Bản in
Tạo giống tốt để xây dựng thương hiệu “bò Bắc Kạn”
Trên thế giới hiện có 1,3 tỷ con bò với hàng trăm giống khác nhau đã được thuần hoá, chọn lọc và lai tạo hằng năm. Có nhiều giống bò thuần địa phương nổi tiếng như bò Red Sind của Pakistan, bò Sahiwal của Ấn Độ. Tuy nhiên, ở Việt Nam số lượng giống vật nuôi không nhiều với khoảng 60 giống nội địa. Do vậy, đưa khoa học kỹ thuật để tạo giống vật nuôi tốt nâng cao năng suất chất lượng, làm thương hiệu và thương mại hoá sản phẩm là con đường tối ưu.

Lợi thế từ phương pháp mới

Hiện nay, chăn nuôi bò thịt đang là một trong những hướng đi quan trọng góp phần cải thiện chất lượng đời sống cho nông dân. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2010 đàn bò trong cả nước đạt gần 6 triệu con. Riêng ở Bắc Kạn trong những năm gần đây phong trào chăn nuôi bò thịt được xác định là một trong những chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Phong trào chăn nuôi này đã và đang biến “giấc mơ đổi đời” của người Bắc Kạn thành hiện thực.

Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp khoa học và công nghệ để phục hồi và phát triển đàn bò của đồng bào Mông tỉnh Bắc Kạn”.

Bò Mông là giống bò mới được phát hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là giống bò có tầm vóc lớn và chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, hiện nay giống bò này đang có nguy cơ bị thoái hoá về giống do cận huyết kéo dài. Phương thức chăn nuôi của người dân nơi đây vẫn chủ yếu mang tính truyền thống “sản xuất nhỏ”, nên không thể cạnh tranh với thị trường bên ngoài.

Để xây dựng thành công thương hiệu “bò Bắc Kạn” cần có hệ thống chọn lọc nhân giống, quản lý giống để phát huy tiềm năng di truyền về sản xuất, sản lượng và chất lượng giống để thay đổi dần diện mạo của ngành chăn nuôi theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng nhu cầu về thịt bò trong nước và xuất khẩu.

Theo Ths Nguyễn Thị Thoa - chủ nhiệm đề tài cho biết: có nhiều lý giải cho việc bò Bắc Kạn hiện nay chưa có thương hiệu để khẳng định chất lượng là do việc khai thác giống mang tính tự phát. Số bò bán đi thường là con to có sản lượng thịt lớn. Việc bán một số bò tốt đã gây ra hiện tượng thoái hoá về giống, nuôi dưỡng chưa vươn tới sản phẩm hàng hoá. Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi của đồng bào Mông vẫn mang nặng tính truyền thống “thủ công”, “sản xuất nhỏ”…

“Giấc mơ đổi đời” không xa

Áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để phục hồi, khai thác và phát triển đàn bò của đồng bào Mông tỉnh Bắc Kạn là một trong những hướng đi đúng hiện nay. Trong đó, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi là một trong những phương pháp đem lại hiệu quả cao trong việc phục hồi, phát triển, sử dụng và bảo tồn nguồn gen quý giống bò Mông. Phương pháp mới này giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao, đã và đang biến “giấc mơ đổi đời” của người dân Bắc Kạn thành hiện thực.

Pác Nạm là một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh Bắc Kạn về phong trào chăn nuôi bò với hơn 9.500 con. Nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật mới về thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi đã giúp phong trào chăn nuôi bò của huyện phát triển nhanh về số lượng, giúp nhiều hộ xoá đói, giảm nghèo. Điển hình như gia đình ông Lý Văn Tu, nhờ sớm tiếp cận với công nghệ trên nên cuộc sống đã no đủ hơn trước.

Anh Hà Tạ Huyên - huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) cho biết: nuôi bò không khó mà hiệu quả kinh tế mang lại cũng khá cao. Sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi này đã giúp gia đình anh thu về gần 40 triệu đồng.

Ths Nguyễn Thị Thoa cho biết thêm: Để phục hồi và phát triển đàn bò Mông của đồng bào tỉnh Bắc Kạn, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chọn những con bò đực to khỏe cho phối giống trực tiếp và sản xuất tinh đông lạnh, thụ tinh nhân tạo cho những bò cái đã được lựa chọn bằng tinh bò Mông đông lạnh. Chọn những bò cái tốt để sản xuất phôi và cấy truyền phôi để tạo ra những con bê mang bản chất di truyền của bò đực và bò cái Mông đã được chọn lọc, hạn chế sự đồng huyết gây thoái hoá đàn bò. Đây là những phương pháp khá phổ biến hiện nay bởi nó mang lại hiệu quả rõ rệt. Khi lựa chọn phương pháp này bà con có thể yên tâm về chất lượng bò giống, chât lượng bê sinh ra tốt, bê nhanh lớn, khoẻ mạnh và có sức đề kháng cao với bệnh tật, có khả năng giữ lại làm giống tốt.

Với phương pháp trên, sau khi tiến hành thử nghiệm đã sản xuất được 5.387 liều tinh đông lạnh, sản xuất 251 phôi, chọn 10 bò đực có tầm vóc to khỏe để phối giống trực tiếp và tạo được 112 bê do phối giống trực tiếp.

Hiện nay, ở nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển bò thịt. Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Phát triển chăn nuôi năm 2011 và những năm tiếp theo sẽ đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi, nhu cầu thực phẩm trong nước và các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, sẽ tiếp tục tăng do thu nhập tăng nhanh và tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá ngày càng cao. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

Để giúp nông dân phát triển chăn nuôi bò thịt, Viện Chăn nuôi phối hợp với tỉnh Bắc Kạn tăng cường hoàn thiện các giải pháp khoa học và công nghệ để phục hồi và phát triển đàn bò của đồng bào Mông tỉnh Bắc Kạn. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật này vào một số đàn bò có tầm vóc lớn, chất lượng cao như đàn bò ở Bắc Kạn cùng với việc nâng cấp dần mức đầu tư dinh dưỡng và kỹ thuật cho hộ chăn nuôi, chắc chắn trong vòng 5-10 năm tới chăn nuôi bò sẽ dẫn đầu trong các ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn. Hi vọng, các giải pháp kỹ thuật này được áp dụng đồng loạt tại nhiều huyện ở Bắc Kạn, chất lượng đàn bò thịt sẽ được nâng lên đáng kể, góp phần xây dựng thương hiệu “thịt bò Bắc Kạn” và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá mang tính bền vững cao.

Đăng Minh