|
|||
Đó là chia sẻ của TS. Hồ Ngọc Luật-Vụ trưởng, Trưởng ban Ban KH&CN địa phương (Bộ KH&CN). - Xin ông cho biết thực trạng tiềm lực KH&CN địa phương? Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN địa phương hiện nay là 4140 người. Trong đó, số biên chế là 3138 người, số có trình độ đại học, cao đẳng là 2627 người (chiếm 63,5%), số có trình độ trên đại học là 269 người (chiếm 6,5%). Bình quân số cán bộ của các sở KH&CN khu vực Miền núi phía Bắc là thấp nhấp, chỉ có 46,6 người, trong khi đó các tỉnh, thành phố Vùng Đông Nam bộ là 102,3, cao nhất; và Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ có số bình quân cao thứ hai: 71-72 người. Nguồn nhân lực KH&CN ở các địa phương được tập hợp từ nhiều nguồn đào tạo, hình thành trên cơ cấu ngành nghề không đồng bộ, số lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu và triển khai quá mỏng, trình độ chưa tương xứng với nhu cầu phát triển KT-XH của các địa phương. Bên cạnh đó, đội ngũ nghiên cứu và triển khai của các địa phương còn nhiều hạn chế về: năng lực xác định nhiệm vụ nghiên cứu triển khai phục vụ phát triển KT-XH địa phương; năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN địa phương; năng lực xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch KH&CN; năng lực tham mưu và tổ chức, giám sát thực hiện các cơ chế, chính sách,... Cơ cấu của lực lượng lao động kỹ thuật còn bất hợp lý, tạo nên tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Tỷ lệ cán bộ KH&CN/nhân viên kỹ thuật/công nhân kỹ thuật hoặc nhân viên nghiệp vụ có bằng và chứng chỉ là 1/1,04/0,86. Về tổ chức, hiện nay 63 tỉnh thành phố có trên 1600 tổ chức KH&CN. Hằng năm, tài chính cho phát triển KH&CN chiếm 2% tổng chi ngân sách cho KH&CN (gọi là tổng đầu tư). Trong đó, kinh phí dành cho đầu tư phát triển khoảng 43% tổng đầu tư (khoảng 22% tổng đầu tư được phân bổ thông qua ngân sách địa phương). Số các địa phương sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích rất thấp, phần lớn chi cho các lĩnh vực khác không đúng mục đích đầu tư phát triển cho KH&CN. Kinh phí sự nghiệp khoảng 57% tổng đầu tư (khoảng 15% tổng đầu tư được phân bổ thống qua ngân sách địa phương). Như vậy, hàng năm Trung ương bố trí khoảng 40% tổng chi ngân sách cho KH&CN phân bổ cho các địa phương. - Ông đánh giá như thế nào về hoạt động truyền thông KH&CN địa phương hiện nay và vai trò của truyền thông trong lĩnh vực này? Hiện nay, hoạt động truyền thông KH&CN được thực hiện dưới dạng chức năng thông tin KH&CN. Hoạt động này tổ chức cung cấp thông tin KH&CN đến với các cấp, các ngành và cộng đồng. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ truyền thông KH&CN thì hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu của công tác truyền thông đặt ra. Chưa nâng cao nhận thức xã hội về KH&CN, về vai trò của KH&CN đối với phát triển KTXH; hoạt động giới thiệu những thành tựu, kết quả KH&CN, tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ KH&CN chưa thực sự hiệu quả, chất lượng chưa cao; việc giới thiệu những điển hình trong hoạt động KH&CN chưa thực sự thường xuyên, chưa phát huy hiệu quả. Thực ra, vai trò của truyền thông trong lĩnh vực KH&CN là rất lớn, nhất là đối với một nước đang phát triển như Việt nam. Truyền thông đúng sẽ góp phần quyết định trong việc làm cho xã hội có được nhận thức đúng về KH&CN, về vai trò của KH&CN đối với cuộc sống, đối với tăng trưởng kinh tế. Truyền thông góp phần giới thiệu những thành tựu, thành quả KH&CN, tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ KH&CN. Truyền thông góp phần giới thiệu những điển hình trong hoạt động KH&CN đến với cộng đồng; giới thiệu những thành viên cộng đồng điển hình trong ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ KH&CN,... Và vai trò là cầu nối giữa hoạt động KH&CN với sản xuất và đời sống. - Thực tế cho thấy, truyền thông KH&CN địa phương chưa được chú trọng. Theo ông, những khó khăn, hạn chế ở đây là gì? Về mặt quản lý, chúng ta chưa nhìn nhận đúng về những vai trò quan trọng của truyền thông trong lĩnh vực KH&CN. Do đó, những thành tích hoạt động KH&CN của quốc gia chưa được chuyển tải đầy đủ, cụ thể đến với cộng đồng, xã hội. Chúng ta cũng chưa quan tâm đầu tư cho hoạt động truyền thông KH&CN.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN tổ chức tập huấn “Tăng cường công tác tuyên truyền hoạt động KH&CN địa phương” tại TP. Hồ Chí Minh tháng 11/2011 Chúng ta mới quan tâm đầu tư đến hệ thống tổ chức thông tin KH&CN với chức năng thuần túy cung cấp thông tin chưa chú trọng đến truyền thông. Truyền thông KH&CN địa phương hiện đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Về mặt tổ chức, chức năng truyền thông KH&CN tại các địa phương chưa được cụ thể hóa đầy đủ; chưa bố trí các điều kiện cần thiết (tổ chức, cán bộ, tài chính, trang thiết bị kỹ thuật, thể chế) để thực hiện nhiệm vụ truyền thông; chưa quan tâm đến đào tạo nghiệp vụ truyền thông cho đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan đến truyền thông. Bên cạnh đó là khó khăn trong nhận thức về truyền thông. Chúng ta rất coi trọng việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ KH&CN, dịch vụ KH&CN,... Nhưng ngược lại, chúng ta lại chưa quan tâm đúng mực, nhiều nơi còn chưa quan tâm đến việc làm cho xã hội, cộng đồng nhận thức, hiểu được việc chúng ta đã và đang làm, kết quả mà chúng ta mang lại, chưa nói đến hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế có thể tính được từ việc áp dụng, nhân rộng những kết quả đó. Chúng ta vẫn thường suy nghĩ, hoàn thành nhiệm vụ là xong nhiệm vụ; nghiệm thu đề tài, dự án là xong. - Theo ông, để phát triển truyền thông KH&CN, các địa phương cần làm gì? Và trách nhiệm của truyền thông ra sao? Các địa phương, nhất là các sở KH&CN cần có kế hoạch phát triển công tác truyền thông KH&CN. Ví dụ, có thể xây dựng đề án phát triển truyền thông KH&CN, làm rõ vai trò truyền thông KH&CN tại tổ chức, đơn vị có chức năng thông tin KH&CN. Bộ KH&CN cũng có thể có đề án phát triển truyền thông KH&CN để hướng dẫn đồng bộ công tác truyền thông KH&CN địa phương, cũng như về chuyên môn nghiệp vụ truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông cho đội ngũ cán bộ. - Xin trân trọng cảm ơn ông! |