hình thành nghề nuôi cá nước lạnh

Ðích thân Bí thư Huyện ủy Tam Ðường (Lai Châu) Vương Văn Thắng lái xe ô-tô đưa chúng tôi đến trại nuôi cá tầm, cá hồi tại xã Sơn Bình của Công ty cổ phần Thủy điện Chu Va. Trên đường đi chúng tôi tranh thủ phỏng vấn đồng chí Bí thư Huyện ủy, người có tám năm công tác tại đây, về quá trình hình thành nghề nuôi cá nước lạnh. Tam Ðường có điều kiện tốt để nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá nước lạnh. Trung tâm giống và các trang trại giống thủy sản của tỉnh đều nằm tại huyện Tam Ðường, tạo thuận lợi về nhân lực, cơ sở vật chất cho phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi cá nước lạnh nói riêng ở địa phương.

Ðến trại của Công ty cổ phần Thủy điện Chu Va, chúng tôi gặp một đoàn cán bộ chủ chốt của huyện đang tham quan, nghiên cứu mô hình nuôi cá nước lạnh. Một cán bộ huyện Tam Ðường bày tỏ: Thật khó tin  khi được tận mắt nhìn thấy những con cá tầm, cá hồi có nguồn gốc từ nước Nga xa xôi lại đang bơi tung tăng trong làn nước suối lạnh, trong vắt.

Giám đốc Công ty CP Thủy điện Chu Va Vũ Văn Cảnh cho biết, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, sự giúp đỡ của các chuyên gia thủy sản, chúng tôi xây dựng trại ương nuôi cá nước lạnh. Tuy vậy, chúng tôi muốn thực hiện dự án: Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật ương giống và nuôi thương phẩm cá tầm (Acipenser  spp) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu (thời gian thực hiện từ tháng 4-2012 đến tháng 3-2015, kinh phí khoảng 6,5 tỷ đồng) để làm chủ quy trình ương giống, nuôi thương phẩm cá tầm. Chỉ có thực hiện dự án này chúng tôi mới có cơ hội thoát cảnh làm ăn nhỏ lẻ,  mở rộng quy mô để có thể cung cấp giống đáp ứng cho nhu cầu của các trại nuôi trong tỉnh cũng như trong khu vực. Ðồng thời, cán bộ của trại sẽ được các nhà khoa học truyền đạt kiến thức xử lý bệnh của cá kịp thời trước khi bùng phát thành dịch.

Tỉnh Lai Châu phát triển nghề nuôi cá tầm từ năm 2007. Tuy vậy, một số tỉnh miền núi phía bắc đã nuôi cá tầm từ năm 2000. Ở Lào Cai một số trang trại tư nhân có khả năng ương giống, nuôi thương phẩm, nhưng kết quả còn hạn chế. Tại Sơn La, trong ba năm trở lại đây, xuất hiện hai mô hình nuôi ở Mộc Châu và Yên Bình. Trại ở Mộc Châu nuôi cá hồi, trại ở Yên Bình nuôi cá hồi và cá tầm, nhưng quy mô nhỏ, năng suất và chất lượng cá không ổn định.

Tháo gỡ các rào cản trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Với lợi thế về điều kiện khí hậu, các tỉnh miền núi có thể hình thành nghề nuôi cá nước lạnh ở quy mô nhỏ nhưng khi phát triển ở quy mô lớn, người sản xuất vấp phải một loạt khó khăn như: không có nguồn thức ăn ổn định, chất lượng giống không bảo đảm; giá thành sản phẩm cao, càng sản xuất quy mô lớn, càng lỗ;  quy trình chăn nuôi chắp vá; thị trường không ổn định; không có các  giải pháp chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường trên diện rộng...

Tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao là nhân tố quan trọng giải quyết những khó khăn nói trên. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, việc triển khai các tiến bộ kỹ thuật từ các viện, trung tâm nghiên cứu chuyển giao còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển  cây ăn quả, công nghiệp dài ngày, dược liệu quý, chăn nuôi đại gia súc...

