|
|||
Hiện nay, công nghệ sinh học đã và đang được Trung tâm áp dụng hiệu quả vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Ngoài việc thực hiện một số đề tài, dự án cấp Bộ và cấp tỉnh, Trung tâm còn chú trọng sản xuất giống cây lâm nghiệp, giống nấm ăn và nấm dược liệu, sản xuất giống hoa, phân nén hữu cơ, nuôi trồng thủy sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh. Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín hiện đại bằng công nghệ sinh học. Phòng thí nghiệm và sản xuất giống được xây dựng hiện đại đạt tiêu chuẩn. Năm 2009, Trung tâm đã đầu tư xây dựng thêm lò hấp, nhà xưởng với kinh phí hơn 40 triệu đồng và đã sản xuất được 2.170kg giống nấm sò, 450 chai giống nấm linh chi, 109 kg giống nấm rơm. Sản xuất nấm bán thành phẩm được 4.500 bịch linh chi, 2.080 bịch nấm sò… Trung tâm cũng đã tiến hành nghiên cứu và triển khai thử nghiệm nuôi cá Ba sa, cá rô phi đơn tính dòng gift, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên cát. Thời gian tới, Trung tâm sẽ cố gắng tạo ra mô hình chu trình khép kín từ khâu sản xuất giống, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Đại Quân, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đã và đang thực hiện một số đề tài, dự án, bước đầu đem lại hiệu quả như: xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế - xã hội, dân cư ven biển tại xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình; ứng dụng công nghệ mô hom trong sản xuất giống cây lâm nghiệp cao sản phục vụ phát triển trồng rừng tại Quảng Bình; chuyển giao công nghệ sản xuất và sử dụng phân nén hữu cơ, hữu cơ – vô cơ bằng công nghệ sinh học ở quy mô cộng đồng thôn, xã phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống hoa và hoa thương phẩm chất lượng cao tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình; xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm vi sinh hữu hiệu E.M phục vụ xử lý môi trường tại Quảng Bình. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai các đề tài: xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái trên vùng đất cát ven biển huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, Quảng Bình; nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng thương phẩm kết hợp với ngao trên ao cát tại tỉnh Quảng Bình nhằm khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng kinh tế trên vùng cát ven biển, tạo công ăn việc làm, giúp cải thiện đời sống vật chất cho người dân trong vùng. Việc triển khai, thực hiện các đề tài, dự án cấp tỉnh và cấp Bộ, tận dụng và phát huy các kết quả đạt được từ các đề tài dự án, giúp Trung tâm khẳng định vai trò trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tại Quảng Bình… Trung tâm đã đẩy mạnh sản xuất giống cây lâm nghiệp cao sản theo công nghệ mô, hom phục vụ trồng rừng tại Quảng Bình. Đây là một trong những dự án nằm trong chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi đến 2010 do Bộ KH&CN ủy quyền địa phương quản lý, Trung tâm là đơn vị được UBND tỉnh và Sở KH&CN giao thực hiện. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Quân đã đánh giá cao kết quả đạt được trong những năm qua của Trung tâm và bày tỏ mong muốn trên cơ sở kết quả nghiên cứu bước đầu, Trung tâm cần tìm cách thương mại hóa kết quả nghiên cứu và ứng dụng sáng tạo (ví dụ như nấm linh chi, nuôi cấy mô…) trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ xã hội. Một trong những con đường đưa kết quả nghiên cứu trở thành sản phẩm hàng hóa chính là việc thành lập các đơn vị sản xuất kinh doanh (có thể thành lập doanh nghiệp khoa học thuộc Trung tâm hoặc Sở thành lập một doanh nghiệp khoa học bên cạnh trung tâm), sản xuất kinh doanh sản phẩm từ kết quả nghiên cứu… Thứ trưởng hy vọng rằng, trong thời gian tới Trung tâm sẽ phát triển thành một đơn vị mạnh không chỉ của Sở và của khu vực. |