Bản in
Đầu tư gần 15 tỷ đồng khôi phục và phát triển làng nghề
Từ nay đến năm 2012, tỉnh Thừa Thiên-Huế đầu tư khoảng 14,75 tỷ đồng nhằm khôi phục và phát triển nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Tỉnh đã tuyển chọn ở 58 đơn vị với 176 bộ sản phẩm thuộc năm nhóm ngành, hàng là mộc mỹ nghệ, chạm khảm xương, các sản phẩm từ gỗ, thêu, dệt, các sản phẩm từ kim loại, mây tre, đan lát..., sản phẩm có nguyên liệu từ mây tre, giấy, chế biến lương thực, thực phẩm và đồ gốm truyền thống cùng  31 mẫu sản phẩm đưa vào sản xuất hàng lưu niệm mang đặc trưng và thương hiệu Huế.

Bên cạnh đó thực hiện các chính sách khuyến khích, phát triển gần 1.000 cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống, thu hút trên 6.000 lao động, bao gồm các ngành nghề mộc mỹ nghệ, chạm khảm đồ gỗ, khảm xương, khảm trai, sơn mài, thêu, đúc đồng, mây tre đan, nghề chằm nón lá, kim hoàn, sản xuất giày dép da, may...

Ngoài ra, hoạt động đào tạo nghề của các đề án khuyến công không chỉ đáp ứng nhu cầu học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mà còn góp phần cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các làng nghề, cơ sở sản xuất trong việc mở rộng sản xuất sản phẩm mỹ nghệ truyền thống cho tiêu dùng và xuất khẩu. Nhiều nghề thủ công mỹ nghệ khác như thêu, chạm bạc, đúc đồng, gốm mỹ nghệ... đang được tỉnh Thừa Thiên-Huế hỗ trợ đào tạo theo lối truyền nghề, mở rộng sản xuất, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng.

H.A