Thực tế hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) ở các tỉnh miền núi cho thấy, để có thể tiếp nhận được tiến bộ kỹ thuật do các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học chuyển lên, các tỉnh miền núi phải  bảo đảm nguồn kinh phí hoạt động KH và CN cần thiết cho các sở KH và CN; có đội ngũ cán bộ khoa học và cơ sở kỹ thuật ở địa phương đủ năng lực tiếp thu, triển khai và  sự nhiệt tình "vào cuộc" của các đồng chí lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Tại Hội nghị Giao ban KH và CN các tỉnh miền núi phía bắc năm 2012, diễn ra ở Lai Châu (tháng 5-2012), lãnh đạo sở KH và CN các tỉnh miền núi phía bắc như: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang, Hà Giang cho rằng: Hiện nay, chi phí cho sự nghiệp KH và CN và kinh phí đầu tư phát triển  cho KH và CN của các tỉnh đạt rất thấp, chỉ bằng từ 0,37% đến 0,7% tổng chi ngân sách địa phương (trong khi đó kinh phí cho sự nghiệp khoa học toàn ngành đạt 2% tổng chi ngân sách Nhà nước). Năm 2010, Trung ương cấp kinh phí cho tỉnh Hà Giang năm tỷ đồng, và năm 2012 cấp 10 tỷ đồng, để đầu tư phát triển KH và CN, tuy vậy tỉnh đã không dùng một đồng nào để đầu tư phát triển KH và CN trong hai năm nói trên. Năm 2010, Trung ương cấp bốn tỷ đồng để tỉnh Lai Châu đầu tư  phát triển KH và CN nhưng tỉnh đã không chi để đầu tư phát triển KH và CN. Với cách "hành xử" như vậy đối với hoạt động KH và CN ở địa phương, ngành KH và CN của chính địa phương đó không có kinh phí để xây dựng trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, trung tâm phân tích kiểm nghiệm, kiểm định đo lường, các trung tâm, trạm, trại thực nghiệm để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hoặc chuyển giao công nghệ. Như vậy khó có cơ hội  tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong giai đoạn 2010 - 2012, các tỉnh miền núi phía bắc đã tổ chức thực hiện hơn 78 dự án KH và CN cấp Nhà nước (thuộc hai chương trình); 851 đề tài, dự án và gần hai nghìn mô hình, đề tài, dự án cấp cơ sở.  Sau nhiều năm theo dõi, chúng tôi thấy một trong những chương trình do Bộ KH và CN triển khai đến người dân, mang hiệu quả cao, đó là Chương trình Nông thôn miền núi. Thông qua chương trình này rất nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao thành công về địa phương. Ðại diện lãnh đạo sở KH và CN các tỉnh: Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Giang, Ðiện Biên mong muốn Bộ KH và CN ưu tiên chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật hơn nữa cho các tỉnh miền núi thông qua chương trình nói trên.

Tại Hội nghị Phối hợp nghiên cứu, ứng dụng KH và CN phát triển bền vững vùng Tây Bắc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, đã giao Ðại học quốc gia Hà Nội là đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước vì sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Chương trình thực hiện trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2015. Ðây là thông tin đáng mừng cho ngành KH và CN các tỉnh Tây Bắc vì đó là chương trình nghiên cứu tổng thể ở quy mô cấp quốc gia đầu tiên triển khai tại vùng. Theo GS, TS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Ðại học quốc gia Hà Nội, chương trình có 11 nhóm sản phẩm chính. Trong đó có ba nhóm sản phẩm là giải pháp công nghệ được chuyển giao, tạo tiền đề cho các tỉnh Tây Bắc phát triển bền vững.

Trên đường trở về thị xã Lai Châu, sau khi tham quan trại nuôi cá tầm, cá hồi của Công ty cổ phần Chu Va, Bí thư Huyện ủy Tam Ðường đưa chúng tôi đi xem vườn trồng cây mac-ca, do huyện tự bỏ tiền ra mua cây giống. Theo Bí thư Huyện ủy, nhân hạt cây mac-ca có nhiều thành phần dinh dưỡng và có thể chiết xuất lấy tinh dầu làm dung môi cho ngành chế biến mỹ phẩm cao cấp. Trong năm nay, huyện sẽ trồng 140 ha cây mac-ca tại tám trong số 13 xã, thị trấn (nguồn vốn do tỉnh, huyện và doanh nghiệp đầu tư).

Chia tay chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Vương Văn Thắng, nói một cách tin tưởng:  Tận dụng lợi thế tại những vùng có khí hậu ôn đới và tiến bộ kỹ thuật, huyện sẽ phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, trồng cây mac-ca. Ðó là một trong những hướng phát triển bền vững của huyện, giúp nhiều hộ dân Tam Ðường thoát đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu.