Năm 2010, tỉnh Quảng Ninh đầu tư cho KH&CN là 57 tỷ đồng nhưng chỉ sau một năm con số này tăng lên 350 tỷ đồng, tương đương 5% ngân sách tỉnh, đâu là lý do khiến Quảng Ninh đưa ra quyết sách này, thưa ông?
Lý do thì có nhiều nhưng có một số lý do chính về quyết sách này. Thực tế, trước khi đưa ra quyết sách này, tỉnh đã có những cuộc khảo sát, đánh giá lại hoạt động KH&CN tỉnh trong thời gian qua và xác định KH&CN Quảng Ninh đã đứng ở đâu. Phải thừa nhận, từ trước đến nay, Quảng Ninh vẫn duy trì bình thường các hoạt động về KH&CN như nghiên cứu ứng dụng, sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng… và hàng năm vẫn chi ngân sách tỉnh cho những hoạt động này nhưng thực sự hoạt động KH&CN tỉnh vẫn trầm lắng, không có sự bứt phá.
Điểm mạnh ở Quảng Ninh là phát triển du lịch, đặc biệt sau khi vịnh Hạ Long được đăng quang là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới thì tiềm năng ngày càng rõ rệt. Ý thức được thế mạnh, tỉnh đã có những cuộc tìm hiểu thăm dò ở nhiều khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh và kết quả cho thấy hầu hết những nguyên liệu để chế biến món ăn cho du khách như Tu Hài, Sá Sùng, Hàu… lại nhập khẩu trong khi Quảng Ninh hoàn toàn có khả năng làm và làm tốt hơn hàng nhập ngoại. Bên cạnh đó, hàng hóa đầu ra ở Quảng Ninh chủ yếu vẫn là hàng thô chưa qua chế biến nên giá thành thấp. Quảng Ninh còn có một số lĩnh vực khác có thể khai thác như dùng lượng đất sét sẵn có để sản xuất vật liệu xây dựng nhẹ hay với hơn 80% diện tích là đồi và rừng hoàn toàn có thể khai thác kinh tế rừng… Nhưng Quảng Ninh vẫn chưa có sự đột phá về kinh tế, đó là những điều mà tỉnh trăn trở rất nhiều và quyết định đầu tư cho KH&CN để tạo bước đột phá mới.
Mô hình trồng hoa lan tại Quảng Ninh. Ảnh: Phương Hoàn
|
Phải thừa nhận rằng, thời gian qua, chúng tôi còn xem nhẹ việc phát huy tiềm năng vốn có của địa phương, chỉ chú trọng phát triển công nghiệp nặng mà chưa chú ý đến việc áp dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn tại Quảng Ninh hay hệ thống siêu thị trong đó có Metro đều không có sản phẩm “made in Quảng Ninh”. Mặc dù chất lượng tốt nhưng các sản phẩm chỉ dừng lại là sản phẩm hộ gia đình, sản xuất theo hướng tự phát hay quy mô nhỏ lẻ, không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm kiểm định, đóng dấu dán nhãn mác hàng hóa…
Đánh giá vấn đề một cách kịp thời, tỉnh đã có những quyết sách mang tính đột phá bằng việc đưa ra Nghị quyết từ năm 2012, trích từ 4% đến 5% ngân sách tỉnh, tương đương 350 tỷ đồng đầu tư cho KH&CN. Nguồn này chủ yếu phục vụ việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Với sự “đột phá” về mức đầu tư cho hoạt động KH&CN từ năm 2012 thì tỉnh Quảng Ninh đã có sự chuẩn bị như thế nào về nhân lực, vật lực tương xứng với mức đầu tư đó, thưa ông?
Tỉnh đã có những bước chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng. Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu là xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn mác để hàng hóa Quảng Ninh có đủ điều kiện vào được những siêu thị lớn, những khách sạn sang trọng… để phục vụ tại chỗ và tương lai vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Sở KH&CN đã có kế hoạch từ nhiều tháng trước để chuẩn bị cho quyết định này. Tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với Bộ KH&CN để phấn đấu trong năm 2012 phải xây dựng được ít nhất 12 thương hiệu cho sản phẩm của tỉnh. Theo đó, những sản phẩm được ưu tiên xây dựng thương hiệu trước có thể là Chả mực Hạ Long, Tu Hài - Vân Đồn, Sá Sùng – Vân Đồn và rượu Ba kích ở Ba Chẽ hay là con Ngán, Gà - Tiên Yên…
Chúng tôi cũng quan tâm đến việc đầu tư cho nuôi trồng thủy hải sản, đưa KH&CN vào lĩnh vực này nhiều hơn. Xây dựng vùng ươm tạo giống, thực nghiệm chuyển giao giống cho người nuôi trồng. Tới đây chúng tôi cũng sẽ xây dựng những vùng chăn nuôi, trồng trọt chuyên canh. Chúng tôi cũng đã khảo sát những cây con ở Viện Di truyền Nông nghiệp, Hòa Bình…, một số loại cây con như gà, lợn, cam, giống lúa mới, hoa… cũng sẽ được đưa về nuôi trồng tại Quảng Ninh. Cùng với việc phát triển, chúng còn đặt sự quan tâm trong xử lý môi trường, đặc biệt là môi trường biển vịnh Hạ Long.
Song song với việc đầu tư về cơ sở vật chất, tỉnh đã xây dựng những đề án phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực. Đầu năm tới chúng tôi sẽ thông qua một chương trình thu hút nhân tài, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hút nhân lực có trình độ cao là con em Quảng Ninh đang làm việc ở tỉnh ngoài và cả người có trình độ cao tỉnh khác. Tôi có thể khẳng định rằng để phát triển kinh tế - xã hội tốt thì nguồn tài chính cũng là quan trọng nhưng điều quan trọng nữa là phải có sự quan tâm sâu sát, sự vào cuộc thực sự của lãnh đạo, sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, nói chung là phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đầu tư lớn như vậy cho KH&CN thì kỳ vọng của Quảng Ninh vào KH&CN trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Hiện nay chúng tôi đã xây dựng quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 định hướng đến 2030. Tôi nghĩ rằng, việc dành 5% ngân sách tỉnh cho KH&CN không phải là con số cuối cùng. Nếu trong thời gian tới KH&CN thực sự có tác dụng làm cho kinh tế - xã hội tỉnh phát triển bứt phá thì con số đầu tư sẽ tăng lên nhiều hơn thế. Làm được điều này phải có sự đồng bộ từ quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo trong tỉnh, xây dựng chiến lược chặt chẽ và đầu tư đúng mức cho phát triển nguồn nhân lực.
Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh và Bộ KH&CN đã ký chương trình hợp tác mang tính toàn diện về chuyển giao ứng dụng KH&CN vào tỉnh Quảng Ninh và Bộ KH&CN cũng xác định lấy Quảng Ninh là đơn vị chỉ đạo chương trình trong toàn quốc. Tới đây chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng những khu ươm tạo KH&CN trên các lĩnh vực, trong tương lai những khu ươm tạo này không chỉ phục vụ cho Quảng Ninh mà còn cho cả khu vực. Tôi tin rằng, Quảng Ninh hoàn toàn có khả năng khai thác những tiềm năng vốn có của địa phương nếu biết đầu tư hợp lý và áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu KH&CN.
Phương Hoàn - Trần Hồng
|