|
|||
PGS-TS PHAN MINH TÂN: 35 năm là một chặng đường dài song có thể khái quát bằng 4 giai đoạn. Từ 1976 đến 1985 là giai đoạn tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau trên địa bàn TPHCM tham gia vào quá trình khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Giai đoạn 1986 -1996, hoạt động KH-CN của TP từ phân tán, tự phát đã được chuyển sang chương trình hóa, tập trung vào các mục tiêu phát triển trọng điểm phù hợp với các chương trình kinh tế - xã hội TP. Giai đoạn 1997 - 2005 bắt đầu hội nhập trên quy mô toàn cầu, trong đó KH-CN là nền tảng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giai đoạn 2006 đến nay, liên tục đổi mới cơ chế, chính sách quản lý hoạt động KH-CN TP và thu hút, phát huy đội ngũ trí thức KH-CN trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Song song đó là quá trình đẩy mạnh hợp tác với các ngành, địa phương và hợp tác quốc tế về KH-CN trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu, công nghệ sinh học, phân tích kiểm nghiệm, đào tạo kỹ thuật, chuyển giao công nghệ... để huy động nhiều nguồn lực phát triển KH-CN TP. - TPHCM đã tạo được những giá trị tiền đề gì cho quá trình phát triển sau này? Giai đoạn này đã hình thành và phát triển mô hình liên kết tam giác: “Doanh nghiệp - Nhà nước - Cơ sở nghiên cứu khoa học” trong hoạt động KH-CN thông qua chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu. Bước đầu hình thành thị trường KH-CN thông qua tổ chức các chợ thiết bị - công nghệ, chợ tư vấn KH-CN. Phát triển ngành công nghiệp CNTT thông qua sự thành lập một số trung tâm và công viên phần mềm tập trung, như Trung tâm Công nghệ phần mềm Sài Gòn (SSP), Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM. Nổi bật, đã đưa Khu Công nghệ cao TPHCM vào hoạt động và tiếp tục có những chuyển biến tích cực trong đầu tư và phát triển công nghệ… Đến nay, Công viên Phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TPHCM tiếp tục phát triển và mở rộng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao. - Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ từ năm 2006 đến nay có được xem là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với việc phát triển kinh tế - xã hội TP? Thực hiện nhiệm vụ này, sở đã tập trung chỉ đạo vào công tác chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, nhất là đối với các sở, ngành đã có đặt hàng các đề tài. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng trong thực tế, góp phần giải quyết các vấn đề “nóng” của TP, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã đầu tư cho một số đề tài, dự án nghiên cứu với kinh phí tương đối lớn (từ 2 - 4 tỷ đồng/đề tài) trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, năng lượng, thiết kế vi mạch… từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải như trước đây. Các đề tài hiện đang triển khai và hứa hẹn sẽ tạo ra được sản phẩm mới hoặc công nghệ mới có thể đem lại hiệu quả kinh tế hàng triệu USD. Đây cũng là những mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới là bảo đảm tiến độ thời gian và chất lượng khoa học cũng như giá trị thực tiễn của nhiều đề tài và dự án. Số lượng đề tài, dự án hoàn thành chậm tiến độ có xu thế tăng lên mà phần lớn nằm ở nguyên nhân chủ quan là chủ nhiệm đề tài và các cộng tác viên chưa đầu tư thời gian thỏa đáng cho công tác nghiên cứu khoa học, thậm chí chỉ quan tâm tới các đề tài khi có thời gian “trống”. Chất lượng các công trình nghiên cứu chưa được cải thiện, do vậy rất khó khăn để áp dụng vào thực tế. Cho nên, sở sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khoa học và giá trị thực tiễn của các đề tài với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng và hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.
|