Hiệu quả từ đổi mới
Giám đốc Sở KH- CN Đồng Nai Phạm Văn Sáng cho biết, sau 7 năm thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH-CN (giai đoạn 2004-2011), việc đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động KH-CN của Đồng Nai đã bắt đầu khơi dậy các nguồn lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sự linh hoạt và chủ động trong việc đổi mới của Đồng Nai đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Một trong những thành quả đó là triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng KH-CN cấp cơ sở theo cơ chế 50/50: Trong đó, 50% kinh phí sự nghiệp KH-CN và 50% kinh phí còn lại bằng nguồn kinh phí của các Hội thành viên, của cá nhân các nhà khoa học và các cá nhân, tổ chức tài trợ khác. Thông qua đó đã tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức của tỉnh trực tiếp tham gia vào các hoạt động nghiên cứu KH-CN, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Ngoài ra đối với đề tài, dự án KH-CN cơ sở trong lĩnh vực giáo dục, y tế và an ninh quốc phòng do UBND huyện, ngành quyết định thực hiện: Sở KH-CN hỗ trợ cho huyện, ngành 70% và ngân sách huyện, ngành đầu tư 30%.
Việc đổi mới quản lý hoạt động khoa học nhằm huy động nguồn lực của các ngành, các cấp; thu hút nguồn nhân lực KH-CN ngoài tỉnh; thiết lập tốt cơ chế liên kết giữa ba nhà: Khoa học - Quản lý - Doanh nghiệp và có nhiều hoạt động tạo hiệu ứng xã hội để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ theo chiều sâu và chiều rộng, góp phần phát huy hiệu quả thực thi các chương trình KH-CN của Tỉnh.
Đổi mới quản lý các đề tài/dự án KH-CN một cách minh bạch, công khai, xóa bỏ hẳn “cơ chế xin - cho” đã có tác động lựa chọn đề tài/dự án gắn kết nghiên cứu với thực tế sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng xem xét, giám định kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và huy động thêm nguồn lực trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện theo các chương trình mục tiêu của Tỉnh.
Hội thảo KH-CN được tổ chức hằng năm tại 11 huyện trong tỉnh đã thể hiện rất rõ vai trò cầu nối giữa các các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học và địa phương. Thông qua những hội thảo như thế giúp các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học nắm rõ nhu cầu của ngành, địa phương, ngược lại các ngành, địa phương cũng nắm rõ được thành quả và năng lực nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học. Trên cơ sở kết nối cung - cầu trên, các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học giúp các ngành, địa phương xây dựng phiếu đề xuất nhiệm vụ KH-CN phù hợp với tình hình thực tế của từng nơi.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nhân lực ngành KH-CN Đồng Nai cũng có những điểm mới như việc biệt phái cán bộ thuộc biên chế Sở KH-CN về công tác tại huyện nhằm thúc đẩy hoạt động KH-CN cơ sở thông qua. Mô hình nhân sự 3.3 được áp dụng toàn diện triệt để trong các Hội đồng KH-CN (3 thành viên ở Đồng Nai, 3 thành viên tại TP. HCM và 3 thành viên tại Hà Nội) nhằm thu hút nhân lực từ 2 trung tâm KH-CN lớn là TP.HCM và Hà Nội tham gia vào các đề tài/dự án khoa học. Hoạt động thu hút nhân lực KH-CN chất lượng cao phục vụ cho tỉnh Đồng Nai được thực hiện thông qua việc đầu tư nhà làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, thuê phòng họp tại Hà Nội và ứng dụng công nghệ hội nghị truyền hình đã phát huy hiệu quả đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh Đồng Nai.
Cần có chính sách hợp lý
Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đã được Bộ KH-CN triển khai từ năm 2004 trên cơ sở thực hiện Quyết định 171/2004/QĐ-TTg ngày 28.9.2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH-CN.
Ngày 25.7.2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1244/QĐ-TTg phê duyệt Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015, trong đó đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục đổi mới một cách mạnh mẽ, cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý và hoạt động KH-CN.
Cũng theo ông Sáng, trong những năm qua Sở KH-CN Đồng Nai đã dốc sức tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo thế và lực cho việc xây dựng và phát triển KH-CN. Tập trung đầu tư phát triển tiềm lực khoa học trong 2 lĩnh vực ưu tiên là phát triển nông nghiệp và thực hiện cải cách hành chính hướng tới chính phủ điện tử; Xác định 3 chương trình mũi nhọn là Công nghệ thông tin (CNTT); Công nghệ sinh học (CNSH); và Đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, dồn sức cho mũi nhọn CNTT, có chính sách thu hút nhân lực từ 2 trung tâm khoa học lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đồng thời với chương trình xây dựng nội lực nguồn nhân lực. Kinh nghiệm này đã giúp Đồng Nai đưa CNTT thật sự trở thành mũi nhọn, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Sở KH-CN Đồng Nai.
Có thể nói, việc đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động KH-CN đã đưa đến cho KH-CN Đồng Nai nhiều khởi sắc, thu hút nguồn nhân lực KH-CN ngoài tỉnh; thiết lập tốt cơ chế liên kết giữa ba nhà: Khoa học - Quản lý - Doanh nghiệp và có nhiều hoạt động tạo hiệu ứng xã hội để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ theo chiều sâu và chiều rộng, góp phần phát huy hiệu quả thực thi các chương trình KH-CN của Tỉnh. Tuy nhiên, theo đại diện Sở KH-CN Đồng Nai để để hoạt động KH-CN Đồng Nai tiếp tục được phát huy, phát triển và nhân rộng hơn nữa trong những năm tiếp theo còn nhiều điều cần tháo gỡ và cần sự chung tay vào cuộc các Bộ, ngành, đó là việc điều chỉnh cơ cấu kinh phí theo hướng tăng kinh phí sự nghiệp KH-CN và giảm kinh phí đầu tư phát triển trong tổng kinh phí KH-CN. Đồng thời có cơ chế quản lý kinh phí đầu tư phát triển KH-CN phù hợp theo hướng tăng quyền chủ động và thẩm quyền của Bộ KH-CN ở cấp Trung ương và Sở KH-CN ở cấp địa phương. Bên cạnh đó là sửa đổi bổ sung định mức phân bổ ngân sách đối với các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước cho phù hợp. Hướng điều chỉnh nên có quy định khi mức lương tối thiểu chung tăng lên trên 50% thì định mức phân bổ ngân sách đối với các đề tài, dự án được tăng lên theo tỷ lệ tương ứng để chủ động trong việc lập và phê duyệt dự toán của các đề tài, dự án KH-CN. Ngoài ra cũng cần chính sách đãi ngộ đối với các cán bộ khoa học (từ thạc sỹ trở lên) đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về KH-CN được hưởng thêm phụ cấp nhằm thu hút và giữ được đội ngũ có trình độ cao nhằm thúc đẩy mạnh hơn việc đưa KH-CN vào sản xuất và đời sống góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Diệu Huyền-Hoàng Anh
|